.
Chuyện tuần này:

Để... giữ chân người dân!

Thứ Hai, 16/03/2015, 14:06 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Tại hội nghị về tuyên truyền phòng, chống ma túy ở một xã biển nọ, trong khi thuyết trình viên đang cần mẫn trình bày cho bà con thấy tác hại của ma túy đối với cộng đồng và những cách thức hữu ích phát hiện sớm dấu hiệu nghiện ma túy ở con em mình thì anh cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã như đang “ngồi trên đống lửa”.

Hóa ra anh đang lo lắng, không biết hội nghị lần này của tỉnh về tổ chức tại xã có “chế độ” cho bà con không. Xã có 8 thôn, mỗi thôn cử đi 15 người tham gia hội nghị, vị chi là 120 người. Anh bảo, nếu hội nghị lần này mà không có hỗ trợ cho bà con thì những lần sau, có mời, gọi khẩn thiết, sợ chẳng có ai để ý. Đến gần cuối hội nghị, anh thở phào, nhẹ nhõm, tươi tỉnh hẳn, bởi mỗi người dân đến tham dự đều có “chế độ”. 

2. Khóa đào tạo nghề ngắn ngày cho lao động nông thôn triển khai ở xã A luôn duy trì tỷ lệ học viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc. Ấy vậy, sau khi khóa học kết thúc, lại rất hiếm hoi người dân chủ động, mạnh dạn đưa nghề được học vào cuộc sống mưu sinh, mặc dù nghề này gắn bó trực tiếp với đời sống bà con, cũng không phải là nghề quá mới hay không phù hợp.

Qua tìm hiểu được biết, đối với một số người dân, vẫn tồn tại tâm lý thấy được hỗ trợ thì theo học, chưa có định hướng, xác định lâu dài đối với nghề. Oái oăm còn có một số trường hợp đăng ký tham gia nhiều khóa học nghề, học xong lại để đó. Thực tế này khiến việc bảo đảm tính bền vững trong đào tạo ngành nghề nông thôn gặp không ít khó khăn.

Thực tế cho thấy, đối với nhiều chương trình, dự án, mặc dù đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân, nhưng nhiều khi, chính một số bà con lại chưa nhận thức rõ được những lợi ích lâu dài, mà chỉ mới quan tâm đến một vài kết quả trước mắt. Tuy nhiên, lật ngược vấn đề cũng phải xem xét lại khâu tuyên truyền, vận động của chính quyền, đơn vị liên quan đã thấu đáo, đến nơi đến chốn chưa. 

Quảng Hạ