.

Sống là biết cho đi

Thứ Sáu, 03/06/2016, 16:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiệt tình, năng nổ, tận tâm... là những nhận xét mà mọi người xung quanh vẫn dành cho bà Trần Thị Lài, Chi hội trưởng, Chi hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tổ dân phố 6, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới. Với bà, trao đi yêu thương là đã nhận được niềm vui, hạnh phúc cho riêng mình.    

Thấu hiểu và đồng cảm

Tâm sự về cơ duyên đã dẫn bà gắn bó công việc bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn suốt 20 năm qua, bà cho biết: Nếu bản thân không thấu hiểu, không đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì khó ai có thể làm công việc này và nhất là có thể gắn bó lâu như vậy. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Phù Hóa, Quảng Trạch, lên 4 tuổi bà Lài mồ côi cả cha lẫn mẹ. Không gia đình, không người thân thích, anh em bà đã tự bươn chải và nương tựa sống với nhau qua ngày. Nhiều lúc đói khát không có gì ăn, anh em bà được mọi người xung quanh giúp đỡ, cưu mang. Họ lớn lên trong tình thương của làng xóm. Có lẽ chính vì tuổi thơ chịu nhiều vất vả, bất hạnh, mà bà càng thấu hiểu, đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn khác và được mọi người tin tưởng giao cho nhiệm vụ chi hội trưởng, Chi hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi.

Bà Lài tâm sự: Phường Bắc Lý là một trong những phường có đối tượng người khuyết tật và trẻ mồ côi cao nhất của thành phố, 369 đối tượng. Trong đó, tổ dân phố 6 là tổ có người khuyết tật, trẻ mồ côi cao nhất phường. Đây thực sự là một áp lực lớn đối với những người làm công tác bảo trợ như bà Lài. Vậy nhưng, không ngại vất vả, gian khổ, 20 năm qua, bà cùng các thành viên trong chi hội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhìn những đứa trẻ khi mới sinh ra không được mang hình hài của một người bình thường, nhiều đêm bà không tài nào chợp mắt. Để có những hình ảnh thực tế, bà đã chụp hình, quay phim từng đối tượng khuyết tật để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, ủng hộ. “Mỗi lần đi vận động, tôi không lấy nhiều mà chỉ lấy đúng số tiền ban đầu mình đã dự định xin. Có nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý cho thêm nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi nói họ cất đi để ủng hộ cho đợt sau”, bà Lài kể lại.

Chính vì sự nhiệt tình, tận tâm và vô tư của bà, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã đồng ý ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn trung bình mỗi năm khoảng 7-10 triệu đồng.  

Hạnh phúc là những gì đã trao đi

 Bà Lài thường xuyên trò chuyện, quan tâm các đối tượng khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn.
Bà Lài thường xuyên trò chuyện, quan tâm các đối tượng khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn.

Bước qua tuổi 60, bản thân đang mắc nhiều bệnh của tuổi già, chồng lại đang bị ung thư gan, nhưng lúc nào mọi người cũng nhìn thấy sự lạc quan, vui vẻ trên khuôn mặt bà. Bà Lài cho biết: “Với bà bây giờ công việc chính là niềm vui, là động lực để bà quên đi bệnh tật và những chuyện không vui”.

Không chỉ kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bản thân bà cũng có những cách giúp đỡ những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt theo cách riêng. Bà nhặt lon nhựa về gom thành bao lớn sau đó đem bán lấy tiền ủng hộ cho người khuyết tật. Thay vì đem tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng, bà lại tin tưởng mang cho người khuyết tật vay để phát triển kinh tế mà không lấy một đồng lãi nào.

Điển hình như trường hợp anh Phạm Thanh Long, là người khuyết tật vận động được bà tin tưởng cho vay số tiền 10 triệu đồng. Anh Long đã chăm chỉ chăn nuôi bò, phát triển kinh tế. Để kêu gọi, vận động thêm người thân và mọi người xung quanh cho những đối tượng khuyết tật nhẹ vay thêm vốn để sản xuất, kinh doanh nhỏ, bà Lài đã đứng ra làm người cam kết: nếu các đối tượng khuyết tật không có khả năng trả được thì bà sẽ là người đứng ra trả số tiền đó cho mọi người.

Dù mức lương hiện tại của cả ông và bà cộng lại chỉ được 8 triệu đồng nhưng thấy bà dám làm, dám đứng ra chịu trách nhiệm để bảo lãnh cho các đối tượng khuyết tật, nhiều người đã tin tưởng cho vay số tiền lên đến 30-40 triệu đồng mà không lấy lãi. Bà cho biết: Nếu nắm khả năng của từng đối tượng để tư vấn làm ăn thì nhiều người khuyết tật nhẹ sau khi được vay vốn đều sản xuất, kinh doanh nhỏ rất tốt.

Anh Ngô Văn Minh (SN 1987), là một người mắc bệnh đao. Trước đây, do gia đình khó khăn, lại không được tin tưởng giao cho công việc gì nên anh chỉ quanh quẩn ở nhà. Hết đi vào rồi lại đi ra, nhưng từ khi được hỗ trợ vốn và được tư vấn làm ăn, anh đã mua bò về chăn nuôi. Hiện nay, ngoài 2 con bò, anh còn nuôi thêm ngan và gà. Thấy chúng tôi đến mẹ anh Minh vui mừng cho biết: “Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ. Thằng Minh bây giờ nó vui lắm, tôi cũng mừng vì nó không chỉ biết lao động nuôi sống bản thân, mà còn có thể phụ giúp thêm về kinh tế cho gia đình”. Nhờ sự gần gũi, quan tâm, động viên thường xuyên và tư vấn làm ăn của bà Lài cùng các thành viên trong chi hội, không chỉ riêng anh Minh, anh Long mà có hàng chục đối tượng khác đã biết tự mình vươn lên trong cuộc sống, không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Với những đóng góp thầm lặng của mình dành cho những người khuyết tật, trẻ mồ côi, tháng 4 vừa qua, bà Trần Thị Lài đã được vinh dự là người bảo trợ xuất sắc của tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc lần thứ V. Tuy nhiên, với riêng bà, vinh dự đó chưa phải là điều khiến bà hạnh phúc nhất. Suốt 20 năm qua, niềm hạnh phúc và món quà vô giá mà bà luôn nhận được chính là những nụ cười vui mừng của những người khuyết tật, trẻ mồ côi khi họ được đồng cảm và sẻ chia.

Đ.N