.

Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ Ba, 03/03/2015, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, phong trào thanh niên tình nguyện hướng về cuộc sống cộng đồng đã được tuổi trẻ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh có nhà ở và trẻ em nghèo tiếp tục đến trường.

"Ngôi nhà 100 đồng"

Mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” được tuổi trẻ BĐBP tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 4-2012 thông qua hình thức vận động mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN), cán bộ chiến sĩ tiết kiệm tối thiểu 100 đồng/ngày để ủng hộ gây quỹ xây dựng nhà mới tặng các gia đình chính sách nghèo, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng, sau khi hoàn thành sẽ được gắn biển “Ngôi nhà 100 đồng”.

Thượng úy Phạm Duy Bảo, Trợ lý thanh niên, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, ngoài việc đóng góp tiền tiết kiệm hàng tháng, ĐVTN và cán bộ chiến sĩ các đơn vị còn tiến hành trồng vườn rau thanh niên, vườn cây thanh niên, ao cá thanh niên... bán lấy tiền góp thêm vào quỹ “Ngôi nhà 100 đồng”. Tại các Đồn Biên phòng Ngư Thủy và Cảng Gianh, nhiều ĐVTN đã tranh thủ đến các cảng cá để mua cá rô, trê phi với giá rẻ, sau đó nuôi lớn và bán lấy tiền để gây quỹ. Mô hình trồng rau xanh để bán lấy tiền giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhiều đồn áp dụng.

Tuổi trẻ Đồn Biên phòng Cà Roòng trao quà cho hai em học sinh được nhận đỡ đầu tại bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
Tuổi trẻ Đồn Biên phòng Cà Roòng trao quà cho hai em học sinh được nhận đỡ đầu tại bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).

Tại Đồn Biên phòng Cà Xèng (xã Thượng Hóa, Minh Hóa), một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp tôn được dựng sau góc vườn để chứa lon bia, chai lọ, giấy loại... Cứ đều đặn cuối mỗi tháng, số “rác” này sẽ được gom lại đem bán lấy tiền gây quỹ. Đại úy Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ, trước đây khi tổng dọn vệ sinh doanh trại chúng tôi thu gom rác rồi đốt đi, nhưng từ khi có “Ngôi nhà 100 đồng”, chúng tôi đã ý thức hơn trong việc sử dụng những phế liệu một cách hợp lý, không còn tình trạng xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định làm cho cảnh quan của các đơn vị trở nên xanh, sạch hơn. Bình quân mỗi tháng ngôi nhà chứa rác này đem lại cho quỹ khoảng từ 200-300 ngàn đồng.

Mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” do tuổi trẻ BĐBP tỉnh phát động thực sự là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những đóng góp tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn vì cộng đồng.

"Nâng bước em tới trường"

Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng biên giới và hải đảo ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nếu so với các địa phương khác thì cuộc sống của bà con ở vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Một bộ phận không nhỏ người dân sống tại các làng biển có trình độ dân trí thấp, sống chủ yếu nhờ nghề chài lưới nên thu nhập bấp bênh, học sinh bỏ học vẫn còn nhiều. Với mong muốn giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt qua khó khăn, có điều kiện học tập tốt hơn, tuổi trẻ BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Nâng bước em tới trường”.

Tuổi trẻ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động ĐVTN, cán bộ chiến sĩ trong toàn đơn vị tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động các nguồn tài trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... để gây quỹ “Nâng bước em tới trường”.

Theo đó, mỗi tổ chức cơ sở Đoàn trong BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có ý thức vươn lên trong học tập, với mức hỗ trợ ít nhất mỗi em 200 ngàn đồng/tháng; phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương và các nhà trường trên địa bàn đóng quân vận động bà con, bảo đảm 100% con em trong độ tuổi được đến trường. Các đồn biên phòng cử cán bộ chiến sĩ thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình, hướng dẫn các em học tập...

Để hoạt động đi vào chiều sâu và không mang tính hình thức, các cán bộ chiến sĩ tại các chi đoàn cơ sở đã đến từng nhà để khảo sát và lập bản cam kết giữa đơn vị, nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình, tránh tình trạng gia đình bắt các em phải bỏ học giữa chừng. Em nào được các đồn biên phòng nhận đỡ đầu thì năm đó gia đình em không phải lo chi phí học tập cũng như quần áo, sách vở cho con em đến trường.

Chỉ mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mô hình “Nâng bước em tới trường” đã thu được những kết quả rất tích cực. 26 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đầy đủ quần áo, sách vở, bút viết để đến trường, đạt thành tích cao trong học tập. Được biết, 26 em học sinh này sẽ được tuổi trẻ BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu cho đến khi các em học xong lớp 12. Hiện tại, nơi biên cương biển đảo của tỉnh ta vẫn còn nhiều học sinh nghèo đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng bằng sự chung tay giúp sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh thông qua mô hình “Nâng bước em tới trường”, tin rằng con đường đến trường của các em sẽ ngày càng rộng mở.

Thầy Nguyễn Cảnh Trai, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa cho biết các em học sinh ở miền núi đều có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, có rất nhiều học sinh bỏ học giữa chừng, việc vận động các em tiếp tục đến trường cũng gặp nhiều khó khăn.

Từ khi được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai tuyên truyền vận động và nhận đỡ đầu cho đến nay, hai em Hồ Thị Luận, học lớp 3 và em Hồ Thị Toan, học lớp 7 đều chăm chỉ đến lớp, hầu như không vắng buổi học nào, chính vì vậy thành tích học tập của các em cũng được nâng lên rõ rệt. “Đây là hoạt động đó có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một mô hình rất thiết thực cần được duy trì và nhân rộng”, thầy Trai chia sẻ.

Lan Chi