.

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12-2-2015 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số 199/UBND-VX yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện tốt một số nội dung sau:

Các ngành, địa phương tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Kết luận số 51-KL/TW ngày 22-7-2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22-7-2010 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao;                                                                

Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 21-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 và Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Rà soát, lựa chọn, giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn của năm 2015 và các năm tiếp theo. Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, ngày hội phải chịu trách nhiệm về kế hoạch, chương trình, nội dung, quy mô, tần suất, thời gian tổ chức; bảo đảm việc tổ chức lễ hội, ngày hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán và điều kiện kinh tế - xã hội thực tế của từng địa phương.

Hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực khi tổ chức lễ hội, ngày hội. Đối với các sự kiện truyền hình trực tiếp phải được xem xét, thẩm định kỹ lưỡng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động cho việc tài trợ tổ chức lễ hội, ngày hội.

Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng, lưu thông tiền tệ, đặc biệt là tại các di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội. Việc tu bổ, tôn tạo di tích; cung tiến, tiếp nhận đồ cung tiến vào di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và tham gia các hoạt động lễ hội.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện, không sử dụng thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định trong tổ chức các hoạt động lễ hội; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và các hoạt động, dịch vụ văn hóa trong lễ hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, quy chế trong tổ chức các hoạt động lễ hội.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình tăng cường tuyên truyền về các quy định quản lý và tổ chức lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội gắn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức tốt lễ hội.

Sở Tài chính tăng cường hướng dẫn các địa phương trong việc thu, quản lý, sử dụng tiền công đức, phí các dịch vụ phục vụ tại các lễ hội và các di tích lịch sử - văn hóa bảo đảm theo quy định của pháp luật, của tỉnh.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá hàng hoá, phí dịch vụ phục vụ lễ hội, giải quyết triệt để hiện tượng tranh giành đeo bám khách, tăng giá, ép khách.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức và hướng dẫn các địa phương, các cơ sở trên địa bàn tổ chức lễ hội theo đúng quy định, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Chỉ đạo các ban tổ chức lễ hội đặt hòm công đức và hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định; hạn chế đốt vàng mã, thắp nhiều hương, nến, không thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bố trí, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, thuận tiện cho nhân dân, tránh gây ùn tắc, mất an ninh trật tự, phòng, chống thảm họa, cháy nổ; bảo đảm vệ sinh môi trường,vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho nhân dân tham gia lễ hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để hoạt động trục lợi, tuyên truyền mê tín đị đoan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hoá phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật.

T.S