.

Người khiếm thị với nghề tẩm quất

Thứ Tư, 06/01/2016, 10:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Dáng người cân đối, nhỏ nhắn, đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt với cử chỉ mềm dẻo, linh hoạt cộng thêm nụ cười tươi rói và câu nói hài hước là những ấn tượng ban đầu khi chúng tôi gặp và tiếp xúc với anh. Chỉ nhìn thoáng qua, ngỡ tưởng anh cũng như biết bao người bình thường khác. Vẫn nghe anh nói, vẫn nhìn anh cười nhưng ánh mắt anh đăm chiêu. Đó là một trong số hàng chục hội viên Hội Người mù huyện Lệ Thủy xóa bỏ mặc cảm tật nguyền, vươn lên khẳng định mình.

Anh Phan Thanh Việt là con cả trong gia đình nghèo có đông anh chị em, ở thôn Tân Lệ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Năm 1999, anh xây dựng gia đình với chị Châu Thị Phượng sinh được ba đứa con 2 trai, 1 gái. Cuộc sống gia đình dẫu thiếu thốn về vật chất nhưng rất hạnh phúc. Đang ngập tràn trong hạnh phúc, thì bỗng nhiên tai nạn ập đến vào năm 2007 và cướp đi đôi mắt của anh. Sau thời gian điều trị ở Bệnh viện mắt Trung ương Hà Nội về, hằng ngày anh chỉ lầm lũi một mình trong căn nhà nhỏ. Từ một người hoạt bát, lanh lợi anh trở nên mặc cảm, tự ti. Sự bi quan, tuyệt vọng chiếm hết tâm trí anh, dày vò thân hình bé nhỏ vốn đã trơ ra vì nỗi đau về thể xác. Nỗi đau quá lớn tưởng chừng khó vượt qua nhưng được sự động viên, quan tâm của gia đình, làng xóm, anh từng bước tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Năm 2013, qua giới thiệu của chính quyền địa phương, anh tham gia khóa đào tạo tẩm quất và trở thành hội viên tích cực của Hội Người mù huyện Lệ Thủy.

Ở đây, anh luôn phát huy kiến thức đã học, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm bạn bè, đồng nghiệp, tay nghề của anh ngày càng được nâng lên. Không có đôi mắt sáng nhưng bù lại, anh có đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, sự ân cần, tỉ mỉ làm việc để mang lại sự thư giãn, thoải mái cho khách hàng. Anh cho biết: “Tôi không may mắn có được đôi mắt sáng như mọi người, cuộc sống của tôi phụ thuộc vào gia đình, đôi lúc cảm thấy mình là gánh nặng. Nhưng khi được tham gia vào Hội Người mù huyện, cuộc sống như sang một trang mới, tôi được tạo điều kiện học tập nâng cao kỹ năng sống, phục hồi chức năng, được tham gia lớp xóa mù chữ và được học nghề xoa bóp, tẩm quất. Hiện nay, tôi đang làm việc tại cơ sở xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù huyện. Được đi làm, được gặp gỡ và sống cùng với các anh, các chị có cùng hoàn cảnh giống mình đã giúp tôi tự tin và vui hơn rất nhiều và có thêm thu nhập, thấy cuộc sống thực sự có ý nghĩa, tự tin hòa nhập cộng đồng”.

Tại cơ sở xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù huyện ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Giang, anh Phan Thanh Việt là một trong những người có tay nghề cao, với các kỹ thuật day, đấm và bóp. Để đạt được trình độ này, kỹ thuật viên phải thực hiện thao tác sao cho khách hàng không cảm nhận được thứ tự của các động tác, không cảm thấy một động tác được lặp lại nhiều lần ở cùng một nơi, mà chỉ khiến khách hàng cảm thấy dễ chịu khi được xoa bóp. Bằng nghề tầm quất cổ truyền của người mù, anh Việt đã chữa trị, phục hồi chức năng cho hàng chục bệnh nhân sau tai biến. Theo ghi nhận của nhiều khách hàng đã từng đến cơ sở xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù huyện thì hầu hết đều rất hài lòng bởi sự phục vụ tận tình, chu đáo của các kỹ thuật viên... Anh Bình một khách hàng thường xuyên của cơ sở cho biết: "Mấy năm nay, tôi thường hay bị nhức mỏi vai gáy và đau lưng. Đến với cơ sở, tôi được các kỹ thuật viên phục vụ rất bài bản, nay đã đỡ nhiều, người khoẻ hơn, ăn uống tốt, tinh thần sảng khoái và ngủ ngon giấc hơn so với trước đây".

Chính nghị lực từ đôi bàn tay sẽ giúp những người khiếm thị tự lập trong cuộc sống của chính mình, vươn tới ước mơ một tương lai vững chắc hơn. Dẫu chặng đường ấy vẫn còn nhiều gian nan vất vả nhưng với niềm tin và động lực, “nguồn sáng” sẽ đến với họ - những con người không ngừng cố gắng vươn lên và từ nghề tẩm quất, nhiều người khiếm thị đã tìm thấy “nguồn sáng” của cuộc đời mình. Cơ sở tẩm quất cổ truyền được thành lập được 2 năm. Đây cũng là một hướng đi mới cho hoạt động hội. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 8 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tại nhà do người mù đảm nhận, có việc làm thường xuyên và có mức thu nhập ổn định 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Với nhu cầu cuộc sống hối hả hiện nay, nghề tẩm quất hứa hẹn sẽ mở rộng cánh cửa việc làm cho người khiếm thị. Không chỉ mang lại cuộc sống đủ đầy hơn về vật chất mà còn tạo sự khởi sắc trong đời sống tinh thần cho người khiếm thị. Hy vọng, trong thời gian tới cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, Hội Người mù huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục mở các lớp tẩm quất để có thêm nhiều người khiếm thị tìm được “nguồn sáng”. Thiếu đi đôi mắt, mọi nội lực dường như dồn hết vào đôi bàn tay. Nhờ nghề tẩm quất, những “đôi bàn tay kỳ diệu” ấy đang giúp người mù vươn lên khẳng định bản thân mình.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội Người mù huyện Lệ Thủy cho biết: thời gian tới, Hội tiếp tục phát triển hội viên, mở lớp học nghề, và mở rộng cơ sở tẩm quất cổ truyền của Hội Người mù huyện và tạo việc làm ổn định cho các hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những chính sách trợ giúp người khuyết tật; và đẩy mạnh cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” do Trung ương Hội phát động, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, mất đi đôi mắt, cuộc sống của những khiếm thị thực sự khó khăn. Mặc dù vậy, trong những năm qua, Hội Người mù huyện Lệ Thủy đã có những bước phát triển xây dựng hội vững mạnh, thực sự là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin để hội viên làm chủ bản thân, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)