.

Học sinh đi học từ... 4 giờ sáng vì phải "lụy đò"

Thứ Năm, 11/09/2014, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là thực tế buồn vẫn diễn ra hàng ngày tại các thôn Cao Trạch, Sảo Phong và Mã Thượng của xã Phong Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa. Dù khoảng cách từ các thôn này đến trường học chỉ hơn cây số, nhưng do phải “lụy đò” để qua sông Gianh, từ nhiều năm qua, hàng trăm học sinh nơi đây đã phải quen với việc đi học từ… 4 giờ sáng.

rong số 7 thôn hiện có của xã Phong Hóa thì có 3 thôn bị chia cắt với trung tâm xã bởi dòng sông Gianh. Đó là các thôn Cao Trạch, Sảo Phong và Mã Thượng với 637 hộ dân và trên 3.000 nhân khẩu. Mặc dù được đánh giá tốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Tuyên Hóa, tuy nhiên, từ nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo xã và người dân Phong Hóa, đặc biệt là các thôn nói trên vẫn luôn tha thiết chờ mong có một cây cầu để thu hẹp khoảng cách với trung tâm xã.

Được biết, hiện tại ở 3 thôn này đã có các trường tiểu học, mầm non nên công tác dạy học đối với các bậc học này tạm ổn định, dù đa số giáo viên hàng ngày đều phải qua đò để đến lớp. Riêng đối với hơn 600 học sinh bậc THCS và THPT thì chuyện đến trường là không hề đơn giản.

Ông Trần Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Hiện tại, xã đã hợp đồng với một hộ dân có đò để chuyên chở học sinh qua sông. Nhưng do mỗi chuyến chỉ chở được khoảng hơn 30 học sinh, nên phải mất rất nhiều thời gian hơn 600 học sinh ở các thôn này mới có thể đến được lớp. Nếu tính mỗi chuyến đò ngang mất 10 phút, thì phải mất đến 20 chuyến với tổng thời gian hơn 3 giờ đồng hồ, hơn 600 học sinh của các thôn Cao Trạch, Sảo Phong và Mã Thượng mới đến được lớp học. Điều đó đồng nghĩa với việc học sinh phải đi học từ... 4 giờ sáng”.

Cảnh đợi đò thường thấy của học sinh ở các thôn Sảo Phong, Mã Thượng và Cao Trạch, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa).
Cảnh đợi đò thường thấy của học sinh ở các thôn Sảo Phong, Mã Thượng và Cao Trạch, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa).

Đấy là chuyện của ngày thường, còn vào mùa mưa, hơn 6 giờ trời mới sáng và 5 giờ chiều là trời đã bắt đầu tối nên hầu hết học sinh khi đi học vào buổi sáng hoặc đi học về vào buổi chiều thường phải có phụ huynh mang theo đèn pin ra đón tận bến đò. Chưa hết, thời điểm mưa lũ, tất cả học sinh ở các thôn này đều phải nghỉ học dài ngày vì nước sông Gianh chảy xiết, đò ngang không hoạt động được.

Ông Trần Xuân Lựu, 66 tuổi ở thôn Sảo Phong cho biết: Đã có không ít những chuyện dở khóc dở cười của người dân các thôn này xảy ra khi có người nhà không may sinh nở hoặc đau ốm vào thời điểm mưa lũ. Đò ngang không dám qua sông nên người bệnh không được cứu chữa kịp thời.

Đến bây giờ, người dân các thôn Cao Trạch, Sảo Phong và Mã Thượng vẫn nói vui rằng, nhà ai có xe máy thì cũng không cần phải cất giữ trong nhà vào buổi tối bởi kẻ gian nếu có lấy thì cũng không thể đưa ra khỏi địa bàn. Đò ngang là “cửa ngõ” đi ra bên ngoài duy nhất của các thôn này. Bởi thể, người lái đò mặc nhiên trở thành gác cổng.

Cũng theo ông Chủ tịch UBND xã, các thôn Cao Trạch, Mã Thượng và Sảo Phong là những đơn vị thực hiện rất tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí giao thông nông thôn. Đã có rất nhiều hộ dân nơi đây tình nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ở, đất vườn để thực hiện xây dựng nông thôn mới theo chủ trương chung.

Tiêu biểu như hộ gia đình ông Phạm Ngân ở thôn Mã Thượng hiến trên 200m2 đất ở, hộ ông Ngô Hòa ở thôn Sảo Phong hiến hơn 100m2  đất vườn... Chính những hộ gia đình này ở các thôn vốn bị chia cắt đã góp phần không nhỏ cùng với chính quyền xã Phong Hóa thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới.

Có một chi tiết nữa là, mặc dù phải chịu nhiều “thiệt thòi” hơn so với các thôn khác, nhưng người dân nơi đây luôn có ý thức cao trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ nhiều năm nay, tình hình an ninh trật tự thôn xóm luôn bảo đảm, các phong trào thi đua, các cuộc vận động luôn được người dân tích cực hưởng ứng, đạt kết quả cao.

Mong ước thiết tha hiện nay của người dân các thôn Cao Trạch, Mã Thượng và Sảo Phong, cũng như chính quyền xã Phong Hóa là sớm được Nhà nước đầu tư xây dựng một cây cầu (có thể là cầu treo) để giảm bớt những khó khăn từ bao đời mà người dân phải đối mặt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền xã trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nguyễn Hoàng