.

Tâm sự vợ lính Trường Sa

Thứ Tư, 04/03/2015, 11:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn 20 năm về trước, người con ở xã biên giới Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Trương Văn Thủy lên đường, vượt sóng biển khơi ra với quần đảo Trường Sa. Cũng chừng ấy thời gian, chị Cao Thị Hường-vợ anh ở nhà chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái khôn lớn.

Anh Trương Văn Thủy sau đó chuyển qua học ngành Hải quân. Năm 1991, anh chị xây dựng gia đình rồi đến năm 1993, anh được cử ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ Nhà giàn DK1. Chị Hường nhớ lại: “Lúc anh đi tôi cũng buồn lắm! Cưới nhau về sống chưa kịp quen hơi bén tiếng thì anh đi học, rồi đi làm nhiệm vụ ở xa. Tôi ở nhà vẫn chưa kịp sinh con, lại phải chăm sóc gia đình nữa”. Những năm tháng đó, ngày đêm tưởng như dài hơn đối với người phụ nữ trẻ ấy. Cứ chiều về, chị tựa cửa hướng về biển nhớ chồng, mong từng cánh thư nơi đảo xa. Có khi một tháng, khi hai, ba tháng mới nhận được thư. 

Lãnh đạo tỉnh đến thăm và tặng quà cho gia đình chị Hường.
Lãnh đạo tỉnh đến thăm và tặng quà cho gia đình chị Hường.

Mãi đến năm 1997, trong một lần về phép, anh chị mới có với nhau đứa con trai đầu lòng. Lúc đó, người phụ nữ xa chồng ấy vô cùng hạnh phúc nhưng cũng rất vất vả vì phải một mình nuôi con. Sáu năm sau, anh chị lại có thêm đứa con trai thứ hai. Cuộc sống lúc đó lại thêm bộn bề gian khó. Thế nhưng, chị Hường vẫn một lòng yêu chồng, thương con. Để anh yên tâm công tác, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chị càng cố gắng nhiều hơn. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc, nuôi dạy hai đứa con ăn học, chị phải trồng ngô, trồng lạc và chăn nuôi...

Công việc gia đình vẫn còn nhiều vất vả, nhưng chị rất hạnh phúc và tự hào về gia đình. Hai đứa con của chị nay đã học lớp 12 và lớp 6. Em Trương Văn Thắng, con trai đầu chị Hường bộc bạch: “Cháu luôn tự hào vì có ba đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ở nhà, mẹ con cháu vất vả, khó khăn nhưng luôn động viên ba ở ngoài đó chắc tay súng giữ vững Tổ quốc. Giờ cháu cũng đang cố gắng học tập, mong rằng sau này sẽ được cùng ba ra đảo bảo vệ biển trời quê hương”.

Chị Hường gạt nước mắt nói tiếp lời con: “Vợ lính đã thiệt thòi rồi, còn vợ lính đảo càng thiệt thòi hơn gấp bội. May lắm mỗi năm chồng về nhà được một lần. Tết đến thì gia đình người ta sum họp, còn gia đình tôi chỉ có ba mẹ con. Nhưng khó khăn, thiếu thốn rồi cũng qua phải không chú? Tôi chỉ mong ba nó yên tâm công tác, giữ vững biển trời là mẹ con tôi yên tâm rồi. Bởi bên cạnh tôi vẫn còn 2 đứa con, bà con hàng xóm và các tổ chức đoàn thể thường xuyên đến động viên thăm hỏi”.

Xuân Vương