.
Cải cách hành chính:

Vấn đề giải quyết việc làm cho những người sau khi học cử tuyển

Thứ Năm, 21/04/2016, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ có tri thức về làm việc tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tỉnh ta đã thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP của chính phủ khi cử nhiều con em đi học cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước. Việc làm này đã phát huy hiệu quả khi đáp ứng được phần nào nguồn cán bộ phục vụ cho những vùng khó khăn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người học cử tuyển ra trường chưa có việc làm.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã cử 168 người đi đào tạo theo chính sách cử tuyển, trong đó phần lớn là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những người theo học cử tuyển chủ yếu được đào tạo chuyên ngành y khoa, nông lâm và sư phạm... Đây là chính sách hết sức phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay khi người được tuyển sinh vào các trường không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh và được bố trí công tác sau khi ra trường.

Nhiều người học cử tuyển khi ra trường đã được sắp xếp việc làm phù hợp với ngành học mình đăng ký. Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã bố trí được 82 người làm việc ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Minh Hóa.

Tuy nhiên, hiện còn 86 người chưa được bố trí việc làm, trong đó có 29 người đã tốt nghiệp (huyện Minh Hóa 16, Quảng Trạch 3, Quảng Ninh 4, Lệ Thủy 6) và 57 người đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (Minh Hóa 23, Bố Trạch 4, Quảng Trạch 3, Quảng Ninh 16, Lệ Thủy 11).

Anh Cao Bá Duyệt ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa) học cử tuyển xong nhưng vẫn thất nghiệp 8 năm nay.
Anh Cao Bá Duyệt ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa) học cử tuyển xong nhưng vẫn thất nghiệp 8 năm nay.

Những người sau khi tốt nghiệp đã được Sở Nội vụ quyết định bố trí việc làm nhưng về các địa phương lại không nhận với nhiều lý do khác nhau. Huyện Minh Hóa là địa phương có 16 người học cử tuyển chưa được bố trí việc làm. Anh Cao Bá Duyệt, ở xã Hóa Sơn là một trong số những người có “thâm niên” thất nghiệp cao nhất với 8 năm. Anh Duyệt là người Sách, từng học trung cấp quản lý đất đai tại Đồng Hới theo diện cử tuyển. Tốt nghiệp năm 2008, Sở Nội vụ đã có quyết định tiếp nhận và bố trí công tác cho anh tại UBND huyện Minh Hóa nhưng đến nay anh vẫn chưa được tiếp nhận.

“Trước đây, tôi tưởng đi học cử tuyển về là sẽ có việc làm như bao người khác, ai ngờ vẫn thất nghiệp cho đến tận bây giờ”, anh Duyệt buồn bã nói. Hiện tại trên địa bàn xã Hóa Sơn còn 6 trường hợp học cử tuyển ra trường nhưng chưa được bố trí việc làm.

Không chỉ có người học trung cấp theo diện cử tuyển bị thất nghiệp mà ngay cả những người học đại học cũng thất nghiệp. Anh Hồ Thế Anh, một người Khùa ở xã Dân Hóa nói: “Được Nhà nước tạo điều kiện cho đi học, miềng mừng lắm. Sau 5 năm (học cử tuyển phải mất một năm thi vượt rào) nỗ lực phấn đấu, miềng cũng lấy được tấm bằng khá của Trường đại học Nông lâm-Huế. Lấy bằng tốt nghiệp về miềng chờ việc tới 4 năm vẫn chưa được gọi đi làm”.

Thậm chí có những người học cử tuyển tốt nghiệp chuyên ngành bác sỹ đa khoa ở Trường đại học Y- Dược Huế, huyện cũng chưa thể bố trí được công việc như trường hợp của chị Cao Thị Minh (điểm tốt nghiệp 7,3) ở xã Thượng Hóa, Hồ Văn Khăm ở xã Dân Hóa (điểm tốt nghiệp 6,68). Trong 16 người học cử tuyển đang thất nghiệp ở Minh Hóa có 11 người học đại học và 4 người học trung cấp.

Ông Trần Đình Doan, Trưởng phòng Công chức-Viên chức, Sở Nội vụ cho biết: hầu hết những người học cử tuyển ra trường đều được Sở Nội vụ quyết định bố trí công tác về các huyện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số huyện chưa bố trí được việc làm cho người học cử tuyển nêu trên như cam kết ban đầu. Lý do mà các địa phương đưa ra là không có biên chế, hoặc vị trí công tác chưa phù hợp. Cũng theo ông Doan, nguyên nhân một phần là do việc xác định đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của các huyện không bám sát theo nhu cầu tuyển dụng dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu.

Mặt khác, một số địa phương trong thời gian đưa con em đi học cử tuyển nhưng hàng năm vẫn xét tuyển thêm biên chế, dẫn đến tình trạng người học cử tuyển ra trường không còn biên chế để bố trí việc làm. Phần nữa là do chất lượng đào tạo từ các trường hoặc trình độ, năng lực của người học bị hạn chế nên các đơn vị tuyển dụng lo ngại...

Ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Hóa cho biết: do trước đây khi cử người đi đào tạo theo diện cử tuyển, huyện chỉ căn cứ vào chỉ tiêu chứ không tính đến đầu ra, chưa có quy hoạch, kế hoạch lâu dài để đăng ký chỉ tiêu, các ngành nghề phù hợp. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2011 cho đến nay, huyện Minh Hóa đã có kế hoạch cụ thể, chỉ cử sinh viên đi đào tạo những ngành đã có đầu ra. Đồng thời xem địa phương cần ngành gì mới đăng ký cho học sinh đi học.

Sắp tới, huyện cũng sẽ bố trí 5 người học cử tuyển về làm việc tại Ban quản lý rừng phòng hộ, 2 người về Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội. Còn 3 người tốt nghiệp Trường đại học Y-Dược Huế sẽ tạo điều kiện thi tuyển, xét tuyểnvào Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình và các trạm y tế trên địa bàn. Số còn lại, huyện tiếp tục rà soát vị trí việc làm và cố gắng sử dụng các em trong thời gian sớm nhất. 

Đến thời điểm này, cả tỉnh vẫn còn 57 người đang theo học cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước. Nhưng số này chắc chắn sẽ khó tìm được việc làm hơn rất nhiều so với trước đây. Bởi theo Nghị định số 49/2015/NĐ-CP, ngày 15-5-2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  số 134/NĐ-CP, ngày 14-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì những người học cử tuyển sẽ không được phân công công tác như trước đây mà phải tham gia thi tuyển, xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Công chức và Luật Viên chức. Nghị định này đã có hiệu lực và được tỉnh ta thực hiện từ ngày 6-7-2015.

Việc giải quyết việc làm cho người học cử tuyển đã từng bước phát huy hiệu quả cho những vùng khó khăn về nguồn cán bộ. Tuy nhiên, về lâu dài thì việc giải quyết đầu ra cho những đối tượng này còn khó khăn hơn nhiều. Và chuyện lãng phí nguồn nhân lực cũng như ngân sách của Nhà nước là điều khó tránh khỏi.

Xuân Vương