.

Vì sao tỷ lệ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh cao so với mức bình quân chung cả nước ?

Thứ Năm, 11/12/2014, 08:05 [GMT+7]

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2014 có 3 chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra không đạt, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình xung quanh vấn đề: Vì sao tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh cao so với mức bình quân chung cả nước và các tỉnh lân cận, giải pháp để hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế trả lời như sau:

Trong thời gian qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em ở tỉnh ta đã được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Y tế. Vì vậy, hầu hết các kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tỉnh giai đoạn 2001 - 2010 đã đạt chỉ tiêu đề ra như tỷ lệ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ em dưới 5 tuổi giảm nhanh và liên tục từ 45,9% năm 2000 xuống còn 23,6% năm 2010, tốc độ giảm bình quân 2,2%/năm.

Tuy vậy, tốc độ giảm bình quân hàng năm trong những năm gần đây có xu hướng chậm lại (1,7% năm 2011; 0,9% năm 2012 và 1,2% năm 2013, dự kiến 0,8% năm 2014). Với tốc độ này, nếu không tập trung đồng bộ các giải pháp sẽ khó đạt được mục tiêu < 18% vào năm 2015 và < 12% vào năm 2020 cũng như khó đạt được mục tiêu đưa về ngang bình quân chung của cả nước (15,3%).

Nguyên nhân do xuất phát điểm tỷ lệ SDD của tỉnh ta cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận cũng như bình quân chung cả nước. Theo số liệu điều tra năm 1999 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi ở Quảng Bình là 51,5%; Hà Tĩnh là 44,2%; Quảng Trị: 39,2%; Thừa Thiên – Huế: 34,7%; bình quân chung của cả nước là 36,7%. Hệ quả là mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng Quảng Bình vẫn chưa đạt được mục tiêu ngang bình quân chung của cả nước và vẫn còn cao hơn các tỉnh trong khu vực. Hơn nữa, trong những năm qua, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống SDD đều cắt giảm, kinh phí can thiệp cho các đối tượng là trẻ em bị SDD không còn; kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận đối với việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống SDD trẻ em chưa thực sự quyết liệt; sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể chưa cao...

Giải pháp hạn chế SDD trẻ em là, tăng cường chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp để thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, chú ý giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cả thể thấp còi và thể cân nặng theo tuổi.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chỉ thị, các chính sách quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; phối hợp thực hiện công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các trường học; thực hiện tốt chính sách nghỉ thai sản hợp lý, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Hàng năm có nguồn kinh phí hỗ trợ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương nhằm can thiệp trực tiếp vào đối tượng trẻ em SDD; hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyến xã và lực lượng cộng tác viên dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương để chi bổ sung cho các hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt nguồn kinh phí để can thiệp trực tiếp cho trẻ em < 5 tuổi. Đây là giải pháp quan trọng nhất trong các giải pháp nhằm hạ nhanh và bền vững tỷ lệ SDD trẻ em. Hiện nay Quảng Bình có khoảng 1.500 trẻ dưới 5 tuổi SDD, trong đó 97% SDD độ I, nếu tập trung can thiệp vào nhóm đối tượng này khả năng sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, tranh thủ nguồn hỗ trợ của các dự án hợp tác quốc tế với hoạt động của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính, kêu gọi sự ủng hộ và quan tâm giúp đỡ các hoạt động cũng như cung cấp nguồn thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng cao phục hồi dinh dưỡng cho số trẻ em đang bị SDD cấp, từng bước tăng mức đầu tư cho công tác phòng chống SDD.

Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ của trẻ em cho mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục thực hiện giáo dục dinh dưỡng về thể chất trong hệ thống trường học hệ mầm non. Xây dựng và triển khai chương trình Dinh dưỡng học đường, Nha học đường. Từng bước thực hiện thực đơn tiết chế dinh dưỡng và sữa học đường cho lứa tuổi mầm non và tiểu học...

TR.T (thực hiện)