.

Làm rõ trách nhiệm vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn

Thứ Hai, 06/06/2016, 10:28 [GMT+7]
Trách nhiệm để xảy ra vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn tối 4-6 trước hết là do chủ doanh nghiệp, nhưng có một phần thuộc về lãnh đạo thành phố. Việc điều tra nguyên nhân và xử lý trách nhiệm từng cá nhân liên quan đang là điều dư luận quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với bộ chỉ huy tiền phương Đà Nẵng tại cảng Đà Nẵng, chiều 5-6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với bộ chỉ huy tiền phương Đà Nẵng tại cảng Đà Nẵng, chiều 5-6.
Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích
 
Vụ chìm tàu nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 20 giờ 25 phút ngày 4-6, tàu Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa - 0016, đang chở khách trên sông Hàn thì bị lật và chìm tại khu vực giữa cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn (đối diện khách sạn Novotel). Tàu do tài công Lê Công Chí, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng điều khiển (có Bằng thuyền trưởng tàu thủy nội địa Hạng 3); chủ tàu là ông Võ Quốc Hùng, Giấy chứng nhận đăng kiểm được cấp ngày 19-5-2016, có hiệu lực đến ngày 20-11-2016; sức chở 28 khách. Thảo Vân 2 là tàu chưa được cấp phép vận tải hành khách. Khi xuất bến không trình báo với Cảng vụ Đường thủy nội địa và các cơ quan có liên quan.
 
Hiện lực lượng Biên phòng đang tạm giữ tài công Lê Công Chí. Tàu chìm, toàn bộ hành khách rơi xuống sông, tất cả hành khách đều không mặc áo phao, do chủ tàu không nhắc nhở. Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người quy định.
 
Cơ quan chức năng cho biết, tàu Thảo Vân 2 được hoán cải từ tàu cá cũ và trong lịch sử vận chuyển hành khách, hãng tàu này cũng từng có hành vi lừa đảo du khách và bị lật gần khu vực cầu rồng năm 2014. Tiếp đến vào dịp Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015, lực lượng quản lý thị trường cũng đã lập biên bản đối với Công ty TNHH Thảo Vân 2 vì bán vé cho khách lên tàu xem pháo hoa nhưng khách không lên được. Công ty đã bán vé cho 10 hành khách với tổng số tiền là 8 triệu đồng nhưng không đưa được khách lên tàu. Lực lượng chức năng đã yêu cầu công ty này trả lại tiền và xin lỗi hành khách. Đến tối 4-6 lại xảy ra vụ chìm tàu nghiêm trọng làm ba người mất tích. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu này chở đến 56 người, quá tải hơn một nửa. Các hành khách lên tàu không mang áo phao cứu sinh theo quy định. Tàu Thảo Vân 2 không có giấy đăng kiểm, hết hạn, hoạt động chui. 
Bác sĩ đang thăm khám cho nạn nhân điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.
Các lực lượng cứu hộ nỗ lực hết sức để tìm kiếm ba nạn nhân mất tích.
Lúc xảy ra vụ lật tàu, có 56 người ở trên tàu. Tất cả đều rơi xuống nước, lực lượng chức năng và các tàu du lịch gần đó đã cứu được 53 người, ba người mất tích. Đến chiều 5-6, còn 16 người tiếp tục điều trị tại bệnh viện, trong đó có bốn người điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, 12 người điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Hầu hết các trường hợp đang điều trị đều qua cơn nguy kịch.
 
Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người quy định. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Trước mắt, TP Đà Nẵng tập trung ưu tiên các vấn đề: Tích cực điều trị cho các nạn nhân đang nằm tại các bệnh viện và chăm sóc cho người nhà bệnh nhân; Hỗ trợ kinh phí cho các nạn nhân và thân nhân tiền tàu xe, phương tiện để các nạn nhân trở về địa phương; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thu thập, xác lập những chứng cứ, bằng chứng vi phạm của chủ tàu, nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc. Trong vụ việc này, lãnh đạo thành phố nhận một phần trách nhiệm”. Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng xảy ra vụ chìm tàu với nhiều người mất tích như vậy trên sông Hàn.
 
Anh Phan Văn Hà, (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, là ngư dân có tàu thường ra vào sông Hàn, nhiều lần chứng kiến cảnh các tàu chở khách du lịch “quá mong manh” mà anh lo ngại. Các dãy ghế lắp đặt sơ sài, nhìn vào rất sợ chứ chưa nói đến ngồi lên đó. Là ngư dân biết bơi thật sự, mà còn sợ huống gì là du khách không biết bơi. “Đề nghị thành phố sớm quy hoạch lại đội tàu du lịch này, làm sao cho bảo đảm và để lại dấu ấn tốt đẹp với du khách, xử lý nghiêm các chủ tàu vi phạm”, anh Hà nói. 
 Các lực lượng cứu hộ nỗ lực hết sức để tìm kiếm ba nạn nhân mất tích.

Bác sĩ đang thăm khám cho nạn nhân điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

Cuộc tìm kiếm ba nạn nhân mất tích trên sông Hàn được các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng tiến hành thâu đêm 4-6 đến chiều ngày 5-6. Giữa cái nắng như thiêu đốt, hơn một nghìn người cùng hàng 100 phương tiện như ca nô, tàu cá ngư dân đã nỗ lực lặn, thả lưới tìm kiếm nhưng vẫn vô vọng. Đến 15 giờ 30 phút, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, giảm số thợ lặn xuống còn một nửa để các thợ lặn còn lại lên bờ, nghỉ ngơi vì đã tìm kiếm kiệt sức từ tối qua. Công việc tìm kiếm vẫn tiếp tục triển khai ra khỏi khu vực tàu bị nạn xuống cửa Hàn và cầu Thuận Phước hướng về phía biển Thanh Khê. Đến 16 giờ cùng ngày, thi thể cả ba nạn nhân mất tích đã được tìm thấy. Hiện thi thể các nạn nhân đã được đưa về nhà xác bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng gửi lời xin lỗi, bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc đến các nạn nhân, gia đình nạn nhân và lấy làm tiếc về vụ việc đã xảy ra. Đà Nẵng công bố kết thúc việc tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân.
 
Tạm dừng hoạt động tất cả các tàu du lịch trên sông Hàn
 
Ngay sau khi vụ chìm tàu xảy ra, Đà Nẵng đã tích cực lên các phương án tìm kiếm người bị nạn cũng như chăm sóc các nạn nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo các ngành tạm ngưng hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện bảo đảm an toàn; kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến trước khi cho phép hoạt động trở lại. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thông tin; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc. UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan nghiêm túc, khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể; yêu cầu không để vụ việc đáng tiếc xảy ra. Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc theo quy định pháp luật.
 
Chiều 5-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có mặt tại Đà Nẵng để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả vụ chìm tàu. Làm việc với bộ chỉ huy tiền phương Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vụ lật thuyền trên sông Hàn là vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng, chở quá tải và không đúng quy định. Đề nghị điều tra làm rõ nguyên nhân, khởi tố vụ án để nhằm răn đe. Lực lượng cảnh sát đường sông cần tăng cường kiểm tra, bảo đảm số lượng hành khách được trang bị đầy đủ áo phao và những vụ tai nạn tương tự. Rút kinh nghiệm từ Trung ương đến địa phương qua vụ việc trên, cần có những biện pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng này.
 
Đà Nẵng đang vào mùa du lịch, việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách được đặt lên hàng đầu, và trách nhiệm để “lọt sổ” các tàu du lịch hoạt động chui đang được dư luận quan tâm. An toàn du lịch đường sông được đặt lên hàng đầu đối với Đà Nẵng. Với gần 40 phương tiện tàu du lịch đang khai thác, hoạt động trên sông Hàn, đây là một lời cảnh tỉnh để các chủ tàu tuân thủ những quy định của pháp luật khi lưu thông chở khách. Đây cũng là bài học kinh nghiệm không chỉ riêng Đà Nẵng mà của nhiều địa phương khác trong cả nước phải lưu tâm. Tất cả vì an toàn tính mạng cho người dân, du khách.
 
Theo ANH ĐÀO - THANH TÂM (Nhân Dân)