.

Những vướng mắc trong cấp "sổ đỏ" ở huyện Quảng Ninh

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh thường xuyên kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến việc giải quyết hồ sơ cấp  đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) còn gặp nhiều vướng mắc, chậm trễ; một số cán bộ địa chính có thái độ gây khó dễ đối với dân trong quá trình hướng dẫn thực hiện các thủ tục làm hồ sơ... Đây là vấn đề mà UBND huyện Quảng Ninh cần sớm xem xét, xử lý.

 

Thông báo trả hồ sơ của hộ ông Nguyễn Văn Ký.
Thông báo trả hồ sơ của hộ ông Nguyễn Văn Ký.

Đi tìm nguyên nhân

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường và Văn phòng giao dịch một cửa huyện Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn huyện thụ lý trên 1.000 hồ sơ cấp sổ đỏ; trong đó có 170 hồ sơ có sai sót trả về để bổ sung, làm lại; 750 bộ hồ sơ hoàn thiện và được cấp sổ. Từ đó cho thấy, có đến 17% hồ sơ cấp sổ đỏ được cấp xã tiếp nhận, hướng dẫn thực hiện nhưng không hợp lệ.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Việc hồ sơ cấp sổ đỏ tồn đọng có nhiều nguyên nhân: do việc cấp đổi trên cơ sở từ bản đồ cũ sang bản đồ địa chính chính quy hiện nay đang còn nhiều vướng mắc; một số hồ sơ hướng dẫn sau Luật Đất đai mới có hiệu lực nên có sự thay đổi, phải điều chỉnh lại; công tác đo đạc chuyển sang bản đồ chính quy có nơi chưa chính xác, cần có thời gian rà soát.

Nhưng quan trọng, mấu chốt nhất vẫn từ cấp xã. Một số cán bộ làm công tác địa chính xã xét về trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế, việc hướng dẫn người dân chưa rõ ràng, chưa phát huy hết trách nhiệm. Nhiều nơi, cán bộ còn có thái độ gây khó dễ cho dân trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp sổ đỏ.

Thêm vào đó là sự phối hợp của cơ quan chuyên môn cấp huyện có khâu chưa chặt chẽ, vì vậy việc cấp sổ đỏ cho người dân chưa kịp thời. Khi hồ sơ có sai sót trả về làm lại, cán bộ địa chính của nhiều xã không hướng dẫn cụ thể, càng gây khó khăn cho người dân trong việc bổ sung hồ sơ...”.

Và những câu chuyện thực tế

Tại xã An Ninh, ông Ngô Đình Túc, cán bộ địa chính xã thừa nhận: “Toàn xã hiện có 32 bộ hồ sơ xin cấp sổ đỏ của người dân đang tồn đọng và có sai sót, trong đó có 10 bộ hồ sơ được cán bộ địa chính hướng dẫn, người dân bổ sung và trình lên huyện xét cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, trong 10 bộ hồ sơ này, huyện cũng đã trả về 3 bộ do vẫn bị sai lệch, chiếm 30%”.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Ký, ở thôn Hoành Vinh là một ví dụ. Sau nhiều lần gửi đơn, hồ sơ làm sổ đỏ, lần mới đây nhất được ông Ký gửi năm 2015. Chờ hơn 1 năm, nay hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông vẫn bị huyện lại trả về vì có sai sót. Ông Ký năm nay đã 83 tuổi, vẫn ở trên mảnh đất nơi ông sinh và lớn lên chừng ấy năm qua, bởi đất ông ở thuộc diện ổn định, không có tranh chấp, các con đều hòa thuận.

Nhưng nếu khi ông qua đời, ông lại không thực hiện được các quyền như: cho, tặng hay chuyển nhượng... vì đất ông đang ở chưa có sổ đỏ. Để được cấp sổ đỏ ông Ký cần phải làm nhiều thủ tục mà ông không thể tự xoay xở. Vợ ông Ký đã mất, trong 8 người con của ông có 3 người hiện đang ở xa (vì điều kiện khó khăn không về tập trung một lần để ký thỏa thuận cho ông), nên đến nay, ông Ký vẫn đang trong tình trạng có thể mất đất khi mình "nằm xuống".

Khi được hỏi vì sao xã không tiến hành các thủ tục hợp thức hóa cho sự việc chính đáng trên, ông Ngô Đình Túc, cán bộ địa chính xã An Ninh trả lời, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hồ sơ ông Ký chưa hợp lệ để được cấp sổ đỏ, vì vậy địa chính xã vẫn chưa biết bắt đầu gỡ từ đâu.

Ông Ngô Đình Túc cũng thừa nhận do trình độ, năng lực bản thân ông còn hạn chế, chuyên môn không phù hợp nên hướng dẫn các thủ tục cho bà con chưa thật cặn kẽ, trong khi đó, các thủ tục cấp sổ đỏ lại cần chi tiết, chính xác. Vì vậy hồ sơ sai sót huyện trả về để làm lại còn nhiều dẫn đến việc tồn đọng và cấp sổ đỏ chậm trễ.

Đối với xã Tân Ninh, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã cho biết, việc cấp đổi, cấp mới sổ đỏ cho người dân trên địa bàn thực hiện đúng quy định, không có vướng mắc, hiện tại không có bộ hồ sơ nào của dân tồn đọng tại xã, người dân không có ý kiến gì liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên qua quá trình tìm hiểu tại xã Tân Ninh thì thực tế ngược lại với lời ông Chủ tịch UBND xã.

Bà Phan Thị Hơn, 75 tuổi, ở  thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, cho biết: "Tôi có đứa con gái chồng mất sớm, mẹ con côi cút. Tôi quyết định tách thửa đất cho con gái, nộp hồ sơ lên cán bộ địa chính xã từ tháng 6-2014 đến nay vẫn chưa có hồi âm. Bản thân tôi cũng không biết vướng mắc từ đâu. Tôi nay tuổi cao, sức yếu, đưa sổ đỏ của gia đình cho cán bộ địa chính xã nhờ làm. Họ hứa nay hứa mai. Mới đây, lên UBND xã hỏi cán bộ địa chính thì được trả lời là hồ sơ và sổ đỏ đã chuyển lên huyện".

Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Dưỡng (SN 1943) và Võ Thị Quyên (SN 1945), thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh cũng cho biết, ông bà nộp sổ đỏ cho cán bộ địa chính xã từ năm 2012 với nguyện vọng chia đôi mảnh đất đang ở cho con trai. Cán bộ địa chính xã hứa sẽ giải quyết nhưng chờ mãi đến nay sổ mới thì chưa có, sổ đỏ của gia đình được cán bộ địa chính cầm từ đó đến giờ.

Bà Phan Thị Hơn, 75 tuổi, ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh mong có sổ đỏ tách thửa sớm để cho con gái.
Bà Phan Thị Hơn, 75 tuổi, ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh mong có sổ đỏ tách thửa sớm để cho con gái.

Trước tình trạng xã nói không, dân nói có về những bất cập, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp thẻ đỏ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Phòng Tài nguyên-Môi trường và ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Quảng Ninh. Ông Trọng và ông Tuấn đều khẳng định, không có bộ hồ sơ hay sổ đỏ nào được lưu giữ tại huyện lâu như vậy, những hồ sơ đạt yêu cầu đã được giải quyết, hồ sơ vướng mắc thì trả về để hướng dẫn bà con làm lại.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thực tế nêu trên không chỉ có ở xã An Ninh, Tân Ninh, mà trên địa bàn huyện Quảng Ninh ở các xã như Xuân Ninh, Hàm Ninh... vẫn còn nhiều trường hợp tương tự, người dân vẫn bức xúc và mòn mỏi khi nộp hồ sơ chờ đợi để được cấp sổ đỏ.

"Sự việc người dân trên địa bàn phản ánh là có cơ sở, chúng tôi sẽ kiểm tra, làm rõ vướng mắc tại khâu nào và ở đâu, cán bộ địa chính xã hay cấp huyện để có phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất"- ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.

Thiết nghĩ, từ thực tế trên UBND huyện Quảng Ninh cần nhìn nhận lại vấn đề này một cách nghiêm túc, thấu đáo. Trước mắt nên chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung các nguồn lực, tăng cường tập huấn, hỗ trợ cho cán bộ địa chính cấp xã về việc hoàn thiện hồ sơ cấp sổ đỏ còn tồn đọng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền lợi cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về cấp sổ đỏ, lập và chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện để chấn chỉnh, khắc phục; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ địa chính có hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm đối với dân.

P.V