.

Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sau Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015

Thứ Ba, 03/03/2015, 07:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh đã cố gắng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông tăng so với Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm quy định tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh, vượt xe sai quy định, thiếu chú ý quan sát, sử dụng rượu, bia; thiếu ý thức tự bảo vệ mình và người tham gia giao thông khác. Cụ thể, trong 9 ngày Tết vừa qua, từ ngày 15-2-2015 - 23-2-2015 (tức từ ngày 27 tháng chạp đến ngày mồng 5 Tết) toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7 người, bị thương 20 người; so với cùng kỳ năm 2014 tăng 2 vụ, tăng 13%; tăng 1 người chết, tăng 17%; tăng 4 người bị thương, tăng 25%.

Để chấn chỉnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau Tết Nguyên đán Ất Mùi và dịp Lễ hội xuân 2015, ngày 26-2-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 190/UBND yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và Ban ATGT các địa phương cung cấp số điện thoại đường dây nóng, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của cơ quan, đơn vị và người dân về an toàn giao thông trong, sau nghỉ Tết và dịp lễ hội; đồng thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông.

Sở Giao thông vận tải có phương án tăng cường năng lực vận tải, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân đi lại sau Tết; kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động vận tải; xử lý dứt điểm tệ nạn chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé và cước vận tải trái quy định; tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Kiểm tra, xử lý vi phạm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông; thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động, tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trên các công trình đang thi công, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 1.

Có phương án tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm có lưu lượng phương tiện lớn, đặc biệt là các đoạn đường đang thi công; tăng cường quản lý an toàn đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh.

Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng tối đa, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kết hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội khác; chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là các hành vi vi phạm về tải trọng, an toàn kỹ thuật phương tiện, hành trình, thời gian lái xe, đón, trả khách sai quy định; tập trung xử phạt đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng làn đường, tránh, vượt sai quy định, sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tàu, thuyền kinh doanh vận tải khách du lịch, các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Quảng Bình tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông sau Tết và Lễ hội xuân 2015; tuyên truyền biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, biện pháp ngăn chặn tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc, tai nạn đắm đò, thực hiện "đã uống rượu, bia không lái xe".

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; phát động thực hiện chương trình Năm An toàn giao thông 2015, duy trì hoạt động "Cổng trường an toàn" học sinh không đi mô tô tới trường...

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban ATGT các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội xuân 2015 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Phân cấp quản lý và gắn trách nhiệm lãnh đạo xã, phường, thị trấn để xảy ra các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; để xảy ra tai nạn đò ngang trên địa bàn quản lý do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn, chở quá số người quy định, không đủ phao cứu sinh; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bến khách ngang sông, các phương tiện chở khách ngang sông.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan đoàn thể chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, nguy cơ tai nạn giao thông đến công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên. Vận động công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật giao thông, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy, tai nạn đò ngang, tai nạn đường ngang đường sắt; thực hiện nghiêm đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; đã uống rượu, bia thì không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định, quan sát an toàn khi qua đường sắt, chấp hành quy định an toàn khi đi đò.

A.T