.

Ấm áp tình người trong cơn lũ dữ

Thứ Hai, 17/10/2016, 10:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nhiều năm sau nữa, những ai từng chứng kiến đợt mưa lũ tháng mười này, sẽ vẫn chưa quên được những hậu quả tang thương của nó. Có những cái chết xảy ra trong gang tấc khiến người ở lại không kịp ngỡ ngàng đã gục ngã bởi nỗi đau. Hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu, trâu bò, tài sản chơi vơi trong dòng nước xiết, bao cảnh đời khốn khó...

Nhưng trong mưa lũ, giữa chồng chất nguy nan, đã có rất nhiều những khoảnh khắc, những nghĩa cử đẹp làm ấm lòng người.

>> Quảng Bình: 25 người chết và mất tích, 92.489 hộ bị ngập, 56 hộ tốc mái, 18 nhà sập

>> Báo Quảng Bình kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Chiến sĩ Cảnh sát giao thông hỗ trợ dân trong mưa lũ
Chiến sĩ Cảnh sát giao thông hỗ trợ dân trong mưa lũ.

15h ngày 14-10, nhiều tuyến đường trọng điểm tại thành phố Đồng Hới đã biến thành sông. Tại điểm giao cắt giữa đường Trần Quang Khải và đường Hữu Nghị, tất cả xe mô tô đi qua đều bị ngập nước và chết máy. Nước chảy xiết khiến nhiều người không thể đẩy xe qua. Lúc này, có một tổ cảnh sát giao thông đang ứng trực tại đây. Trong khi một chiến sĩ làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông thì một chiến sĩ khác liên tục qua lại giữa dòng nước xiết và đẩy xe máy giúp người dân. Khi một người thoát khỏi dòng nước, họ vẫy tay và mỉm cười tạm biệt nhau dưới làn mưa tầm tã.

Từ cửa sổ phòng làm việc, tôi lặng lẽ quan sát hình ảnh chiếc áo mưa phản quang của chiến sĩ cảnh sát giao thông liên tục đồng hành cùng mọi người giữa dòng nước, giữa bao âu lo chợt thấy ấm lòng.

22h giờ ngày 14-10, sau bao nỗ lực, tại trụ sở Báo Quảng Bình vẫn còn 11 anh chị em cán bộ, phóng viên vẫn mắc kẹt vì trực báo. Xung quanh bốn bề nước bủa vây, chúng tôi vừa cập nhật tin tức vừa đợi nước rút. Trước đó, vào thời điểm 17 đến 19 giờ, trên tuyến đường Trần Quang Khải và Hữu Nghị có rất nhiều học sinh và phụ huynh trên đường về nhà. Lúc này xe mô tô và ô tô con không thể lưu thông được, nhiều người lựa chọn cách dắt nhau đi bộ.

Phóng viên Báo Quảng Bình hỗ trợ người đi đường bị hỏng xe
Phóng viên Báo Quảng Bình hỗ trợ người đi đường bị hỏng xe.

Trời tối và nước chảy xiết, có nơi ngập sâu đến 1 mét, nếu không quen đường thì sẽ dễ dàng bị nước cuốn. Lúc này, các phóng viên nam của Báo Quảng Bình vừa hướng dẫn mọi người đi băng qua lối cơ quan cho an toàn, vừa hỗ trợ đưa các ô tô bị chết máy vào để tạm trong sân để bảo đảm an toàn tài sản và đợi nước rút. Phóng viên Ngô Thanh Long trong khi vượt qua biển nước trở về nhà thì gặp một phụ nữ cùng con gái nhỏ đang vật lộn trong dòng nước xiết. Đoạn đường Hữu Nghị có nhiều đoạn ngập sâu trên 1m, anh đã dìu mẹ con họ cùng đi. Sau gần một tiếng đồng hồ vật lộn, họ cũng đi qua biển nước an toàn.

Sau 22 giờ, chúng tôi xác định sẽ ở lại cơ quan vì mưa tiếp tục nặng hạt và nước rút rất chậm. Thế rồi, phút cuối bỗng xuất hiện “người vận chuyển” với chiếc xe gầm cao 12 chỗ. “Em nghe được thông tin cơ quan mình còn nhiều anh chị em chưa về được nhà nên tranh thủ ghé qua!”, anh Hoàng Tuấn (sinh năm 1981), cho biết. Thời điểm đó, nhà xưởng của công ty anh trên đường Lý Thường Kiệt cũng bị ngập. Sau khi xử lý sơ bộ, anh tranh thủ đưa đón những người còn mắc kẹt tại cơ quan, trường học về nhà. Từ chiều đến 23h tối 15-10, anh Tuấn đã đi lại trên 10 chuyến, đưa đón gần 100 người là bạn bè, người quen và không quen về nhà an toàn.

Một trong những nhóm du khách được Lake House Resort tiếp đón miễn phí trong đợt mưa lũ
Một trong những nhóm du khách được Lake House Resort tiếp đón miễn phí trong đợt mưa lũ.

Cũng vào 23h đêm 14-10, khi đang chống chọi với mưa lũ tại phường Đồng Phú, phóng viên Nội Hà (Báo Quảng Bình) nhận được điện thoại cầu cứu của chị Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1992 tại thôn Bắc, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn). Chị Hiền vừa sinh con được 2 tháng. Cháu bé sinh non nặng 1,2 kg với căn bệnh viêm phổi và bong võng mạc sơ sinh đang điều trị. Bản thân chị Hiền sức khỏe rất yếu và nặng chỉ 25 kg. Chị cũng chính là nhân vật trong chuyên mục “Cảnh đời” cần giúp đỡ của Báo Quảng Bình. Suốt từ chiều, chị Hiền cùng mẹ bế con đứng trên giường, nước ngập đến đầu gối. Sau khi nhận điện thoại, phóng viên Nội Hà đã tìm mọi cách liên lạc với cán bộ địa phương để kịp thời ứng cứu. Suốt đêm, chị đã duy trì liên lạc và động viên bà mẹ trẻ cố gắng bám trụ, đợi lực lượng cứu hộ. Do lũ lớn, đến sáng 15-10, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được và tiếp tế đồ ăn, nước uống cho mẹ con chị để cầm cự chờ nước rút.

Sáng 15-10, sau phiên họp khẩn để ứng cứu với mưa lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình bão lụt tại các vùng nguy hiểm. Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu thẳng hướng xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), nơi có hàng chục tàu thuyền ngư dân đang bị sóng cuốn trôi và nhấn chìm. Lúc này, tại phường Quảng Thuận, nước ngập sâu, tất cả các loại xe đều dừng lưu thông. Với quyết tâm bằng mọi cách phải đến kịp thời với người dân đang cần sự động viên, hỗ trợ, đoàn đã vượt qua điểm ngập bằng xe đặc chủng, kịp thời có mặt tại xã Cảnh Dương và cùng người dân nơi đây tập trung nhân lực cứu tàu thuyền. Tại hiện trường, do nước lũ lên cao, xe ô tô không thể vào được, đồng chí Hoàng Đăng Quang và đoàn đã lội bộ trong nước lũ ngập sâu một quãng đường dài để đến hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thiệt hại lũ lụt tại xã Cảnh Dương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thiệt hại lũ lụt tại xã Cảnh Dương.

Tại quốc lộ 1 đoạn qua xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), sau khi trò chuyện với một số tài xế và hành khách đang bị tắc đường từ 4 giờ sáng 14-10, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các thành viên trong đoàn công tác kịp thời hướng dẫn lái xe và hành khách về nơi an toàn và đầy đủ điều kiện để đợi thông đường. Và khi nắm được thông tin về tình trạng của mẹ con chị Hoàng Thị Hiền ở xã Quảng Minh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Thị ủy, UBND thị xã Ba Đồn bằng mọi phương án phải bảo đảm an toàn tính mạng cho mẹ con chị Hiền nói riêng và người dân vùng lũ nói chung. Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi món quà nhỏ nhờ phóng viên Báo Quảng Bình chuyển đến chị Hiền để góp phần giúp mẹ con chị vượt qua khó khăn.

Cũng trong sáng 15-10, tại điểm giao cắt giữa đường Hồ Chí Minh và đường vào động Phong Nha tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch), rất nhiều du khách nước ngoài đang tìm cách đón xe, tàu ra Hà Nội. Một nhóm 5 du khách người Đức còn rất trẻ hỏi đường về ga Đồng Hới. Sau khi trao đổi với nhóm du khách, tôi đã gọi điện cho chị Phan Thị Hồng Thắm, giám đốc điều hành Lake House resort tại Hưng Trạch để nhờ chị giúp đỡ nhóm du khách. Ngay sau đó, chị đã cho người lên đón nhóm du khách người Đức.

Trước đó, từ chiều 14-10, khi các xã vùng trên của huyện Bố Trạch bị ngập, chị Thắm đã đón tiếp miễn phí nhiều du khách bị kẹt lại do mưa lũ ăn nghỉ tại resort của chị. Sau khi được chị Thắm khuyến cáo về tình hình giao thông tại thời điểm đó, nhóm du khách người Đức nghỉ lại đây cùng với nhiều du khách khác cho đến tối. Chị Thắm đã liên lạc với nhà xe Hưng Thành lên Lake House đón đoàn ra Hà Nội trong đêm. “Do mưa lũ nên thức ăn rất khan hiếm. Khách lại đổ xô về, tôi phải kê thêm giường, nệm và gom hết mì tôm, bánh trái còn lại để giúp mọi người không bị đói. Vốn dĩ là người kinh doanh nhưng những lúc như thế này, tôi nghĩ mình nên cùng nhau chia sẻ khó khăn. Vì thế, tôi đã thông báo trên facebook của mình để du khách cũng như ai lỡ đường sẽ có chỗ ăn nghỉ trong lúc mưa lũ!”, chị Thắm tâm sự.

Bạn tôi, một giảng viên Trường đại học Quảng Bình, người đã cùng đồng nghiệp bỏ bao công sức đưa cây chùm ngây lên Sơn Trạch và hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra cho người nông dân. Ngày 13-10, bạn gọi điện hân hoan khoe, chùm ngây đã phát triển ổn định ở Sơn Trạch, các trường mầm non trên địa bàn rất hồ hởi với món rau bổ dưỡng này. Thế rồi ngày 15-10, bạn nhắn tin ngậm ngùi: Thế là xong dự án cây chùm ngây bạn ạ. Trước mắt, bọn mình sẽ tập trung vào công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ, sau này, khi mọi thứ đã ổn, bọn mình sẽ lại cùng bà con tiếp tục dự án trồng cây chùm ngây!

Đoàn viên thanh niên huyện Bố Trạch giúp các trường học khắc phục hậu quả
Đoàn viên thanh niên huyện Bố Trạch giúp các trường học khắc phục hậu quả

Cuối ngày 16-10, tôi bắt gặp hình ảnh cán bộ và nhân dân huyện Bố Trạch đang cùng nhau khắc phục sự cố đê vỡ tại Bắc Trạch. Gặp những nụ cười vui mừng khi được trao – nhận những món quà cứu trợ đầu tiên đến với vùng rốn lũ. Gặp những gương mặt ưu tư đang lên kế hoạch, sắp xếp, tính toán để làm sao những món quà đến tận tay người dân hữu ích và kịp thời nhất để cùng người dân vùng lũ vượt qua thời khắc gian nan!

Thiên tai cướp đi tính mạng, cuốn đi bao mồ hôi và thành quả của người dân. Thế nhưng cũng từ trong thiên tai mới thấy rõ hơn những tấm chân tình. Sẵn lòng sẻ chia, nhường nhau miếng cơm manh áo, hồn nhiên giúp nhau chẳng nề hà. Như nụ cười dễ mến của cậu thanh niên khi tôi tác nghiệp lỡ đường cuống cuồng vẫy xe nhờ em chở đến nơi hẹn. Là câu từ chối của bà mẹ trẻ Hoàng Thị Hiền khi chúng tôi hứa vài hôm nữa sẽ gặp lại em và trao quà hỗ trợ của những người hảo tâm. Hiền bảo: “Em khổ nhưng em còn có mẹ, con em còn có em. Mọi người quan tâm đến em trong khi nguy cấp là em vui rồi, tiền bạc các anh chị chia sẻ cho những trẻ mồ côi, những người mất nhà cửa, họ khổ hơn em!”. Là sự chỉ đạo quyết liệt và quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong những thời khắc nguy nan...

Tất cả những điều đẹp đẽ, ấm áp đó đã khiến cho chúng ta vững tin hơn trong khó khăn để cùng nhau bước tiếp, dù quãng đường phía trước vẫn còn lắm gian nan!

Ngọc Mai