.

Biệt động Hai Đường và trận đánh ngày giáp Tết

Thứ Hai, 03/02/2014, 17:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cán bộ, chiến sĩ Đội trinh sát vũ trang B5 (Khu Sài Gòn-Gia Định) đã có dịp tiếp cận những hồ sơ của Tổng nha Cảnh sát và Cục An ninh Quân đội Sài Gòn. Họ chợt mỉm cười khi nhận thấy trong bản phúc trình về “Vụ mưu sát tướng Nguyễn Văn Kiểm” đầu năm 1969, tên họ của mình đã bị kẻ địch sử dụng gắn với các cụm từ “can phạm” và “kẻ gây rối”. Đó là vụ việc từng gây chấn động nội đô Sài Gòn vào những ngày giáp Tết Kỷ Dậu 1969…

 

Ông Lê Việt Bình, một trong bốn chiến sĩ trực tiếp tham gia diệt trừ tướng Nguyễn Văn Kiểm.
Ông Lê Việt Bình, một trong bốn chiến sĩ trực tiếp tham gia diệt trừ tướng Nguyễn Văn Kiểm.

Chúng tôi tìm gặp một nhân chứng quan trọng trong số các chiến sĩ Đặc công Thành thuộc Đội trinh sát vũ trang B5 (Ban An ninh T4, Khu Sài Gòn-Gia Định). Ông là Lê Việt Bình (bí danh Hai Đường), người con của vùng quê Hưng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình).

Khi vừa tròn 20 tuổi và tốt nghiệp hệ phổ thông 7/10, Lê Việt Bình được Công an Đặc khu Vĩnh Linh tuyển dụng vào lực lượng công an nhân dân vũ trang. Sau đó, ông có gần hai năm vào Nam trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ. Dịp Tết Nguyên đán 1966, Lê Việt Bình được cử ra Bắc dự khóa Đặc công Thành do BộTư lệnh Công an nhân dân vũ trang tổ chức.

Sau gần một năm học tập, chàng đặc công trẻ đã được trang bị các nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động để trở vào Nam chiến đấu lần thứ hai. Tháng 10-1966, ông có mặt trong đoàn cán bộ của Bộ Công an lên đường vào Nam chi viện cho chiến trường B2 và được phân công về đơn vị trinh sát vũ trang B5. Đây là một đơn vị có nhiệm vụ trừ gian, diệt ác, tập trung vào các đối tượng phản động cao cấp ngay tại nội đô Sài Gòn.

Để tạo vỏ bọc hợp pháp, ông được phân công vào hoạt động trong nội thành, móc nối và cư trú tại một gia đình cách mạng tên Quý làm nghề đạp xích lô tại khu vực Phú Lâm và sử dụng giấy tờ giả do Ban An ninh T4 làm. Lê Việt Bình với tên gọi Lê Xuân Đường (bí danh Hai Đường) hằng ngày hành nghề hớt tóc dạo bằng xe đạp để kiếm sống, đồng thời để che mắt địch và thông thuộc đường sá. Bước vào Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Hai Đường đã tiếp nhận vũ khí và được cấp trên phân công cùng đồng đội hỗ trợ cho lực lượng địa phương tiến công và nổi dậy.

Khi được hỏi: “Trong những ngày làm nhiệm vụ ở nội đô Sài Gòn, đâu là trận đánh để lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất?”, ông Lê Việt Bình bảo rằng: “Đáng nhớ nhất là trận đánh vào những ngày giáp Tết Kỷ Dậu 1969, khi chúng tôi tham gia trận đánh tiêu diệt viên tướng ngụy Nguyễn Văn Kiểm”.

Rồi ông kể, vào thời điểm nửa cuối tháng 1-1969, đặc công Hai Đường được cấp trên giao nhiệm vụ thực hiện một kế hoạch diệt ác trừ gian để duy trì phong trào đô thị của Thành ủy Sài Gòn-Gia Định. “Mục tiêu diệt trừ khi đó là thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng An ninh Biệt bộ Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Các thành viên tham gia trận đánh gồm: Nguyễn Văn Cạn, Trần Hoàng Sinh, Võ Anh Đồng và tôi”, ông Bình nhớ lại.

Đặc công B5 đề ra hai phương án đánh Nguyễn Văn Kiểm. Phương án 1 là tiêu diệt y ngay tại nhà riêng ở 151 đường Nguyễn Thông, quận 3, nhưng qua nghiên cứu thấy phương án này rất khó thực hiện bởi nhà Kiểm có nhiều lính bảo vệ cẩn mật, xung quanh nhà lại có hàng rào thép gai chắc chắn, điện thắp sáng suốt đêm. Phương án 2 là đợi Kiểm đi ra khỏi nhà, ta cử người bám theo, thời cơ thuận lợi sẽ tiêu diệt. Phương án này không đòi hỏi nhiều người tham gia, không cần sử dụng nhiều vũ khí, lúc đánh xong ta có thể dễ dàng rút lui an toàn. Sau khi phân tích kỹ lưỡng, chỉ huy B5 đã quyết định sử dụng phương án 2.

Trước khi thực hiện, ta bố trí người trinh sát, nắm quy luật đi lại hằng ngày của Nguyễn Văn Kiểm. Chỉ huy phó Tư Hổ đã nhiều lần trực tiếp ngồi trên xe máy cùng Út Cạn (biệt động của ta đang hoạt động trong vỏ bọc là lính quân dịch của địch) tới ngã tư đường Nguyễn Thông-Phan Thanh Giản (nay là ngã tư Nguyễn Thông-Điện Biên Phủ, TP. Hồ Chí Minh) để tiếp cận chiếc xe của Kiểm khi hắn đi từ nhà riêng tới văn phòng làm việc trong dinh Độc Lập.

Sau mấy ngày chia thành các nhóm trinh sát và cho hai xe máy chở các chiến sĩ Đặc công Thành “thực tập”

Phúc trình điều tra vụ mưu sát tướng Kiểm của Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Phúc trình điều tra vụ mưu sát tướng Kiểm của Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

phương án, chỉ huy B5 chọn thời điểm thực hiện vụ mưu sát là ngày 1-2-1969 (tức 15 tháng Chạp âm lịch). Thời gian, địa điểm cụ thể không quy định trước, ta bố trí bám theo xe kiểm và khi nào thuận lợi sẽ ra tay, vũ khí chủ yếu là những trái mìn tự tạo với trọng lượng khoảng 1,5kg thuốc nổ C4.

6 giờ 45 phút ngày 1-2-1969, các trinh sát của ta có mặt tại ngã tư Nguyễn Thông-Phan Thanh Giản. Nửa giờ sau, chiếc xe bốn chỗ vẫn thường chở Kiểm và hai xe jeep hộ tống lao ra khỏi khu gia binh. Khi đoàn xe tới ngã tư Bà Huyện Thanh Quan-Phan Thanh Giản, gặp đèn đỏ, 3 xe dừng lại. Thời cơ thuận lợi, Út Cạn giật nụ xòe và ném trái mìn vào đầu chiếc xe 4 chỗ được xác định là xe chở Nguyễn Văn Kiểm, sau đó trinh sát Hai Đường đang ngồi sau xe máy đã nhanh chóng lấy quả mìn giấu trong cuốn từ điển Anh-Việt ném vào sau xe của Kiểm làm hai xe jeep hộ tống bị hỏng. Những tiếng nổ lớn làm cho bọn địch không kịp trở tay, những tên ngồi trong xe bị thương vong nặng, hai trong số ba chiếc xe ô tô bị phá hủy. Bốn trinh sát: Út Cạn, Anh Đồng, Sáu Sinh, Hai Đường rút lui an toàn bằng xe máy...

Ngày hôm sau, diễn biến vụ đánh mìn trên đường phố Sài Gòn đã được báo chí Sài Gòn mô tả chi tiết, trong đó Kiểm đã bị cụt chân trái, phải tháo khớp. Sau khi được đưa ra nước ngoài chữa trị, Kiểm tử vong ít ngày sau đó...

Sau ngày đất nước thống nhất, do điều kiện công tác trong ngành công an nên ông Lê Việt Bình đã có dịp tiếp cận các hồ sơ mà kẻ địch từng gọi ông và đồng đội là những “can phạm”. Chúng đã lập hồ sơ về ông và đồng đội cùng các tội danh: cố sát, tòng phạm cố sát, giữ chiến cụ bất hợp phát, phá rối nền an ninh trật tự Việt Nam cộng hòa... Đó là hồ sơ 486 với tiêu đề: “Phúc trình điều tra sơ khởi vụ mưu sát thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm ngày 1-2-1969” của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Hồ sơ đề cập tới những điều tra ban đầu quanh vụ diệt trừ viên tướng đang giữ chức Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng thống cùng diễn biến xảy ra trận đánh vào buổi sáng ngày 1-2-1969, khi tướng Kiểm có mặt trên một xe ô tô bốn chỗ màu đen cùng hai xe jeep có quân lính hộ tống trên đường từ nhà riêng tới Phủ Tổng thống. Xe của tướng Kiểm và hai xe jeep bị ném mìn. Vụ nổ làm tướng Kiểm và các binh lính tháp tùng bị thương vong nặng, bốn người đàn ông thực hiện vụ nổ đã trốn thoát bằng xe máy.

Ông Lê Việt Bình còn cho chúng tôi xem bản chụp các trang báo của tờ “Đuốc Nhà Nam” số ra ngày 2-2-1969. Tờ báo đã nêu chi tiết vụ việc cùng tình trạng thương vong của viên tướng này tại bệnh viện Đồn Đất. Trong thời điểm đó, báo chí Sài Gòn đã coi vụ diệt trừ tướng Kiểm là một sự kiện chấn động kể từ sau Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, bởi đó là trận đánh mà “Việt Cộng” đã táo bạo hành động giữa ban ngày và ngay trong nội đô. Chiến công của các chiến sĩ Đặc công Thành còn góp phần đập tan luận điệu mà đối phương từng rêu rao là “đã quét sạch Việt Cộng ra khỏi Sài Gòn” kể từ sau Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968...

Bùi Minh Tuệ

(Báo Quân đội nhân dân)