.

Con chữ gieo giữa đại ngàn Trường Sơn... nặng lắm!

Thứ Bảy, 13/09/2014, 12:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch)... đại ngàn vẫn xanh, một màu xanh huyền bí và đầy sức sống. Sâu giữa đại ngàn, cuộc sống của đồng bào Ma Coong vẫn thế, nghèo nàn, lạc hậu đến se thắt, quặn lòng. Hỏi những người mẹ Ma Coong về từng đứa con rứt ruột đẻ ra, họ lắc đầu chẳng biết con mình mấy tuổi, không nhớ con học lớp mấy. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì nhớ làm chi. “Thôi! Cứ nhờ Đảng, Nhà nước... nhờ thầy giáo. Cơm áo Nhà nước giúp, mình cảm ơn. Cái chữ thầy giáo cho, mình cũng cảm ơn. Mà ơn với đồng bào rồi thì ơn cho trọn luôn nhớ”. Ơn cho trọn tình, trọn nghĩa với đồng bào, người thầy trước mỗi mùa tựu trường phân công nhau đi từng nhà, đón từng em học sinh. Cái sự học của trẻ em Ma Coong giao hết cho thầy. Nên chi con chữ gieo giữa đại ngàn Trường Sơn... nặng lắm!

 

Học sinh tiểu học bản Cờ Đỏ.
Học sinh tiểu học bản Cờ Đỏ.

Cơm chưa đủ no, lo sao được cho con trước mùa tựu trường

Một bà mẹ ngoài 30 tuổi bấm ngón tay kể tên: Y Moan, Y Đoan, Y Chứt, Y Đứt, Y Chữ... mới biết mình có đến 11 đứa con. Người phụ nữ 21 tuổi ngồi kế bên rít điếu thuốc sâu kèn khoe mình đẻ tới 6 đứa, chồng bỏ nhà đi không biết mấy mùa rẫy trôi qua. Con chị đứa lớn nhất bảy tuổi, đứa nhỏ nhất nằm gọn trong lòng mẹ, miệng ngậm chặt đầu bầu vú lép chăm chỉ bú sữa, không gian đặc quánh mùi thuốc lá khét lẹt...

Đó là những hình ảnh chúng tôi bắt gặp đầu tiên tại bản Cờ Đỏ sau khi đi bộ chừng hơn ba cây số theo con đường độc đạo giữa rừng lổm nhổm đá sỏi. Cờ Đỏ được xem là một bản văn minh nhất, giàu truyền thống cách mạng nhất trong 18 bản đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch.

Tại đây có một điểm trường mầm non gồm 36 cháu và Trường TH số 2 Thượng Trạch, mọi người thường hay gọi là Trường TH Cờ Đỏ với 203 học sinh. Trường TH số 2 Thượng Trạch đến 10 điểm trường: Cờ Đỏ, Bụt, Nồng Cũ, Nồng Mới, Km 51, Chăm Pu, Km 61, Tuộc, Troi, A Ki. Điểm xa nhất là Troi và A Ki, đi bộ mất gần ngày đường.

Sinh đẻ nhiều, đàn ông thường hay bỏ bản mà đi, để lại cho những người đàn bà Ma Coong con đùm, con địu nặng trĩu hai vai, không cất mặt lên khỏi bóng núi. Ngoài trợ cấp của Nhà nước là nguồn sống chủ yếu, bản Cờ Đỏ hay 17 bản khác trong xã Thượng Trạch, đồng bào sống dựa vào rừng, làm lúa rẫy, trồng sắn, hái măng, săn con ong lấy mật... Cuộc sống hồn nhiên như cây cỏ, không thay đổi nhiều so với trước đây.

Y Quyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Trạch tâm sự: “Đàn bà Ma Coong khổ đủ đường, mười lăm mười sáu tuổi bị đàn ông bắt về làm vợ. Rồi cứ thế sinh đẻ, bụng lúc nào cũng thấy chửa vượt mặt. Cán bộ dưới xuôi đừng hỏi con cái họ sinh năm mô. Không ai biết, ngay tuổi mình cũng không biết. Con cái nheo nhóc, sinh tồn theo lẽ tự nhiên, bố mẹ đi rừng, lên rẫy. Mùa tựu trường... phó mặc cho thầy cô giáo”. Trẻ Ma Coong đến trường chân đất, đầu đội nắng, áo quần nhếch nhác và... hành trang cho năm học mới chỉ là hai bàn tay trắng!

Y Yên, người mẹ của 11 đứa con tôi vừa gặp, tiếng Kinh đứt gãy: “Nghèo! Không biết lấy chi lo cho con đi học mô. Cứ nhờ Đảng, Nhà nước... nhờ thầy giáo". Hỏi Y Yên có nhớ những con mình năm nay học lớp mấy không? Hồn nhiên cười... lắc đầu! Y Vưng từ ngày chồng bỏ, 6 đứa con lít nhít bữa no, bữa đói với mẹ. Chị đẻ năm một sòn sòn... đứa lớn vào lớp một, đứa bé nhất, sáng nay nằm trước ngực mẹ, nhay nhay bầu vú khô khốc, cùng mẹ đưa anh đến trường.

Con chữ gieo giữa rừng... nặng lắm!

Thầy giáo Võ Anh Tuân, Hiệu trưởng Trường TH số 2 Thượng Trạch cho biết: “Năm học 2014- 2015, toàn trường có 203 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên 37 người, cắm đều cho 10 bản. Từ ngày 10- 8, các thầy, các cô đã lên lại trường đi tìm học sinh, chuẩn bị cho năm học mới. Hàng năm, cán bộ nhà trường bằng các mối quan hệ đi xin các cá nhân, tập thể hảo tâm áo quần, sách vở, đồ dùng học tập về cho học trò của mình”.

Điểm trường trung tâm tại bản Cờ Đỏ khá khang trang với một dãy nhà hai tầng kiên cố, vừa đưa vào sử dụng. Học trò từ bản ra tới trường cũng phải đi bộ mất 2 cây số, qua một ngầm nước rất nguy hiểm.

Trước đây, ngầm được bê tông nhưng nước suối hỗn quá, chỉ mấy mùa lũ đã bị cuốn trôi mất. Trường khang trang chỉ dáng vẻ bên ngoài, còn bên trong thì... thiếu thốn trăm bề: không điện, thiếu thiết bị, đồ dùng học tập, không internet, chẳng sóng điện thoại... thế giới bản Cờ Đỏ và ngôi trường tiểu học dường như tách biệt hẳn với bên ngoài.

Nhóm thiện nguyện Quảng Bình trao quà cho học sinh Trường TH Cờ Đỏ.
Nhóm thiện nguyện Quảng Bình trao quà cho học sinh Trường TH Cờ Đỏ.

Tổng số học sinh TH điểm bản Cờ Đỏ 42 em, trong đó lớp một 9 em, lớp hai 8 em, lớp ba 8 em, lớp bốn 9 em và lớp năm 8 em. Cấp học mầm non huy động cho năm học mới 36 cháu. Cắm bản dạy mầm non là hai cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh quê xã Hạ Trạch và Hoàng Thị Kiều, người xã Lâm Trạch.

Phó Hiệu trưởng Trường TH Cờ Đỏ, thầy giáo Trương Văn Lãm chân tình khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi: “Tất cả giáo viên đều từ miền xuôi lên, năm nào huy động tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100% là thầy cô hạnh phúc lắm. Các em đi học trở thành niềm vui, nguồn động viên hết sức to lớn đối với nhà trường. Do đặc thù vùng sâu, vùng xa rất khó khăn nên ở đây chuyện dạy và học cũng mang nét riêng biệt so với dưới xuôi, thầy cô lên lớp mười một ngày liên tục, sau đó được nghỉ bốn ngày. Bốn ngày về thăm gia đình mà thực ra chỉ còn ba, mất một ngày đi đường”.

Vào đầu năm học mới, thầy cô trở lại trường, việc đầu tiên là đi tìm học trò. Sau ba tháng hè, trẻ Ma Coong hồn nhiên, theo bố mẹ lên rẫy, lên nương, vào rừng hái măng, săn ong tìm mật... “quên” mất cái chữ, quên luôn lối đến trường. Thương học trò, thầy cô đến từng nhà động viên, dỗ dành. Bản Cờ Đỏ chỉ có 45 hộ dân vậy mà mất gần hết tháng 8, thầy cô mới “gom” đủ học trò. Tôi ngồi giữa những đứa trẻ Ma Coong hồn nhiên, háo hức ngày đầu tiên tựu trường. Chúng vui vì chắc chắn ở cái buổi đầu tiên ấy thầy cô giáo sẽ phát quà.

Cậu bé Đinh Em, học sinh lớp năm, tiếng Kinh chưa sỏi bảo: “Đến trường thích lắm! gặp lại thầy cô giáo dưới xuôi”. Cô bé Y Niên, học sinh lớp bốn hứa rằng sẽ cố gắng học giỏi. Khi tôi hỏi “Học giỏi để làm gì?”, em lắc đầu... “Ơ! Không biết”. Mà các thầy đã kỳ vọng, đã không biết bao nhiêu lần dạy trò Ma Coong rồi chứ! Học chăm, nói cho rành tiếng Kinh, mai này lớn lên trở thành người có ích cho bản làng. Đừng như ba mẹ, anh chị thất học, sống trong nghèo đói, lạc hậu. Dạy thế rồi, nhớ đó rồi, ba tháng hè xa trường, lại quên!

Con chữ gieo giữa rừng, ở khắp 18 bản làng Ma Coong xã biên giới Thượng Trạch vì thế mà nặng lắm. Nặng tình, nặng nghĩa, nặng trách nhiệm... gánh nặng này giao hết cho  người thầy.

Nhằm chia sẻ những khó khăn vất vả của thầy và trò cùng bà con bản Cờ Đỏ, đầu năm học mới 2014-2015, nhóm thiện nguyện từ Quảng Bình và thủ đô Hà Nội đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh Trường TH Cờ Đỏ và điểm trường mầm non của bản.

Những món quà thiết thực như áo quần đồng phục mới, sách vở, đồ dùng học tập... giúp những đứa trẻ Ma Coong có đủ hành trang bước vào năm học mới.

Ngô Thanh Long