.

Khi đàn ông cùng vợ "vượt cạn"

Thứ Sáu, 11/03/2016, 15:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Phụ nữ lúc lâm bồn sinh con hạnh phúc nhất là có được người chồng cạnh bên để làm chỗ dựa tinh thần. Hạnh phúc gia đình vẹn tròn hơn khi con trẻ ra đời có sự chứng kiến của cả vợ lẫn chồng cùng người thân nội ngoại. Vô hình chung, người chồng dù không trực tiếp mang nặng đẻ đau nhưng vẫn trong cảm giác bồn chồn “vượt cạn” cùng vợ...

Nhóm các ông bố trẻ lần đầu làm cha ở khoa Sản, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới dao động khoảng trên dưới hai chục người. Sở dĩ như vậy vì cặp vợ chồng này sinh em bé “mẹ tròn con vuông” xong, trẻ cứng cáp, bệnh viện cho về nhà hôm sau lại có đôi vợ chồng khác bổ sung.

 Vợ chồng Hồ Keo
Vợ chồng Hồ Keo

Theo ghi nhận của tôi, phần lớn các đôi vợ chồng trẻ tỷ lệ sinh em bé thiếu tháng khá cao, bé sinh ra được chăm sóc hoặc điều trị các loại bệnh lý trong môi trường đặc biệt nên thời gian các ông bố, bà mẹ bám trụ tại khoa Sản, khoa Nhi sơ sinh thường kéo dài hơn những trường hợp sinh đủ tháng, đủ ngày. Cùng cảnh ngộ thành ra dễ cảm thông rồi gần gũi nhau lúc nào chẳng biết, nhóm các ông bố trẻ được mọi người nôm na gọi là hội những ông bố đưa sữa cho con đang nằm trong lồng kính và hội những ông chồng hộ tống vợ cho con bú sữa mẹ. Từ hội những ông bố đưa sữa cho con đang nằm trong lồng kính chuyển sang hội những ông chồng hộ tống vợ cho con bú sữa mẹ là một quá trình dài theo sự trưởng thành của trẻ, và hạnh phúc của những người làm bố, làm mẹ được nhân lên khi con mình cứng cáp, cơ hội về nhà ngày càng xích lại gần hơn.

Hùng Nam Lý (tôi gọi để phân biệt với Hùng Cảnh Dương) trong buổi họp khoa trẻ sơ sinh, được bác sỹ thông báo con trai từ chế độ đưa sữa cho em bé nay chuẩn bị chuyển sang chế độ mẹ trực tiếp cho con bú hét toáng lên sung sướng ngay giữa bệnh viện khiến rất đông bác sỹ, bệnh nhân “mắt tròn mắt dẹt” đứng lại nhìn. Ông bố trẻ vẫn ngây ngất trong sự hạnh phúc. “Vậy là con em ngày về đang rất gần, anh ạ! Gánh nặng đè trong lòng chừ nhẹ bớt đi nhiều”- Hùng Nam Lý chia sẻ. Hùng Cảnh Dương cùng vợ “vượt cạn”, em bé sinh thiếu tháng. Vợ Hùng Cảnh Dương hai lần mang thai, lần đầu không giữ được. Lần thứ hai, Hùng Cảnh Dương xin nghỉ hẳn mọi công việc tay xách nách mang soong, nồi, bếp ga vào sống cạnh vợ. Mặc dù có bà ngoại cùng đồng hành, lo lắng cho vợ và con nhưng Hùng Cảnh Dương vẫn tự mình đi đưa sữa bất kể ngày đêm. Ông bố trẻ bảo: “Hạnh phúc lắm anh! Khi được làm bố, cùng vợ chăm sóc cho con”.

Theo quy định tại khoa trẻ sơ sinh cứ 3 giờ đồng hồ trẻ sinh thiếu tháng, trẻ đang điều trị bệnh lý mà chủ yếu là vàng da được tiếp sữa và được mẹ cho bú một lần. Chu kỳ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ, 13 giờ chiều, 14 giờ, 19 giờ, 22 giờ, 1 giờ và 4 giờ sáng. Mỗi tuần các bác sỹ trong khoa họp các ông bố trong hội đưa sữa cho con đang nằm trong lồng kính 2 lần vào thứ hai và thứ sáu nhằm thông báo bệnh tình, tiến triển sức khỏe, cân nặng của trẻ. Những vui buồn bố mẹ trẻ cũng bắt đầu từ lần họp này.

Vợ chồng Hùng Nam Lý cùng con ra viện sau một ngày em bé chuyển sang bú trực tiếp mẹ. Ra viện, Hùng vẫn thỉnh thoảng vào thăm những ông bố trẻ cùng hội cùng thuyền đang “trường kỳ” vượt cạn cùng vợ, chăm con. Trong hội những ông bố đưa sữa cho con đang nằm trong lồng kính, thâm niên lâu nhất vẫn là Hồ Keo, quê quán bản Y Leng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa và Tỏi, quê xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Hai ông bố này xuyên hai năm chăm vợ, chăm con tại bệnh viện, đón Tết Nguyên đán cũng trong bệnh viện.

Con trai Hồ Keo đang điều trị tích cực tại khoa trẻ sơ sinh.
Con trai Hồ Keo đang điều trị tích cực tại khoa trẻ sơ sinh.

Hồ Keo sinh năm 1987 có vợ Hồ Thị Đông sinh năm 1996 đều là dân tộc Khùa. Đôi vợ chồng người dân tộc thiểu số này đã có một con gái 2 tuổi. Lần này Hồ Thị Đông sinh con trai chưa đầy 8 tháng tuổi vào khoảng cuối tháng Chạp trong năm. Em bé lọt lòng chỉ cân nặng 1,2kg. Sau hơn 1 tháng trời nằm lồng kính chăm sóc theo chế độ đặc biệt cũng chỉ tăng thêm 0,3kg. Số phận không mỉm cười với vợ chồng Hồ Keo, hạnh phúc làm cha song hành cùng nỗi đau khi em bé sinh thiếu tháng, thiếu máu, bị nhiễm trùng máu và bại não. Nhiều đêm Hồ Keo buồn tìm tôi tâm sự: “Bác sỹ bảo tình trạng con em không khả quan, bệnh viện cho chuyển vào Huế. Nhưng em nói thiệt bụng, hai vợ chồng bán gia sản đi cũng chưa đầy 10 triệu đồng, hiện tại cũng chỉ được 4 triệu đồng bà con dân bản, người thân góp cho. Vào Bệnh viện Trung ương Huế, con em có mệnh hệ chi, lấy tiền đâu để thuê  xe đưa về đến xã Dân Hóa. Em xin bệnh viện, xin bác sỹ cho con em ở lại, còn nước còn tát”. Tình trạng con trai nan y nhưng bình thường Hồ Keo sống lạc quan, luôn giúp đỡ mọi người xung quanh. Cùng cảnh ngộ, bệnh nhân chia sớt nỗi buồn cùng vợ chồng Hồ Keo, nhưng cũng chỉ được về mặt tinh thần.

Trong hội những ông bố đưa sữa cho con đang nằm lồng kính, các ông bố nhất trí bầu Hồ Keo làm hội trưởng với nhiệm vụ nhắc nhở mọi người đưa vợ đi cho con bú, đưa sữa cho con đúng theo giờ giấc quy định. Đồng cảm cùng hoàn cảnh Hồ Keo, một thành viên trong hội những ông chồng hộ tống vợ cho con bú sữa mẹ, bằng mối quen biết của mình đã vận động cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ Hồ Keo, cho đến nay số tiền đã được hơn 10 triệu đồng. Nhận những đồng tiền giúp đỡ, Hồ Keo trân trọng lắm, Keo bảo rằng sẽ không bao giờ quên tình cảm mọi người dành cho Keo quảng thời gian cùng vợ “vượt cạn” chăm sóc con trẻ bị bệnh nan y tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới. Dù xa lạ, dù mỗi người một nơi, một hoàn cảnh nhưng sống với nhau chân tình, yêu thương.

Thanh Long