.

Hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Tiềm ẩn những nguy cơ- Kỳ 2

Thứ Năm, 12/03/2015, 14:22 [GMT+7]

Kỳ 2: Chuyện những đứa trẻ không được khai sinh

>> Hôn nhân có yếu tố nước ngoài: Tiềm ẩn những nguy cơ- Kỳ 1

(QBĐT) - Chưa làm thủ tục ly hôn với chồng người nước ngoài, nhiều phụ nữ khi trở về Việt Nam không chỉ gặp gian nan trong xây dựng hạnh phúc mới mà những đứa trẻ do họ sinh ra cũng rất khó khăn để có được tờ giấy khai sinh theo đúng pháp luật. Điều này dẫn đến một thực tế đau lòng ở các xã biển với không ít đứa trẻ đã 3, 4 tuổi nhưng vẫn chưa làm được giấy khai sinh-quyền cơ bản nhất của trẻ em. Về lâu về dài, khi các cháu bước sang tuổi đến trường, sẽ còn nhiều rắc rối hơn trong các thủ tục, giấy tờ.

Không ly hôn được với chồng nước ngoài, người phụ nữ này không thể đăng ký kết hôn với chồng Việt và sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm đăng ký khai sinh cho con sau này.
Không ly hôn được với chồng nước ngoài, người phụ nữ này không thể đăng ký kết hôn với chồng Việt và sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm đăng ký khai sinh cho con sau này.

Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, vừa mới sinh con được 2 tháng, chị Lan (nhân vật xin được giấu tên) lặn lội đi cùng cha từ thôn Thanh Danh, Thanh Trạch, Bố Trạch đến Tòa án nhân dân tỉnh để xin được tư vấn làm thủ tục ly hôn với chồng mình-một người Hàn Quốc. Cha chị rầu rĩ chia sẻ, chị Lan sinh năm 1992, cách đây vài năm, sau khi học xong THPT, qua mai mối của người bà con ở Hàn Quốc, chị quyết định nên duyên với một anh chồng người Hàn Quốc và sau đó qua Hàn Quốc sinh sống, làm việc. Sự khác biệt quá lớn về ngôn ngữ, văn hóa khiến vợ chồng xa cách, nảy sinh mâu thuẫn, chị trở về Việt Nam và mọi liên lạc với gia đình chồng đều bị cắt đứt từ đây. Về lại quê hương, chị lập gia đình với một thanh niên cùng thôn. Tuy nhiên, do chưa làm thủ tục ly hôn với chồng người nước ngoài, nên chị Lan không thể đăng ký kết hôn với “người chồng” mới và bé gái do chị sinh ra cùng “người chồng” thứ 2 rất khó để làm giấy khai sinh.

Chị Lan giải thích, khi làm giấy khai sinh cho bé, phần tên cha sẽ là tên của người chồng Hàn Quốc, còn “người chồng” hiện tại, do chưa có đăng ký kết hôn, nên không thể ghi vào phần tên cha. Tất nhiên, gia đình nhà “chồng” Việt không bao giờ đồng ý điều này. Nay, chị được cha đưa đến Tòa án nhân dân tỉnh tư vấn, làm thủ tục ly hôn với chồng Hàn Quốc, để có thể làm giấy khai sinh cho con, dù biết rất khó khăn bởi tìm anh chồng nước ngoài này giờ như “mò kim đáy biển”.

Cũng lâm vào tình trạng tương tự như chị Lan là chị N.T.N ở thôn Thanh Hải, Thanh Trạch, Bố Trạch. Lấy chồng Hàn Quốc không thành vào năm 2008, năm 2010, chị lập gia đình với người cùng thôn và đã có 2 cháu. Tuy nhiên, do chưa ly hôn với người chồng Hàn Quốc, chưa đăng ký kết hôn với “người chồng” thứ hai, cho nên mặc dù cháu đầu chuẩn bị tròn 3 tuổi, cháu thứ hai được gần 6 tháng tuổi nhưng đều chưa làm được giấy khai sinh. Điều này đồng nghĩa với việc các quyền lợi của hai cháu, như: bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh..., đều không được bảo đảm. Mong muốn lớn nhất của gia đình chị N là sớm có những thay đổi trong các quy định của pháp luật để làm khai sinh cho hai cháu, bởi chỉ còn vài năm nữa thôi, các cháu sẽ đến tuổi đi học.

Bé gái chuẩn bị bước sang tuổi thứ 3 ở thôn Thanh Hải, Thanh Trạch (Bố Trạch) nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh.
Bé gái chuẩn bị bước sang tuổi thứ 3 ở thôn Thanh Hải, Thanh Trạch (Bố Trạch) nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng thôn Thanh Hải lo ngại cho biết, thôn Thanh Hải hiện có 7 cháu chưa làm được giấy khai sinh vì nguyên nhân này, cháu lớn nhất cũng gần 4 tuổi. Tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân các cấp, ông Hồng đều đề xuất mong có sự giải đáp từ các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa thấy hồi âm. Theo anh Nguyễn Minh Tân, cán bộ Tư pháp-Hộ Tịch xã Thanh Trạch, đã có 12 trường hợp đến UBND xã hỏi về thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh cho trẻ khi cha hoặc mẹ vẫn chưa ly hôn với vợ, chồng nước ngoài như thế này và đều được hướng dẫn đến Sở Tư pháp để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Hiện tại, xã vẫn chưa có trường hợp cháu nào đến tuổi đi học mà chưa có giấy khai sinh, nhưng chỉ tầm từ 2-3 năm nữa, tình trạng này sẽ không còn là hiếm.

Trước thực tế khó khăn đó, không ít chị em phụ nữ sau khi tan vỡ hôn nhân với người nước ngoài, trở về Việt Nam, rất ngại ngần khi xây dựng hạnh phúc mới hoặc sinh con. Năm 2010, chị V.T.N (SN 1989, Nhân Trạch, Bố Trạch) qua mai mối kết hôn với người chồng Hàn Quốc, do nhiều lý do khách quan, chủ quan, hôn nhân tan vỡ nhưng không làm được thủ tục ly hôn. Trở về Việt Nam, năm 2014, chị N nên duyên với người cùng thôn, tuy nhiên vẫn chưa đăng ký kết hôn vì đang chờ làm thủ tục ly hôn. Đã nộp hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả, chị N đang rất lo lắng bởi nếu bây giờ chị quyết định sinh con, việc đăng ký khai sinh sẽ khó thực hiện được.

Bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, chưa có trường hợp nào tìm đến Sở Tư pháp để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho trẻ em khi cha hoặc mẹ có hôn nhân liên quan đến yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã cũng chưa có sự hướng dẫn kịp thời cho bà con để tránh sự hoang mang, lo lắng. Luật pháp Việt Nam tạo mọi điều kiện tối đa để bảo đảm quyền lợi của trẻ ngay khi được sinh ra, mà quan trọng nhất chính là đăng ký làm giấy khai sinh cho trẻ.

Để có được những kiến thức cơ bản về các thủ tục hành chính liên quan đến hôn nhân, gia đình một cách nhanh chóng, đơn giản nhất, người dân có thể truy cập trang web www.tthc.quangbinh.gov.vn để tìm hiểu thêm thông tin.

Theo bà Giám đốc Sở Tư pháp, trước mắt, các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong quá trình này cần đến phòng nghiệp vụ Sở Tư pháp để được tư vấn, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Giải pháp tốt nhất hiện nay khi người cha hoặc người mẹ vẫn chưa ly hôn với người nước ngoài, lại có con với người Việt mà chưa có đăng ký kết hôn và muốn đăng ký khai sinh cho con là xét nghiệm ADN để tránh những kiện tụng, tranh chấp sau này giữa các bên. Sau khi có kết quả ADN xác nhận anh người Việt chính là cha đứa trẻ và giữa các bên cha, mẹ không có tranh chấp, mâu thuẫn gì, gia đình có thể đến UBND xã làm đồng thời hai thủ tục nhận cha, mẹ, con và đăng ký giấy khai sinh cho trẻ. Lúc này, phần tên cha, tên mẹ có thể ghi được rõ ràng dựa trên kết quả xét nghiệm của ADN. Một giải pháp khác trong trường hợp người mẹ chưa ly hôn với chồng nước ngoài, về nước, sinh con với người đàn ông khác, có thể đến UBND xã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú. Nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Mai Nhân