.

Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh

Thứ Hai, 14/09/2015, 18:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn cải cách mạnh mẽ về thể chế, bỏ bớt thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của một số chủ thể. Đồng thời, cũng là giai đoạn tiếp tục thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản QPPL và công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là một nhiệm vụ quan trọng.

Tại tỉnh ta, công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL ngày càng đi vào nền nếp, chủ động, thời hạn thực hiện trong mỗi quy trình, mỗi công đoạn ngày càng được rút ngắn; chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản QPPL ngày càng được nâng cao; các văn bản được ban hành cơ bản bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất đồng bộ và kịp thời thể chế hoá nghị quyết, chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết, các chương trình của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015; phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ bản đáp ứng và thể hiện yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Đối với công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh ta đã được triển khai đồng bộ và cơ bản đi vào nền nếp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm soát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết TTHC không ngừng được cải thiện; hiện tượng gây phiền hà cho đối tượng thực hiện TTHC đã giảm rõ rệt qua từng năm.

Từ chỗ trước năm 2011, có những cơ quan, đơn vị có số lượng hồ sơ giải quyết quá hạn trên 90% thì đến năm 2015, phần lớn các hồ sơ TTHC đã được giải quyết kịp thời theo thời gian quy định, trừ những trường hợp có lý do chính đáng. Từ năm 2011-2015, UBND tỉnh đã công bố 2.110 TTHC, đến nay tổng số TTHC được công bố đang có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh là 1.557 thủ tục (cấp tỉnh có 1.201, cấp huyện có 199, cấp xã có 157 thủ tục).

Năm 2016, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và nhiều luật khác có liên quan có hiệu lực thi hành. Trong đó, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 sẽ có nhiều điểm mới như: giảm được 5 loại văn bản QPPL, trong đó có chỉ thị của UBND các cấp; cấm quy định TTHC trong thông tư, thông tư liên tịch của các bộ, liên bộ, quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND, trừ trường hợp được giao trong luật; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản QPPL, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách; bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản QPPL...

Thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định văn bản QPPL và công tác kiểm soát TTHC, một số giải pháp cần phải thực hiện đó là: tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật và kiểm soát TTHC; nâng cao hơn nữa nhận thức về sự cần thiết và sự khó khăn, thách thức về cải cách TTHC; xác định nhiệm vụ kiểm soát TTHC phải được thực hiện thường xuyên, chủ yếu, trực tiếp và nhất là những công chức, viên chức đang thực thi công vụ và thực hiện dịch vụ công, thông qua việc giải quyết hồ sơ TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản QPPL, cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC trong việc khảo sát, học tập kinh nghiệm; bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí cho hoạt động xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, kiểm soát TTHC.

Bên cạnh đó, coi trọng việc lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động khi xây dựng dự thảo văn bản QPPL; phát huy dân chủ, xây dựng và thực hiện cơ chế phù hợp nhằm thu hút rộng rãi các chuyên gia, người có kinh nghiệm, mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu, soạn thảo và thẩm định các dự thảo văn bản QPPL, kiểm soát TTHC; thực hiện nghiêm túc quy trình soạn thảo, góp ý, thẩm định và ban hành văn bản QPPL; dự báo tác động kinh tế-xã hội; dự kiến nguồn lực bảo đảm cho việc tổ chức thi hành sau khi văn bản hoặc TTHC được ban hành; các cơ quan được phân công dự thảo văn bản QPPL, kiểm soát TTHC cần bám sát chương trình, kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh và quy trình thủ tục để chủ động tham mưu bảo đảm tiến độ quy định.

Quá trình thực hiện cần chủ động phối hợp với Sở Tư pháp ngay từ quá trình dự thảo. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, góp ý thì sẽ được bàn bạc, trao đổi, làm rõ ngay từ khi dự thảo.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với các Ban của HĐND và UBMTTQ Việt Nam các cấp trong việc thẩm định dự thảo văn bản QPPL, phát huy vai trò phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong việc dự thảo văn bản QPPL và đánh giá hiệu quả thực thi; rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các TTHC, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC; xây dựng quy trình giải quyết TTHC nội bộ, bảo đảm nhanh, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức; thực hiện nghiêm túc việc công bố, công khai, minh bạch TTHC; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; khắc phục tình trạng chậm công bố, công khai, niêm yết TTHC hoặc thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC; thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; phát hiện những mô hình mới, cách làm hay trong cải cách TTHC đề xuất triển khai nhân rộng; triển khai đồng bộ, thống nhất, có cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông suốt, thuận lợi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là trong giải quyết TTHC cho cá nhân...

Minh Hương-Ngọc Hải