.

Trạm y tế ở vùng Lòm: Giấc mơ có thật

Thứ Hai, 02/03/2015, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trọng Hóa là một xã miền núi biên giới của huyện Minh Hóa, có một số bản nằm cách xa trung tâm xã đến hơn 40km, muốn đến trạm y tế phải đi một đoạn đường dài, nên công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở đây gặp rất nhiều trở ngại. Mới đây, UBND huyện Minh Hóa quyết định trích ngân sách huyện đầu tư xây dựng trạm y tế cơ sở 2 ở vùng Lòm tại bản Dộ. Đây có thể coi là bước ngoặt lớn về y tế đối với người dân vùng biên giới này.

Vùng “cách ly” y tế

Anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, xã Trọng Hóa có 18 bản với 783 hộ dân, phần lớn là người Mày. Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống của người dân cũng dần được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, một số bản ở vùng Lòm như Cha Cáp, Tà Vờng, Dộ, Sy Lòm... muốn đến được trạm y tế xã phải đi hơn 40 km đường núi dốc nên việc khám chữa bệnh cho người dân trong những năm qua hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, do đặc thù tập quán chữa bệnh của đồng bào Mày chủ yếu là dựa vào cúng bái hay chữa bằng thuốc nam nên ít khi bà con ra trạm y tế khám chữa bệnh. Chỉ khi nào bệnh quá nặng, có thông tin báo cáo ra trạm y tế xã thì trạm mới cử cán bộ vào vận động bà con ra trạm điều trị rồi chuyển lên tuyến trên. Nhưng quãng đường đi lại quá xa và khó đi nên nhiều bệnh nhân khi đến được bệnh viện tuyến trên thì đã trở nên nguy kịch.

Người dân ở vùng Lòm sẽ được chăm sóc tốt hơn khi có trạm y tế ở gần.
Người dân ở vùng Lòm sẽ được chăm sóc tốt hơn khi có trạm y tế ở gần.

Anh Bắc kể, trong năm 2012, có trường hợp chị Hồ Thị Phung, ở bản Lòm sinh con tại nhà bị băng huyết. Lúc đó trạm y tế thì ở quá xa nên không thể đưa đến để điều trị, cũng may là có các bạn tình nguyện viên của Câu lạc bộ Hope học chuyên ngành Y đã cấp cứu kịp thời nên cứu sống được người mẹ, riêng đứa trẻ thì không cứu được. Đầu năm 2014, tại vùng Lòm bùng phát bệnh sốt rét. Em Hồ Thị Kinh ở bản Sy Lòm bị nhiễm bệnh nhưng do em không ra trạm y tế để chữa trị nên lãnh đạo trạm đã phải cử cán bộ vào khám và vận động gia đình đưa em ra trạm để tiện điều trị và chăm sóc. Nhưng vì kiến thức về chăm sóc sức khỏe còn thấp, không lường trước được mối nguy hiểm của căn bệnh sốt rét và muốn chữa bệnh theo cách riêng của mình nên gia đình em Kinh không chịu đưa em ra trạm điều trị. Nhận thấy bệnh có dấu hiệu nặng, trạm y tế báo cáo lên xã và UBND xã đã chỉ đạo cán bộ về phối hợp các lực lượng vào vận động đưa em ra trạm y tế xã, sau đó cho chuyển về Bệnh viện đa khoa huyện để cứu chữa.

Bước ngoặt y tế

Việc xây dựng được một trạm y tế ngay ở vùng Lòm mang lại nhiều tín hiệu vui cho cộng đồng người Mày, Khùa sống ở vùng xa này. Ông Khiên, trưởng bản Tà Vờng cho biết, người dân ở vùng này coi trạm y tế lâu nay là một khái niệm xa lạ. Bởi trạm y tế nằm xa quá. Dân bản đau ốm thì dùng cây rừng chữa trị. Mỗi lần ra trung tâm xã họp ông nghĩ nếu được ở gần trạm y tế thì cuộc sống dân bản chắc chắn sẽ được chăm sóc tốt hơn nhiều. Nay trạm y tế chỉ cách bản ông vài trăm mét, với ông là cả một niềm hy vọng. “Có đau ốm gì cũng chạy qua trạm để bác sĩ có máy móc chẩn bệnh và điều trị thì nhanh hơn lên rừng hái lá nhiều”, ông Khiên nói.

Ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, thông thường theo quy định thì một xã chỉ có một trạm y tế để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân nhưng vì nhiều bản trên địa bàn xã Trọng Hóa ở quá xa, đường sá đi lại khó khăn nên UBND huyện quyết định trích ngân sách để xây dựng thêm một trạm y tế cơ sở 2 tại bản Dộ. Trước mắt trạm được xây dựng theo hệ thống nhà cấp 4 gồm 5 phòng và được trang bị đầy đủ các thiết bị để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con. Hiện tại, UBND huyện đã triển khai xây dựng và dự kiến khoảng 2 đến 3 tháng nữa sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Về nhân lực thì huyện sẽ cử một số cán bộ y tế có năng lực từ các trạm trong toàn huyện đến đây để làm việc. Được biết, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã hứa sẽ hỗ trợ cho huyện Minh Hóa 2 chiếc xe cứu thương và huyện sẽ dành một chiếc cho trạm y tế cơ sở 2 ở bản Dộ để thuận tiện trong việc luân chuyển kịp thời bệnh nhân lên tuyến trên.

Theo ông Nhân thì sau khi trạm y tế này hoàn thành sẽ không chỉ phục vụ cho bà con ở vùng Lòm mà người dân ở một số bản gần đó cũng có thể đến điều trị thay vì phải đến trạm y tế trung tâm. Tổng số kinh phí để xây dựng trạm y tế cơ sở 2 ở bản Dộ là gần 3 tỷ đồng, trước mắt UBND huyện sẽ trích từ nguồn ngân sách để xây dựng sau đó sẽ trình lên UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ và vận động sự giúp đỡ từ các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh. “Xây dựng trạm y tế cơ sở 2 tại bản Dộ đã góp phần giải quyết được những khó khăn trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, khi có trạm y tế ở đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho bà con khi đau ốm, bệnh tật”, ông Nhân chia sẻ.

Lan Chi