.

Tết về trên xóm lá dong

Thứ Ba, 04/02/2014, 06:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ xuân về tết đến là bà con bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) lại í ới gọi nhau vào rừng hái lá dong. Người dân ở đây không chỉ vào rừng hái lá dong để gói bánh chưng trong gia đình mà còn đem bán cho các lái buôn. Từ những lái buôn này, lá dong sẽ tỏa đi khắp nơi trong tỉnh. Theo lá dong, hương vị tết len lỏi khắp xóm làng…

Tết sớm...

Bản Mò O Ồ Ồ nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng 15 cây số giữa bốn bề núi non hiểm trở. 71 hộ dân của bản Mò O Ồ Ồ đón chúng tôi niềm nở. Từ đầu bản, một nhóm trai gái đã đóng gùi để đi hái lá dong rừng.

Ông Cao Tiến Thuỳnh một người có thâm niên trong nghề hái lá dong nói, thời gian này bà con đã bắt đầu rục rịch vào rừng hái lá dong vì bây giờ nhu cầu cần lá dong để làm bánh phục vụ trong lễ cưới cũng rất nhiều. Càng giáp tết thì số người tham gia càng đông hơn, nhà nào cũng đi hái lá dong.  Hành trang họ mang theo chỉ là chiếc gùi và con dao phạt nhưng ai cũng hồ hởi “vào rừng để kiếm tết”.

Theo chân những người này mới biết hết sự gian khổ của công việc tưởng chừng như đơn giản này. Từ lối mòn nhỏ giữa thung lũng, từng nhóm người chia nhau ra luồn qua các tán rừng rậm rạp, bắt đầu đi tìm lá dong. Mọi người gọi đùa đó là đạp rừng tìm lá diêu bông. “Lá dong ở vùng này có đặc thù sống lưng chừng núi đá. Không leo lên là không hái được đâu”, anh Cao Văn Chiến nói.

Lá dong thường mọc thành cụm, tìm được cụm là coi như khỏi bỏ công đi. Nhưng lắm lúc khi leo lên tới sườn núi thì lại là lá nghệ rừng, đành phải cất công đi kiếm ở sườn núi khác. "Nghề mà”, anh Chiến thật thà. Anh Chiến kể đã có hơn chục năm trong nghề này. Cứ đến một tháng trước tết là đi. Mỗi chuyến đi có khi kéo dài hai ba ngày giữa rừng già. Ở càng xa thì lá càng nhiều vì ít người hái. Việc hái lá dong  gian khổ như thế nhưng không phải chỉ có đàn ông làm, mà phụ nữ, trẻ em cũng đi vào rừng.

Chị Cao Thị Thông, một trong số ít phụ nữ chúng tôi gặp trên những sườn núi nói: "Với phụ nữ Rục thì cái gì đàn ông làm được phụ nữ cũng gắng làm cho được. Làm để nuôi con". Chị kể nhà chị có đến ba thế hệ cùng đi hái lá dong mỗi tết. Ngoài hai vợ chồng chị và hai đứa con, cả ba chị là ông Cao Tiến Thuỳnh, hơn 60 tuổi cũng lên rừng. Một ngày như vậy, một người hái được hoảng  năm trăm lá. Nhà nào đông thành viên đi hái thì được nhiều hơn.

Công đoạn bảo quản lá.
Công đoạn bảo quản lá.

Theo anh Chiến, không phải nghề hái lá dong này dễ kiếm cái ăn, mà cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Để hái được lá dong chất lượng, họ phải đi bộ có ngày hơn 10 cây số, vượt qua những lèn đá hiểm trở để vào sâu trong rừng, rồi lợp bạt dựng lán ngủ lại 2-3 đêm, hái cho thật nhiều lá dong mới gùi về. Trời lạnh như cắt da cắt thịt, con sên con vắt bám chi chít trên chân, thậm chí gặp cả thú rừng. Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bà con thường đi thành từng nhóm để hỗ trợ lẫn nhau nếu gặp thú dữ tấn công. “Nhớ năm ngoái, anh Cao Văn bị trượt chân ngã khi trên đường gùi lá dong về. Lúc đó còn đến 7 cây số nữa mới về tới bản, nên bà con mỗi người chia nhau gùi lá dong, còn một số thanh niên thì khiêng anh về an toàn”.  

Lộc rừng...

Chiều. Khi bầu trời ngả sang màu xám cũng là lúc dòng người tấp nập đổ về bản. Ngồi trên chõng tre, ông Thuỳnh chỉ tay về phía trước mặt, nơi có những dãy núi sừng sững nối tiếp nhau, thổ lộ: “Đó là lộc rừng của cả bản làng này đấy, tấm lá dong to xanh trên những ngọn núi ấy đã đem đến cho bà con những cái tết đầm ấm vui tươi”. Nhà ông Thuỳnh là nơi thu mua tất cả lá dong mà bà con dân bản hái được, sau đó sẽ nhập lại cho các lái buôn đến từ Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới...

Ông kể, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp giáp tết là nhà ông đông vui như hội, người đem lá đến nhập, xe chở hàng của lái buôn đến thu mua lá dong đỗ chật cả đoạn đường. Mỗi năm như vậy ông nhập gần 17 tấn lá dong cho lái buôn. Đích thân ông phải tiến hành kiểm tra số lá dong bà con đưa đến nhập, chỉ nhập những lá to, đẹp không quá non để bảo đảm chất lượng tốt khi đem gói bánh chưng vừa dẻo vừa xanh. Cuống lá phải dài để khi ngâm nước sẽ tươi được lâu hơn. Những năm trước nhập 1nghìn đồng/1 lá, nhưng nhiều năm trở lại đây, lá dong khan hiếm nên có lúc lên đến 2-3 nghìn đồng/1 lá. “Bình quân 1 tháng tết bà con có 2-3 triệu đồng tiền bán lá dong. Mà không phải mất công trồng hay chăm bón, chỉ lên rừng hái về, đó chẳng phải là lộc rừng hay sao”, ông Thuỳnh vui vẻ nói.

Ngay sát bên nhà ông Thuỳnh là nhà của bà Hồ Thị Nhâm, bà cũng là người có thâm niên đi hái lá dong rừng mỗi dịp tết đến. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi bà đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn miệt mài vào rừng hái lá dong cùng các con. Bà kể, bà có ba đứa con chưa có gia đình, mỗi tháng giáp tết cả bốn mẹ con cùng vào rừng để hái lá dong. Chỉ mất khoảng 15-20 ngày nhưng bà đã có 3 triệu đồng tiền bán lá, cũng đủ để sắm đồ tết trong gia đình. “Từ khi biết hái lá dong để bán cho đến nay mỗi dịp tết đến bà không còn lo lắng như trước đây nữa. Những cái tết xưa, cả gia đình chỉ biết đến củ mài, củ sắn nhưng từ mười năm trở lại đây, nhà nào cũng có thêm tiền từ việc bán lá dong, tết với bà con trong bản tràn ngập niềm vui, ai cũng hồ hởi đón tết, nhà nào cũng có thịt, có cá”, bà tâm sự.

Rời bản Mò O Ồ Ồ vào buổi chiều chạng vạng,  chúng tôi cứ nhớ mãi những gương mặt hiền lành, chất phác cùng  nụ cười giòn tan của ông Thuỳnh, bà Nhâm, chị Thông... và mang theo niềm hy vọng tết này tất cả bà con trong bản sẽ no đủ, sung túc và đầm ấm hơn.

Lan Chi