.

Các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn: Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt

Thứ Ba, 18/10/2016, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau những ngày sống chung với lũ, nhân dân các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn đang nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống. Họ vẫn nỗ lực hết mình dẫu phía trước sẽ là những chuỗi ngày vô vàn khó khăn.

>> Sau lụt… đối mặt với nỗi lo sinh kế

>> Quảng Trạch: Toàn lực khắc phục hậu quả mưa lũ

>> Tuyên Hoá: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt

>> Lệ Thủy: Tổng thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng

Con đường vào xã Quảng Hòa vẫn còn ngập sâu trong nước lũ
Con đường vào xã Quảng Hòa vẫn còn ngập sâu trong nước lũ

Chúng tôi có mặt tại các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn ngay sau khi cơn lũ lịch sử vừa rời đi một ngày. Đập vào mắt là cảnh tượng tiêu điều, xác xơ và những con đường vẫn ngập ngụa bùn đất, rác rưởi phủ đầy. Ngay dưới chân cầu Quảng Hải, con đường vào xã Quảng Hòa vẫn còn ngập sâu trong nước và chưa thể đi lại được.  

Để vào được thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, chúng tôi đã phải lội qua hơn 500m đường bùn đất với ngổn ngang rác rưởi. Những ngôi nhà kiên cường trong lũ giờ bừa bộn với hàng trăm thứ đồ dùng trong gia đình được bày la liệt trước sân, trên hàng rào để phơi gió và vệ sinh. “Nước vô mau quá, trở tay không kịp, nhất là khi chồng tui vừa tàn tật, không đi lại được. May mắn là khi nước lên, bà con trong xóm thay nhau tới giúp đưa cả nhà lên ngồi sát nóc nhà, nếu không thì khổ nữa…”,  bà Mai Thị Liệu ở thôn Cồn Sẻ chia sẻ với chúng tôi khi nét mặt vẫn chưa hết bàng hoàng.

Trận lũ vừa qua, cả thôn Cồn Sẻ ngập chìm trong lũ, có nhà nước dâng cao đến gần 3 mét, mọi tài sản đều bị nhấn chìm. Khi chúng tôi đến, bà con trong thôn đang tập trung đi nhận phần quà hỗ trợ đầu tiên kể từ sau khi lũ rút. Nhận vội ít gạo và mì tôm, những người dân Cồn Sẻ vẫn lạc quan: phải ăn để tiếp tục giải quyết hậu quả của lũ lụt.

Bà con trong thôn Cồn Sẻ đang nhận phần quà hỗ trợ đầu tiên kể từ sau khi lũ rút
Bà con trong thôn Cồn Sẻ đang nhận phần quà hỗ trợ đầu tiên kể từ sau khi lũ rút

Tương tự như xã Quảng Lộc, tại xã Quảng Tân, trận lũ vừa qua, 100% hộ nơi đây đều bị ngập trong lũ. Có hộ, mực nước cao đến 2,7 mét. Theo ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, so với đỉnh lũ năm 2010 thì trận lũ năm nay cao hơn 0,3 mét. Lũ cao và lên nhanh khiến người dân không kịp trở tay nên hơn 60% lượng thóc lúa dự trữ của bà con trong xã đều bị nhấn chìm trong dòng nước bạc. Ngay sau khi nước lũ vừa rời đi, người dân mang những bao lúa ướt sũng ra phơi nắng, phơi gió, với hy vọng còn vớt vát lại được chút gì.

Gia đình bà Trần Thị Nga ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Tân có ba người thì vợ chồng bà đều đã già, còn đứa con gái bị tàn tật. Khi nước ập vào nhà, không vận chuyển kịp nên toàn bộ hơn 2 tạ lúa dự trữ trong sập đều bị ướt hết. Sau hơn 2 ngày ngâm nước, những hạt lúa đã bắt đầu nảy mầm và bốc mùi chua nồng. Bà Nga rơm rớm nước mắt bảo: “Nhà neo người, cứ nghĩ làm 1 sào ruộng thì cũng vừa đủ lúa ăn cả năm, chừ ướt hết, hư hết. Lúa ni sợ gà ăn còn chê chứ nói chi người…”.

Bà Trần Thị Nga, ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Tân phơi thóc ướt mong muốn vớt vát được chút gì
Bà Trần Thị Nga, ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Tân phơi thóc bị ngâm nước lụt mong vớt vát được chút gì

Dọc theo con đường liên thôn, liên xã ở Quảng Tân, Quảng Trung và Quảng Tiên, đâu đâu cũng thấy người dân trải bạt phơi lúa. Ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: “Người dân nơi đây lấy nghề nông làm nguồn thu nhập chính, nên khi lũ rút, việc đầu tiên là họ nhanh chóng đưa lúa ra phơi nắng, phơi gió nhằm tận dụng được chừng nào tốt chừng đó”.

Ông Phạm Thanh Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ba Đồn cho hay, các xã vùng Nam là địa bàn thường xuyên đối diện với lũ lụt nên thầy cô giáo nơi đây luôn sẵn sàng tinh thần ứng phó với mưa lũ. Tuy nhiên, so với mọi năm, mực nước năm nay cao tới mức kỷ lục, lại lên quá nhanh nên không tránh khỏi những tổn thất. Hầu hết các trường học đều bị ngập sâu trong nước và khi lũ rút đều để lại lớp bùn đất, có nơi dày gần 5 tấc từ ngoài sân vào đến tận trong mỗi lớp học. Song với phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, nhiều nhà trường đã tích cực tổ chức làm vệ sinh lớp học ngay từ những ngày trước.

Cô giáo Phan Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quảng Trung cho hay, trước khi lũ đến, mặc dù bàn ghế, sách vở và đồ dùng dạy học đã được kê lên cao nhưng nước cao so với mọi năm nên bàn ghế đều bị nhấn chìm. Để các em học sinh sớm trở lại trường học, ngay sau nước rút khoảng được 50%, các thầy, cô giáo đã khẩn trương vệ sinh lau chùi bàn ghế, sắp xếp lại dụng cụ dạy học, rửa nền nhà, cào bùn đất, một số tài liệu cũ bị ướt sũng nay được đem ra phơi ráo, … kể cả trong những ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật.

Hàng trăm cuốn sách, vở tập vẽ của học sinh bị ướt đã được đưa ra phơi
Hàng trăm cuốn sách, vở của học sinh được đưa ra phơi

Riêng tại trường mầm non Quảng Tân, điểm trường thôn Tân Trường, do trường ở vị trí thấp hơn nhiều so với mặt đường nên mực nước lũ tại đây khá sâu. Hầu hết bàn ghế, đồ dùng dạy học đều bị chìm nghỉm trong nước lũ. Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do lũ lụt gây ra, ngay sau khi lũ rút, các cô giáo mầm non nơi đây đã kịp thời dọn vệ sinh trường lớp. Hàng trăm cuốn sách, vở tập vẽ... của học sinh bị ướt đã được đưa ra phơi lại. “Chỉ mong các cháu khi quay trở lại trường vẫn có đầy đủ vở, giấy tập vẽ, ổn định việc học như những ngày trước khi lũ lụt xảy ra…”, một cô giáo trải lòng.

Đến thời điểm này, công tác giải quyết hậu quả do lũ lụt gây ra tại một số trường học tại các xã vùng Nam đã cơ bản hoàn tất. Trong một đến hai ngày tới, các em học sinh đã có thể quay trở lại học tập bình thường.

Các chiến sỹ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt
Các chiến sỹ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt

Đặc biệt, cùng với sự nỗ lực của chính quyền, người dân của các xã chịu thiệt hại, trong những ngày vừa qua, các địa phương nơi đây đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của các chiến sỹ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) trong việc giải quyết và khắc phục hậu quả lũ lụt.

Mưa lũ đi qua, cùng với nhân dân toàn tỉnh, nhân dân các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn vừa phải tập trung triển khai làm vệ sinh, xử lý môi trường, vừa tích cực mọi nỗ lực để ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất. Tất cả đều với tinh thần khẩn trương, dù ngổn ngang những khó khăn trước mắt…

N. Lưu – D. Hương

Mọi sự ủng hộ xin chuyển về:

Báo Quảng Bình, địa chỉ: đường Trần Quang Khải, TP. Đồng Hới

Điện thoại: 0523.822.529; 0523.850.609; Di động: 0915.272.957, 0903.487.377

hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình

số TK: 10401 000000 5829 - Ngân hàng Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.