.

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn

Thứ Hai, 12/09/2016, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu năm học mới, vấn đề luôn “nóng“ được dư luận xã hội và các bậc phụ huynh quan tâm, lo lắng là các khoản thu nộp ở trường học. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: Ngày 19-8-2016, Sở đã có Công văn số 1660/HD-SGDĐT hướng dẫn việc thu, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập (CSGDCL) để thống nhất thực hiện trong năm học 2016-2017.

Cụ thể, tại Công văn số 1660, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quy định rõ các khoản thu theo quy định của Nhà nước bao gồm:

Thu học phí: Mức thu học phí hàng năm trong các CSGDCL thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh. Mức thu học phí theo khu vực (theo hộ khẩu thường trú của học sinh để thực hiện chế độ miễn giảm). Phí trông giữ xe đạp, xe đạp điện, xe máy: Thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh. Trong đó: phí trông giữ xe đạp 10.000đ/tháng, xe đạp điện 20.000đ/tháng, xe máy 30.000đ/tháng (học sinh học thêm tại trường, nhà trường không thu tiền gửi xe).

Các khoản được phép thu: Bảo hiểm y tế; thu dạy thêm, học thêm. Trong đó, thu dạy thêm, học thêm (bao gồm ôn luyện thi tốt nghiệp THPT quốc gia) trong các CSGDCL thực hiện theo quy định của Bộ GD - ĐT và của UBND tỉnh. Cụ thể: mức thu tiền học thêm để chi trả cho 1 tiết dạy thêm của giáo viên với mức tối đa: cấp THPT không quá 150.000 đồng (đối với các CSGD ở đồng bằng) và 120.000 đồng (đối với các CSGD ở miền núi); cấp THCS không quá 100.000 đồng (đối với các CSGD ở đồng bằng) và 70.000 đồng (đối với các CSGD ở miền núi). Mức thu này do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của địa phương nhưng phải bảo đảm nguyên tắc: Thu đủ bù chi và tự nguyện đăng ký học thêm của người học.

Về các khoản thu theo thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) và đóng góp tự nguyện: Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực ngân sách Nhà nước (NSNN) chi cho GD - ĐT còn hạn chế, trong khi nhu cầu chi hoạt động và đầu tư phát triển các CSGDCL rất lớn nên cân đối NSNN còn nhiều khó khăn. Do đó, các khoản thu theo thỏa thuận với Ban đại diện CMHS và đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ đơn vị theo tinh thần xã hội hóa giáo dục là hết sức cần thiết.

Theo đó, các khoản thu theo thỏa thuận với Ban đại diện CMHS: vào đầu năm học, các CSGDCL bàn bạc, thỏa thuận với Ban đại diện CMHS bằng văn bản; thông qua Hội đồng giáo dục, nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc (tự nguyện; thu đủ bù chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn) và thực hiện đúng qui trình.

Sở GD-ĐT quán triệt tất cả các trường học trên địa bàn: Tuyệt đối không được yêu cầu học sinh phải mua, may đồng phục theo từng năm học.
Sở GD-ĐT quán triệt tất cả các trường học trên địa bàn: Tuyệt đối không được yêu cầu học sinh phải mua, may đồng phục theo từng năm học.

Cụ thể: đối với đơn vị trực thuộc Sở phải báo cáo Sở GD - ĐT để thẩm định kế hoạch trước khi thực hiện; đối với đơn vị trực thuộc phòng GD - ĐT: sau khi thông qua Hội đồng giáo dục trường, nhà trường phải tiến hành đề xuất với chính quyền xã, phường, thị trấn để tạo sự đồng thuận; báo cáo về Phòng GD - ĐT để thẩm định kế hoạch (bảo đảm mức thu đồng đều giữa các trường về một số mục chi như: tiền nước uống tinh khiết, tiền phù hiệu, sổ liên lạc, thẻ bạn đọc cho học sinh; tiền phục vụ bán trú; lương cô nuôi,...; tránh trường hợp cùng một nội dung mà mức thu các trường chênh lệch nhau).

Những khoản thu theo thỏa thuận bao gồm: a) Tiền học cho học sinh môn Tiếng Anh lớp 1, lớp 2; môn Tin học lớp 3, lớp 4 và lớp 5; Tiếng Anh tăng cường lớp 3, lớp 4 và lớp 5 (nếu có). b) Tiền học phẩm cho học sinh Mầm non: trang bị các loại vở, học liệu để giúp trẻ tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình Giáo dục mầm non do Bộ GD - ĐT quy định. c) Tiền nước uống tinh khiết; tiền phù hiệu, sổ liên lạc, thẻ bạn đọc cho học sinh. d) Tiền phục vụ các lớp bán trú: tiền ăn; chăm sóc bán trú (bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng; nhân viên phục vụ công tác bán trú); trang thiết bị phục vụ bán trú: mua các trang thiết bị bán trú có chất lượng tốt và sử dụng cho các năm học sau (giường, chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, cốc, soong, nồi, bếp gas...); hàng hóa phục vụ vệ sinh (giấy vệ sinh, xà bông, dầu tẩy rửa...); điện nước sinh hoạt phục vụ riêng cho bán trú; tiền bồi dưỡng ngoài giờ (làm việc buổi trưa) cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên phục vụ. e) Các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú thì hợp đồng lao động để phục vụ cấp dưỡng (cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 hợp đồng lao động). g) Tiền bảo vệ trường: tùy theo nhu cầu, qui mô và điều kiện kinh phí để đơn vị hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhưng không vượt quá 2 người/đơn vị; nguồn kinh phí: thu theo thỏa thuận và cân đối trong kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

Đối với những khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân: các CSGDCL cần làm tốt công tác vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện, nguyện vọng được đóng góp hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho đơn vị để xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) và lập các quỹ như: quỹ Khuyến học, quỹ học bổng ... nhưng phải bảo đảm nguyên tắc: Bên đóng góp không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.

Khoản thu từ sự vận động, kêu gọi CMHS để hỗ trợ xây dựng CSVC trường học, xây dựng công trình Hội nếu được Ban đại diện CMHS thống nhất; chính quyền xã, phường, thị trấn đồng thuận (đối với đơn vị trực thuộc phải thông qua Sở GD - ĐT), đề nghị các đơn vị đưa vào khoản “Tài trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân”; đồng thời, phải bảo đảm nguyên tắc: Không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh, người học.

Ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS.

Các khoản không được thu đối với học sinh dưới bất kỳ hình thức nào: Tiền vệ sinh môi trường: phí rác thải; vệ sinh sân vườn, chăm sóc bồn hoa; phục vụ vệ sinh lớp học; tiền hỗ trợ các kỳ thi; tiền điện, nước sinh hoạt (trừ tiền điện, nước phục vụ bán trú); tiền tổ chức các hoạt động: kỷ niệm (ngày thành lập, ngày truyền thống,...); hội thi, hội diễn, văn nghệ chào mừng; tiền thưởng cho giáo viên; tiền giấy kiểm tra (trừ giấy kiểm tra học kỳ); tiền mua vở có lô gô, hình ảnh của trường; tiền công phụ huynh đóng góp thay cho lao động của học sinh.

Các khoản không được thu hộ các tổ chức: Tiền may hoặc mua áo quần đồng phục cho học sinh. Các loại quỹ: quỹ Đoàn, quỹ Đội, quỹ Khuyến học, quỹ Ban đại diện CMHS; hội phí Chữ thập đỏ... Riêng áo quần đồng phục: phụ huynh học sinh và Ban đại diện CMHS tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định; các trường chọn lựa 1 loại đồng phục để tổ chức mua sắm, phục vụ cho các lễ hội, hoạt động giáo dục của nhà trường (áo quần sơ mi đồng phục) theo qui định của Công văn số 6100/BGDĐT-CTHSSV ngày 6-9-2013 của Bộ GD - ĐT.

Theo đó, hằng năm học không được thay đổi các chi tiết hoặc màu sắc trên đồng phục; tuyệt đối không được yêu cầu học sinh phải mua, may đồng phục theo từng năm học. Đối với các loại áo quần đồng phục thể dục, thể thao; giáo dục Quốc phòng thực hiện theo quy định về chuyên môn.

Ngoài các khoản thu theo quy định; các khoản thu theo thỏa thuận và những khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong các CSGDCL phải thực hiện quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả. Việc thực hiện thu và sử dụng các khoản thu khác sai các qui định nêu trên phải trả lại học sinh. Đồng thời, Phòng GD - ĐT tham mưu UBND cấp huyện hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để giảm nguồn huy động đóng góp của CMHS, nhất là các đơn vị miền núi, vùng đặc biệt khó khăn có đủ kinh phí tối thiểu cho các hoạt động dạy và học.

Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể theo tình hình thực tế của mỗi địa phương nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để trả tiền hợp đồng bảo vệ trường và nhân viên nấu ăn trong các trường có tổ chức bán trú.

Tổ chức thông báo, công khai các khoản thu trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng các hình thức phù hợp khác để chính quyền cấp xã, nhân dân, phụ huynh biết và thực hiện.

Trên đây là những nội dung cơ bản trong hướng dẫn thực hiện thu, sử dụng các khoản thu khác trong các CSGDCL được áp dụng từ năm học 2016-2017. Đơn vị nào thực hiện các khoản thu và quản lý, sử dụng các khoản thu trái với quy định, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm và xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật - ông Đinh Quý Nhân khẳng định.

Hiền Mai