.

Thực hiện Luật Tiếp công dân, không có đơn thư tồn đọng kéo dài

Thứ Ba, 08/09/2015, 12:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Luật này quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về kết quả triển khai và thực hiện Luật Tiếp công dân (TCD) trên địa bàn tỉnh ta sau một 1 năm luật này có hiệu lực thi hành, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Minh Tuyên, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh về vấn đề này.

 

Thanh tra tỉnh triển khai tập huấn Luật TCD và các luật liên quan cho cán bộ thực hiện công tác TCD của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra tỉnh triển khai tập huấn Luật TCD và các luật liên quan cho cán bộ thực hiện công tác TCD của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Phóng viên: Thưa đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào khi nhìn lại 1 năm triển khai thi hành  Luật TCD trên địa bàn tỉnh ta?

- Đồng chí Lê Minh Tuyên: Luật TCD được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Ngày 26-6-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TCD.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 4 thông tư, thông tư liên tịch và ký kết quy chế phối hợp về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Sau 1 năm thực hiện Luật TCD ở tỉnh ta đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:

Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Ban chỉ đạo Đề án 1-1133 ban hành Kế hoạch số 55/KH-BCĐ, ngày 2-2-2015 về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC ở xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Đài PT-TH Quảng Bình, Báo Quảng Bình đăng tải các chuyên mục, chuyên trang pháp luật và các hoạt động tiếp dân, giải quyết KNTC.

Toàn tỉnh đã tổ chức 111 hội nghị tập huấn, tuyên truyền về Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho 10.334 người, cấp phát 10.342 bộ tài liệu và 18 đĩa biên soạn luật để phát trên loa truyền thanh. Thanh tra tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 150 cán bộ cấp huyện và cấp xã về công tác này.

UBND tỉnh, nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã thành lập Ban TCD, ban hành quy chế TCD. Đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác tiếp dân được bổ sung, tăng cường. Trách nhiệm TCD của Chủ tịch UBND các cấp, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành được nêu cao. Trong TCD, người có trách nhiệm đã quan tâm đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục và gắn việc TCD với giải quyết KNTC.

Nhờ vậy, nhiều công dân đã hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại, phản ánh. Hệ thống thông tin về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC được kết nối từ Văn phòng UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành về lĩnh vực này ngày càng chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ hơn.

- Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về chất lượng của công tác tiếp dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh ta sau 1 năm thực hiện Luật TCD?

- Đồng chí Lê Minh Tuyên: Luật TCD là một hành lang pháp lý khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm công tác TCD, xử lý đơn thư thực hiện nhiệm vụ được giao một cách thống nhất. Sau 1 năm triển khai, kết quả rõ rệt nhất ai cũng nhận ra là tình hình KNTC của công dân cơ bản được kiểm soát ổn định bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Điều đó thể hiện rõ nét qua việc công dân khi đến trụ sở, địa điểm TCD đều được tiếp, được hướng dẫn, giải thích cặn kẽ, cụ thể, đầy đủ. Nhiều công dân đã hiểu và tự nguyện rút đơn hoặc được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn thư vòng vo, vượt cấp đã được hạn chế, tránh gây phiền hà cho công dân. Việc xử lý đơn thư KNTC bảo đảm kịp thời, đúng thời gian, tránh được tình trạng “ngâm đơn”.

Trong thời gian qua số lượng công dân đến trụ sở TCD và số lương đơn thư KNTC tăng cao, nhưng tỷ lệ giải quyết đạt trên 85%, không có đơn thư tồn đọng kéo dài và có đoàn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Việc giải quyết KNTC bảo đảm đúng luật, đúng trình tự, thủ tục, “thấu tình, đạt lý”, bảo đảm thời gian, thời hiệu quy định. Hầu hết các quyết định giải quyết KNTC khi công dân khiếu kiện ra tòa án thì đều được tòa án công nhận đúng.

Trách nhiệm giải quyết KNTC của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng lên. Năng lực, nghiệp vụ và kỹ năng vận động, thuyết phục, giải thích, hòa giải của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC được nâng cao. Nhờ làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC đã góp phần ổn định chính trị-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ.

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thêm những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật TCD thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta?

- Đồng chí Lê Minh Tuyên: Bên cạnh những kết quả tích cực đáng mừng bước đầu nói trên, thì công tác TCD vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật TCD và các luật về giải quyết KNTC chưa thường xuyên, nội dung và hình thức thiếu phong phú, hấp dẫn. Nhận thức của người dân về pháp luật còn nhiều hạn chế. Một số công dân cố tình chây ỳ, đeo bám khiếu kiện kéo dài hoặc lôi kéo, kích động khiếu kiện đông người, vượt cấp nhằm gây áp lực với chính quyền.

Đội ngũ cán bộ tiếp dân còn ít so với yêu cầu, nhiệm vụ. Một số cán bộ, công chức mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng vận động thuyết phục, giải thích. Ở cấp xã không có cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, lại thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương do khó khăn về trụ sở làm việc nên không thể bố trí phòng TCD riêng biệt. Cơ sở vật chất, điều kiện và kinh phí phục vụ cho công tác tiếp dân, giải quyết KNTC còn nhiều khó khăn. Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Thủ trưởng một số cơ quan hành chính chưa thực hiện nghiêm túc việc TCD theo định kỳ, trong khi đó chế tài xử lý trách nhiệm chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.

Một số địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc. Việc vận dụng pháp luật còn lúng túng, cứng nhắc, chưa giải quyết thấu đáo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều vụ việc KNTC của công dân đã có hiệu lực pháp luật nhưng mệnh lệnh hành chính không nghiêm, kết quả đạt thấp, dẫn đến công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp...

- Phóng viên: Thưa đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, thời gian tới cần chú trọng giải pháp nào?

- Đồng chí Lê Minh Tuyên: Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác TCD cần thực hiện tốt các vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.

Thứ hai: Đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Thực hiện nghiêm túc Luật TCD, Quy chế TCD, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, gắn tiếp dân với giải quyết KNTC, chú trọng giải quyết ngay từ cơ sở và từ khi phát sinh KNTC.

Thứ ba: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước. Có biện pháp xử lý nghiêm minh những công dân cố tình lợi dụng quyền KNTC để chây ỳ, khiếu kiện kéo dài, kích động, lôi kéo người khác để khiếu kiện đông người, gây rối an ninh trật tự.

Thứ tư: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC. Nâng  cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành về tiếp dân, giải quyết KNTC.

Thứ năm: Kiện toàn, cũng cố Ban TCD các cấp, tổ hòa giải cơ sở, bố trí đủ cán bộ và lựa chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, giải thích, vận động quần chúng làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Làm tốt công tác thông tin, báo cáo về lĩnh vực này.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

Bùi Thành (thực hiện)