.

Người con tật nguyền hiếu thảo

Thứ Ba, 14/04/2015, 14:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở một xóm chài nhỏ bên dòng sông Nhật Lệ hiền hòa, mọi người vẫn trìu mến gọi chị là Hương “một tay”, người phụ nữ tật nguyền nhưng lại có tấm lòng hiếu thảo.

Bị liệt một chân và cánh tay trái nhưng 20 năm nay một mình chị gánh vác trên vai công việc chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ già yếu, bệnh tật. Tên đầy đủ của chị là Võ Thị Hương (42 tuổi) trú thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.

Bà Võ Thị Lái (83 tuổi) mẹ chị Hương tâm sự: “Tôi có sáu người con, nhưng hai người đã mất vì bệnh tật. Còn bốn người thì ba người vì miếng cơm manh áo phải chịu cảnh sống tha hương biệt tích đã mấy chục năm nay. Chỉ còn một mình đứa con gái út ở nhà lo lắng, chăm sóc hai thân già. Nhiều lúc bệnh tật, thấy hắn chạy vạy đủ chỗ lo thuốc men mà tôi chảy nước mắt.”

Lên 4 tuổi, chị Hương lên cơn sốt cao, gia đình đưa đến bệnh viện thì bác sỹ bảo chị bị bệnh viêm màng não và rất có thể sẽ để lại di chứng sau này. Thương con, dù nghèo nhưng bà Lái vẫn bồng con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa bệnh mong con gái mình không phải chịu cảnh tật nguyền. Bất lực, bà đau đớn nhìn cảnh con mình thân thể lớn lên nhưng bàn tay, bàn chân ngày một teo nhỏ lại vì di chứng của căn bệnh hiểm nghèo.

Chị Hương chăm sóc cho người mẹ thường xuyên bệnh tật.
Chị Hương chăm sóc cho người mẹ thường xuyên đau ốm, bệnh tật.

Lớn lên mang trong mình dị tật dù không được học hành gì nhưng chị Hương lại có một tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Bà Lái - mẹ chị đã mắc bệnh suy nhược cơ thể do gắn bó với công việc chài lưới thức khuya dậy sớm đã bảy năm nay. Còn bố chị lại bị di chứng của chiến tranh, ông bị bệnh khiếm thính nhiều năm nay nên không giúp đỡ gì được cho gia đình. Những lúc mẹ ốm, chị phải chạy bằng đôi chân tập tễnh đến từng nhà hàng xóm nhờ người chở đến bệnh viện. “Có hôm mẹ bệnh đến mức ngất xỉu trong nhà, mình chạy sang nhà hàng xóm nhờ người chở đến bệnh viện mà gặp đúng lúc mọi người đi xem đoàn văn nghệ về biểu diễn, không có người ở nhà. Vậy là mình phải chạy sang tận làng bên mới nhờ được người giúp đỡ. Về đến nhà, mình cũng ngã quỵ vì mệt.”- chị Hương nhớ lại.

Mẹ đi bệnh viện, chị vừa phải chăm sóc cha vừa quán xuyến công việc trong gia đình, rồi phải vào bệnh viện chăm mẹ ốm. Chỉ với một cánh tay và một chân lành lặn chị vẫn làm được mọi công việc trong gia đình từ giặt giũ, nấu nướng, làm vườn... đến chăm sóc bốn con lợn thịt để có chi phí chăm sóc mẹ ốm đau bệnh tật. Bốn con lợn thịt chính là tài sản lớn nhất của gia đình chị. Có lần, đôi lợn thịt chưa vô tạ nhưng chị phải cắn răng bán non lấy tiền chữa bệnh cho mẹ.

“Hắn đưa tiền cho tôi mua thuốc và chi tiêu khi đang nằm viện. Tôi hỏi: Tiền từ đâu mà con có, hắn không trả lời. Hiểu chuyện, tôi từ chối không lấy bảo hắn cất tiền mua thêm bộ áo quần mới và để dành lại mà có tiền chi tiêu sinh hoạt sau này. Vậy mà hắn không chịu, cứ quyết đưa tiền cho tôi nếu không thì không chịu về. Tôi thương lắm, vì thân già mà còn làm cho người tật nguyền như hắn phải vất vả.”- bà Lái tâm sự.

Thấu hiểu được hoàn cảnh éo le của chị Hương, chính quyền trong thôn tạo điều kiện để chị phụ trách việc trông coi và phụ giúp việc nấu nước pha trà tại nhà văn hóa thôn mỗi khi có hoạt động hội họp với tiền công mỗi tháng là 600.000 đồng. Hằng ngày, chị phải đi bộ cả chục km vào rừng chặt từng nhành cây khô về làm củi đun nước. Đã bốn năm nay, chị Hương “một tay” đã quá quen thuộc với công việc, dọn dẹp và trông coi nhà văn hóa. Nhiều người đến họp nghe chuyện rất cảm phục trước nghị lực và ý chí của chị. Rồi mỗi người một ít, của ít lòng nhiều quyên góp giúp đỡ chị trong cơn hoạn nạn. Nhiều người thấy chị quần quật làm việc cả ngày không biết mệt cứ nghĩ chị khỏe lắm. Nhưng nhiều đêm, nhất là vào mùa đông những cơn đau xương lại hành hạ chị. Những lúc trái gió trở trời, tay và chân trái của chị lại sưng lên, đỏ tấy đau buốt suốt đêm. Ấy vậy mà chị vẫn vượt qua tất cả nhiều năm làm chỗ dựa vật chất và tinh thần cho cả gia đình.

“Được nhìn thấy bố mẹ khỏe mạnh, vui sống mỗi ngày là em cũng cảm thấy vui. Được sống bên bố mẹ, quan tâm chăm sóc họ đến hết đời thì khổ mấy em cũng chịu được.”- chị Hương vui vẻ nói.

Ông Hoàng Văn Giới, trưởng thôn Chợ Gộ cho biết, chị Võ Thị Hương là một tấm gương tật nguyền biết vượt qua khó khăn để sống tốt, sống có ích cho đời. Tuy tật nguyền nhưng chị có một tấm lòng yêu thương cha mẹ, hiếu thảo đặc biệt.

Hà Thế An