.

Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở Minh Hóa: Vẫn còn lắm khó khăn

Thứ Tư, 04/03/2015, 15:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ luôn được các cấp, các ngành huyện Minh Hóa quan tâm. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi vẫn đang là vấn đề trăn trở cho các cấp chính quyền huyện hiện nay.

Lắm cái khó

Hàng tháng, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa và các trạm y tế xã đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như trên loa truyền thanh, tư vấn tại nhà, lồng ghép qua các buổi họp thôn, bản... để chuyển tải những kiến thức dinh dưỡng cho người dân nâng cao khả năng chế biến bữa ăn khoa học cho trẻ, giảm thiểu số trẻ em bị duy dinh dưỡng. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn ở một số xã vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ không đồng đều nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Minh Hóa vẫn còn khá cao. Theo thống kê, năm 2014, huyện Minh Hóa có 5.111 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó, suy dinh dưỡng cân nặng là 1.130 trẻ (chiếm 26,06%), suy dinh dưỡng chiều cao là 1.684 trẻ (chiếm 32,9%).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Minh Hóa là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, điều kiện kinh tế gia đình còn thiếu thốn nên những đứa trẻ nơi đây thường thiếu chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày. Phong tục, tập quán thiếu khoa học từ xa xưa vẫn còn tồn tại như cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, mẹ nhai dặm cho con, có cho ăn rau củ quả nhưng không nhiều và không đều, các bậc cha mẹ thường cho trẻ ăn các thức ăn được chế biến chung cho cả gia đình vì thế nên bữa ăn của trẻ không có đủ các nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và các loại rau xanh giàu vi ta min.

Mặt khác, các bà mẹ thiếu kiến thức, thiếu thời gian chăm sóc con cái, một số bệnh thường gặp ở trẻ không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nên trẻ biếng ăn, chậm lớn. Số phụ nữ trong thời gian mang thai được bổ sung viên sắt thấp, cộng với chế độ ăn kém dinh dưỡng nên nhiều bà mẹ mang thai thường có nguy cơ thiếu máu, chất lượng sữa kém; tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thấp... Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Minh Hóa hiện nay

Chị Hồ Thị Keo, bản La Trọng I, xã Trọng Hóa cho biết: “Biết là con bị suy dinh dưỡng nhưng không biết làm sao, đang nhỏ thì cho bú sữa mẹ, khi cháu được khoảng 1 tuổi thì cho ăn cơm chung với gia đình, vì điều kiện gia đình còn khó khăn nên không có sữa cho cháu ăn dặm thêm ngoài nên cháu không lớn nhanh được”.

Trẻ em suy dinh dưỡng đang chiếm tỷ lệ khá cao ở khu vực miền núi.
Trẻ em suy dinh dưỡng đang chiếm tỷ lệ khá cao ở khu vực miền núi.

Hiện nay, xã Trọng Hóa và Dân Hóa là địa phương có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất của huyện Minh Hóa, hầu hết các cháu nhỏ đều rất ít được gia đình quan tâm, chăm sóc bữa ăn hàng ngày để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, giúp trẻ lớn nhanh và thông minh. Ở xã Trọng Hóa, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng khá cao, 35% trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng và 31,6% trẻ suy dinh dưỡng về chiều cao. Ở xã Dân Hóa, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng chiếm 30,3%; trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao chiếm 31,6%.

Dù cuộc sống của người dân Trọng Hóa và Dân Hóa mấy năm gần đây đã có nhiều thay đổi, kinh tế đã phát triển hơn trước, người dân đã nhận thức được nguồn dinh dưỡng cần thiết cho con nên số lượng trẻ suy dinh dưỡng của hai xã trên đã giảm. Tuy nhiên, hộ nghèo, vẫn chiếm khá cao, đời sống khó khăn, nên trẻ em nơi đây chưa được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Để giảm thiểu số trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi vẫn đang là vấn đề “làm khó” cho chính quyền nơi đây.

Cần giải pháp thực hiện toàn diện

Để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn, thời gian qua, huyện Minh Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án để tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng tại thôn bản; tư vấn truyền thông về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và có con nhỏ dưới 5 tuổi; tổ chức thực hành chế biến bữa ăn mẫu; thành lập các câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các đợt vệ sinh thôn bản, phun thuốc fenona chống muỗi; phối hợp với các trường mầm non thực hiện công tác phòng chống các bệnh mùa đông, hạn chế tình trạng trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.

Bác sỹ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng huyện Minh Hóa cho biết: Trong phòng, chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, chúng tôi luôn chú trọng việc truyền thông cung cấp kiến thức và thực hành dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Theo kế hoạch, một tháng một lần trạm y tế tổ chức cân trẻ và chấm biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ dưới 3 tuổi. Bên cạnh đó, cán bộ y tế chú ý việc phát hiện những trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng để tư vấn với gia đình về cách chăm sóc, cách nuôi dưỡng, cũng như quan tâm điều trị những bệnh có thể gây suy dinh dưỡng đối với trẻ như tiêu chảy, sởi...

Ðể giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trong thời gian tới, theo bác sĩ Phượng thì cần tăng cường truyền thông - giáo dục sức khỏe đến từng người dân, trong đó chú ý đến các nhóm phụ nữ mang thai, phụ nữ có con nhỏ bị suy dinh dưỡng. Chú trọng tuyên truyền các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú đến khi trẻ được 18 tháng hoặc 24 tháng tuổi. Tích cực dự phòng và điều trị các bệnh có thể gây suy dinh dưỡng cho trẻ em. Xây dựng các mô hình, câu lạc bộ dinh dưỡng hợp lý, thiết thực tại các thôn, bản, như CLB phòng chống suy dinh dưỡng để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ em.

Với địa phương có trên 28% là hộ nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn như ở huyện Minh Hóa thì việc bảo đảm cho trẻ em được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế đã trở thành vấn đề khó được giải quyết trong khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, để giúp huyện Minh Hóa phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi duy dinh dưỡng luôn cần có sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Thanh Hoa