.

Lo ngại xu hướng trẻ hóa độ tuổi ly hôn

Thứ Năm, 08/09/2016, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình sum vầy, an bình, yêu thương đồng nghĩa với một xã hội hạnh phúc, vững chãi cho mọi sự phát triển. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại hiện nay cho thấy, độ tuổi đương sự tại các vụ án hôn nhân gia đình đang có chiều hướng ngày càng trẻ hóa.

Thời gian qua, có không ít cặp vợ chồng đến với nhau khi tuổi đời còn rất trẻ và chỉ duy trì cuộc hôn nhân của mình trong thời gian rất ngắn, sau đó “đường ai nấy đi”, để lại biết bao hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016 tại Tòa án nhân dân TP.Đồng Hới, đã có 294 vụ án hôn nhân gia đình được thụ lý, con số này là khá lớn so với 310 vụ án đã được thụ lý trong cả năm 2015. Phần đa trong số đó là các cặp vợ chồng trẻ. Đây là thực trạng chung không chỉ riêng ở TP.Đồng Hới mà còn nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh.

Chị H (Đức Ninh, TP.Đồng Hới) lấy chồng vào cuối năm 2014 khi chị vừa đủ tuổi kết hôn và anh A-chồng chị cũng chỉ mới hơn 20 tuổi. Sau khi cưới, chị H về sống chung cùng với gia đình anh A, khoảng 3 tháng sau, chị trở về nhà mẹ đẻ sinh con và khi con được 3 tháng 10 ngày, chị mới đưa con quay lại sống tại nhà chồng.

Cuộc sống những tưởng sẽ hạnh phúc, đủ đầy khi có con, có cháu, nhưng tiếng cười chỉ kéo dài được vẻn vẹn 18 ngày. Mâu thuẫn vợ chồng ngày càng chồng chất mà nguyên nhân xuất phát từ sự vô trách nhiệm, ham ăn chơi, tiêu xài, phá tán tài sản của anh A. Chị H sinh con xong với bao nhiêu vất vả, mệt mỏi, ốm đau, nhưng chồng không một lời hỏi han, chia sẻ, thậm chí còn đi chơi bời thâu đêm, có quan hệ ngoại tình. Mặc dù gia đình hai bên góp ý, khuyên bảo và vợ chồng đã cố gắng hàn gắn, nhưng tiếng nói chung trong gia đình nhỏ càng ngày càng mất đi.

Mâu thuẫn đỉnh điểm là vào giữa năm 2015, chị H bồng con về nhà mẹ đẻ. Sau đó chị bị ốm nặng, phải điều trị ở nhiều nơi, cho nên chị giao con cho nhà chồng chăm sóc. Sau khi lành bệnh, chị về nhà chồng đón con thì bị ngăn cản, đuổi về. Chị đã nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương, đoàn thể nhưng vẫn không được gặp con, do đó, chị cương quyết nộp đơn xin ly hôn để yên tâm được nuôi con. Phía anh A và gia đình thì cho rằng, việc thơ ơ với vợ con của anh là do anh bận tham gia nghĩa vụ quân sự, chính chị H đã vô trách nhiệm với con, không muốn nuôi con, do đó, anh và gia đình mới đón cháu về chăm sóc.

Anh A thương con còn nhỏ và không nhất trí ly hôn. Tòa xét thấy cuộc hôn nhân của anh A và chị H không bền vững, xuất phát từ việc anh chị còn quá trẻ, suy nghĩ, hành xử trong cuộc sống chưa chín chắn, dẫn dến vợ chồng thiếu sự tin tưởng, sẻ chia, cảm thông.

Thêm nữa, gia đình nội ngoại hai bên cũng chưa có sự quan tâm, chỉ dạy, giúp đỡ cho đôi trẻ bớt mâu thuẫn, hàn gắn quan hệ. Sở dĩ, anh A chưa muốn ly hôn là để được trực tiếp nuôi con như hiện tại mà thôi. Tòa quyết định xử cho chị H và anh A được ly hôn, giao chị H được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con và anh A có nghĩa vụ đóng góp tiền nuôi con.

Vợ chồng chị H (SN 1987) và anh H (SN 1980) (Thuận Đức, TP.Đồng Hới) đã có với nhau một đứa con chung. Trên thực tế, anh chị về chung sống với nhau từ năm 2004, sinh con vào cuối năm 2004 và đến năm 2007 mới đăng ký kết hôn. Anh H ăn chơi, đua đòi theo chúng bạn, không quan tâm đến vợ con, nghiện các tệ nạn xã hội. Anh từng đi tù và trong suốt thời gian đó, chị vẫn sống ở nhà chồng, mong anh mãn hạn tù về làm lại từ đầu. Nhưng, khi trở về, anh lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, không chịu tu chí làm ăn vì vợ vì con.

Đầu năm 2014, do mẫu thuẫn vợ chồng quá trầm trọng, chị H quyết định bỏ về nhà bố mẹ đẻ, nhưng vẫn mong anh có thời gian bình tâm suy nghĩ lại, thay đổi cách sống để vợ chồng đoàn tụ, nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, anh H không những không thay đổi, mà còn nhiều lần tìm đến nhà bố mẹ chị gây gổ, đánh đập chị. Chị xác định hạnh phúc hôn nhân không còn, tình cảm vợ chồng đã hết, nên mong muốn ly hôn. Điều đáng nói mặc dù sau khi thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân TP.Đồng Hới đã ra thông báo thụ lý và gửi cho anh H kèm giấy triệu tập, nhưng anh H vẫn không gửi văn bản ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện.

Hai lần Tòa án trực tiếp đến nhà tống đạt giấy triệu tập và thông báo về phiên hòa giải, có người nhà của anh H ký nhận, anh cũng không đến. Chị H đã có đơn yêu cầu và được Công an xã xác nhận anh H đang có mặt tại địa phương. Tòa án tiếp tục triệu tập và thông báo yêu cầu anh đến Tòa án để giải quyết ly hôn, anh cũng vẫn trốn tránh, không đến khiến vụ án không thể tiến hành hòa giải được. Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa hai anh chị đã trầm trọng, không thể khắc phục được, Tòa quyết định xử cho chị H được ly hôn.

Theo nhận định của Tòa án nhân dân TP.Đồng Hới, sở dĩ việc trẻ hóa độ tuổi ly hôn đang ngày càng trở nên phổ biến là bởi các đương sự trong các án hôn nhân gia đình kết hôn khi độ tuổi còn khá trẻ, chưa có được hành trang đầy đủ về tâm lý, nhận thức, kỹ năng sống. Vì vậy, khi xảy ra những mâu thuẫn, thiếu hòa hợp trong cuộc sống gia đình, họ không dễ để vượt qua và hàn gắn lại tình cảm, xem ly hôn như một điều tất yếu.

Mặt khác, thực tế cho thấy, việc lấy nhau khi còn quá non nớt, chưa có công ăn việc làm ổn định, phải phụ thuộc kinh tế vào gia đình nội ngoại hai bên, càng khiến mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn. Trẻ hóa độ tuổi ly hôn đang là một thực tế đáng báo động không chỉ ở riêng khu vực thành phố mà còn cả ở miền núi, nông thôn.

Điều này đòi hỏi các cấp các ngành, nhà trường, xã hội và nhất là mỗi gia đình cần có sự quan tâm, giáo dục thanh niên đến tuổi trưởng thành để họ nỗ lực xây dựng lối sống lành mạnh, trau dồi, trang bị hiểu biết, nhận thức, kỹ năng sống. Đồng thời, cần có những biện pháp tích cực, hiệu quả hơn trong tuyên truyền về hôn nhân, gia đình cho lớp đối tượng này và công tác hòa giải của các ban ngành, đoàn thể cần được chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa.

Mai Nhân