.

"Khi triệu ước mơ nhỏ cần một nghĩa cử lớn"

Thứ Năm, 05/11/2015, 18:35 [GMT+7]

(QBĐT) - “Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng trong chúng em ai cũng có một ước mơ và chính sự hỗ trợ đúng lúc của quỹ học bổng “Vì em hiếu học” đã động viên những học sinh nghèo như chúng em vượt qua sự tự ti, tiếp tục ước mơ và vươn lên trong cuộc sống” – đó là lời phát biểu chân thành và nghẹn ngào nước mắt của cô học trò nhỏ Phạm Thị Hà (Lớp 7, Trường THCS Quảng Hưng, Quảng Trạch) thay mặt cho hàng trăm em học sinh nghèo tại buổi lễ trao học bổng “Vì em hiếu học” vừa qua. Trọn hai năm kể từ khi ra đời, chương trình học bổng “Vì em hiếu học” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel phối hợp Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã thắp sáng ước mơ cho hàng trăm em học sinh nghèo học giỏi trên toàn quốc nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Trong cơn mưa tầm tã của một sáng đầu đông, bà Nguyễn Thị Lịch (xã Quảng Hợp) lại dắt đứa cháu nhỏ mồ côi Nguyễn Hồng Sơn (THCS Quảng Hợp) đến nhận học bổng “Vì em hiếu học”. Với bà, cái không khí ấm áp của buổi lễ trao học bổng hôm ấy cùng niềm vui của đứa cháu nhỏ đủ sức xua đi cái lạnh đầu mùa.

Bà kể với chúng tôi trong nghẹn ngào nước mắt rằng cách đây vài năm, vợ chồng đứa con trai lớn mắc bạo bệnh rồi lần lượt ra đi, bỏ lại cho bố mẹ già ba đứa con cháu côi cút. Cuộc sống của đôi vợ chồng đã quá tuổi lục tuần vốn chẳng dư dả nay càng thêm khốn khó. Nhiều năm qua, cả gia đình ông bà cùng ba đứa cháu cứ nương tựa vào nhau mà sống. “Cứ tết đến, mệ lại đi xuống chợ xin cho tụi hắn ít áo quần cũ để mang tết”, bà nghẹn ngào. Dẫu bữa ăn còn không đủ ấm bụng nhưng ông bà vẫn quyết cho con cháu đeo đuổi sự học và may mắn thay khi cả ba đứa cháu đều chăm ngoan, học giỏi.

Và tự hào thay khi năm nay là năm thứ hai bà đưa cháu nội đi nhận học bổng “Vì em hiếu học” của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Niềm vui đong đầy trong đôi mắt của hai bà cháu. Với bà và đứa cháu mồ côi bất hạnh, đó là niềm động viên, an ủi lớn lao để vững vàng hơn trên con đường nhiều chông gai phía trước.

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh nhận học bổng “Vì em hiếu học”.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh nhận học bổng “Vì em hiếu học”.

Chương trình khuyến học “Vì em hiếu học” được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) thực hiện từ năm 2014 và dự kiến triển khai trong 10 năm với tổng kinh phí là 260 tỷ đồng. Trong đó năm 2014 chương trình đã được triển khai xuống tận cấp xã, và ưu tiên cho 2.331 xã nghèo theo Chương trình 135 và 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Mỗi xã có 10 em nhỏ gia đình nghèo nhưng có học lực khá được nhận học bổng “Vì em hiếu học”. Mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.

Năm 2015, chương trình tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu trao 26.420 suất học bổng trị giá 26,42 tỷ đồng. Tại Quảng Bình, chi nhánh Viettel Quảng Bình sẽ thực hiện trao 610 suất học bổng cho 610 em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 610 triệu tại 61 xã thuộc vùng bãi ngang và các xã theo chương trình 135, thuộc 7 huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Số tiền này sẽ được quy đổi sang dụng cụ học tập hoặc phương tiện hỗ trợ cho các em đến trường.

Với triết lý kinh doanh gắn liền trách nhiệm xã hội và quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai đất nước”, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã triển khai nhiều hoạt động xã hội, cộng đồng lớn: Chương trình mổ tim nhân đạo “Trái tim cho em”, phẫu thuật nụ cười, chăm sóc giúp đỡ các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng bò giống cho đồng bào nghèo biên giới, tặng sổ tiết kiệm, quà cho người nghèo và bộ đội giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...  

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Viettel đã nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục. Điển hình là chương trình phổ cập internet băng thông rộng tới 100% trường học và cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Viettel cũng tiên phong triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng cho trường học, cơ sở đào tạo có công cụ quản lý toàn diện; áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, trao học bổng khuyến học dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Riêng tại Quảng Bình, Viettel đã cung cấp cơ bản gần 100% các trường và cơ sở giáo dục với số lượng gần 1.700 đường truyền với tổng kính phí tài trợ cho chương trình Internet giáo dục tại tỉnh trong năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 gần 8 tỷ đồng .

“Trong quá trình triển khai kinh doanh các dịch vụ viễn thông ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nhận thấy các em học sinh ở nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn ngay cả những vật dụng, đồ dùng học tập đơn giản nhất, nhiều em có nguy cơ phải bỏ học vì gia đình quá nghèo, không có điều kiện đến trường. Mong muốn động viên, tiếp sức cho sự hiếu học của các em đã thôi thúc chúng tôi phải triển khai một chương trình thật dài hơi, làm sâu tới tận cấp xã để tất cả các em học sinh đều nhận được sự hỗ trợ cho học tập, cảm thấy được quan tâm và động viên. Và chương trình “Vì em hiếu học”, với thông điệp “Khi triệu ước mơ nhỏ cần một nghĩa cử lớn” đã được chính thức triển khai sau hàng năm trời chuẩn bị như thế”, ông Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Quảng Bình chia sẻ.

Việc thực hiện chương trình khuyến học “Vì em hiếu học” đã giúp hiện thực hóa hàng chục nghìn ước mơ nhỏ của các em học sinh hiếu học đồng thời kêu gọi cộng đồng, tổ chức, cá nhân cùng chung tay tiếp sức cho hàng triệu giấc mơ hiếu học khác.

Trong buổi lễ trao học bổng tại huyện Quảng Trạch, đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao sự đóng góp của Viettel Quảng Bình trong các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ thường xuyên cho ngành giáo dục tỉnh nhà.

Và trong buổi lễ trao học bổng ngày hôm ấy, chúng tôi cũng đã bắt gặp những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của những bậc phụ huynh, đã thấy niềm vui ánh lên trong đôi mắt của các em học sinh nghèo. Nhiều em không có nổi một bộ áo quần lành lặn nhưng đằng sau nét khắc khổ ấy là niềm tự hào, cả sự quyết tâm vượt khó, vươn lên giữa nghịch cảnh cuộc đời. Dẫu giá trị mỗi suất học bổng không đủ sức để bớt đi cái nghèo, cái khổ nhưng là nguồn động viên to lớn để những cô, cậu học trò ấy vượt qua những mặc cảm, tự ti của số phận và sự bủa vây của khó nghèo. Sâu xa hơn, đó là sự chắp cánh và hiện thực hóa những giấc mơ con trẻ. Hôm nay, vẫn còn nhiều lắm những số phận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đang ngày ngày ấp ủ ước mơ của mình trong muôn vàn khó khăn. Và “triệu ước mơ nhỏ” ấy đang rất cần “một nghĩa cử lớn” - sự sẻ chia của toàn xã hội để hiện thực hóa giấc mơ em.

Diệu Hương