.

Quảng Ninh: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, chủ động đối phó với bão số 7

Thứ Hai, 17/10/2016, 15:50 [GMT+7]
(QBĐT) - Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra trên diện rộng tại các địa phương trên địa bàn, ngay trong mưa lũ và sau khi nước vừa rút, lãnh đạo huyện Quảng Ninh đã kịp thời về tận cơ sở, nhất là những nơi xảy ra lũ ống, những vùng trũng bị ngập nặng, những địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác khắc phục; đồng thời có các phương án chủ động đối phó với bão số 7.
 
Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão -Tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Ninh, tính đến ngày 17-10, trên địa bàn huyện, đợt mưa lũ đã làm 2 người chết (1 người ở xã Võ Ninh và 1 người ở xã Hàm Ninh), 4 người bị thương; 14.165 nhà bị ngập với trên 17.000 hộ; 84 phòng học bị ngập gây hư hỏng nhiều trang thiết bị; 9 trạm y tế bị ngập, thiệt hại. Mưa lũ làm chết và cuốn trôi hàng chục nghìn con gia cầm, gia súc cùng nhiều diện tích rau màu bị hư hại; hàng trăm công trình đê, kè, kênh mương và đường giao thông bị hư hỏng... Đến nay, một số xóm ở vũng thấp trũng trên địa bàn huyện vẫn đang bị nước lũ chia cắt... Tổng thiệt hại lên đến khoảng trên 185 tỷ đồng.
 
Đồng chí Lê Quang Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh cho biết: Hiện, Tân Ninh vẫn đang bị nước lũ vây tại một số thôn như Thế Lộc, Hữu Tân, xóm Đông Áng... Nơi đây, địa bàn thấp trũng, nước lũ vào nhanh nhưng ra chậm, người dân loay hoay trong bộn bề mênh mông nước.
 
Cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp dân khắc phục với mọi phương án, tình huống, huy động lực lượng chống chọi để cứu một số công trình hạ tầng. Tuy nhiên, lo lắng nhất vẫn là làm sao để cho dân có cái ăn, có nước uống...
Hiện tại một số thôn xóm ở Tân Ninh vẫn đang bị nước lũ vây
Hiện tại một số thôn xóm ở Tân Ninh vẫn đang bị nước lũ vây
Tại xã Võ Ninh, 380m khe Ung Ưng ở thôn Hà Thiệp bị xói lở tan hoang; 50m đường bê tông liên thôn và dãy hàng rào của dân bị đổ sập, gây tắc nghẽn giao thông, 1 ngôi nhà dân kế bên bị nứt cả mảng tường, nguy cơ sập rất cao... Chị Lê Thị Tú (SN 1982) con gái của vợ chồng chủ nhân ngôi nhà sắp sập, mếu máo: Nhà em ba mẹ đều già yếu, chỉ mình em học xong chưa có việc làm, vốn hoàn cảnh khó khăn, nay nhà mà sập, bão sắp vào nữa, em biết đưa ba mẹ chạy đâu. Mong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội cứu giúp gia đình em.
 
Về Hải Ninh, địa bàn bãi ngang ven biển, lũ tàn phá gây thiệt hại rất nặng nề. 1.200 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1m, 300 ngôi nhà bị cát lấp từ 0,3-0,5m; trên 3.000 con gia cầm bị trôi; 5 ha diện tích thủy sản bị ngập, 5 ha hoa màu bị cuốn trôi; hàng chục kè, cống bị sập và cuốn trôi hoàn toàn. Ước thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
 
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn huyện đã có mặt tại các địa phương bị nước lũ chia cắt để chỉ đạo cơ sở tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng chống với phương châm "4 tại chỗ".... Các đoàn công tác, các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn của huyện cũng đã kịp thời xuống các địa bàn phụ trách để chung tay cùng với cơ sở. Nhiều xã, thôn bản bị chia cắt nhưng vẫn có cán bộ cốt cán thường trực để xử lý các tình huống xảy ra trong mưa lũ, công tác nắm tình hình đời sống của nhân dân kịp thời... nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.  
 
Ngoài việc cứu trợ kịp thời những gia đình có người bị thiệt mạng và bị thương do mưa lũ, các địa phương tổ chức cứu trợ không để người dân nào thiếu đói. Huyện cũng đã triển khai lực lượng và chuẩn bị lương thực, thuốc men sẵn sàng ứng cứu cho người dân tại những vùng ngập sâu dài ngày. Ngành y tế đã triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân sau bão lũ. 
 
Các xã với phương châm “4 tại chỗ” đã chủ động tu sửa lại đường giao thông, vận động giúp nhau thu hoạch hoa màu còn sót lại sau lũ, phơi phong thóc gạo bị ướt… Các ngành Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng… đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương giúp dân khắc phục hậu quả của mưa lũ, ổn định cuộc sống.
Đoạn đường liên thôn ở xã Gia Ninh sạt lở hoàn toàn.
Đoạn đường liên thôn ở xã Gia Ninh sạt lở hoàn toàn.
Bên cạnh tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, hiện tại, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh cũng đang khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão số 7 dự báo có ảnh hưởng đến tỉnh ta. Theo ông Nguyễn Viết  Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng khắc phục hậu quả để ổn định đời sống cho người dân sau lũ; tại các xã đang ngập lụt, cần có phương án tiêu nước, chống úng. Ở những nơi giao thông nguy hiểm, có phương án ngăn chặn, không để người dân qua lại.
 
Hiện, các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn cũng đang khẩn trương chủ động ứng phó cao nhất bằng mọi cách huy động lực lượng chuẩn bị sơ tán dân ở những khu vực ven sông, biển, vùng sạt lở đất,... đến nơi an toàn trước khi bão số 7 đổ bộ vào; phối hợp với Bộ đội Biên phòng thông báo cho các chủ phương tiện và tàu thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão và vùng biển nguy hiểm để chủ động di chuyển đến nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo giằng tàu thuyền ở vùng ven biển, cửa sông; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động đối phó với tình huống bị chia cắt dài ngày...
Hương Trà