.

Tan hoang thôn Công Hòa

Thứ Sáu, 04/10/2013, 11:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 3-10, sau 2 ngày bão số 10 đi qua, chúng tôi tìm đường về xã Quảng Trung. Cũng như các địa phương khác của huyện Quảng Trạch, xã Quảng Trung hứng chịu sự thiệt hại nặng nề do siêu bão gây ra, nhiều tuyến đường vẫn còn bị cây cối gãy đổ chắn ngang, chưa thể lưu thông bình thường. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Linh thông tin nhanh: “Toàn xã có đến 95% nhà bị tốc mái, 8 nhà bị gió bão giật sập hoàn toàn,  hàng chục nhà bị sập từ 70-80%, rừng kinh tế bị gãy đổ 39ha, 800m kè bị sạt lở trầm trọng… Nặng nhất là thôn Công Hòa nằm bên kia sông, các anh qua đó mà xem…”. Chỉ nghe đến đó, chúng tôi vội tìm đò vượt sông đến với thôn Công Hòa nằm giữa bốn bề sông nước.

Thôn Công Hòa hiện là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Quảng Trung, với 65 hộ, 186 khẩu, chiếm tỷ lệ 20,5%. Đây là thôn có nhà thờ xứ Liên Hòa, với khoảng 90% dân số theo đạo Thiên chúa. Đò vừa cập bến, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh một vùng quê sông nước xơ xác, tan hoang bởi cây cối xiêu vẹo, đổ rạp, nhà cửa, nương vườn ngổn ngang và những con đường còn ngập nước.

Trưởng thôn Công Hòa, ông Nguyễn Đức Tập quần xắn cao quá gối dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, giọng khản đặc vì những ngày chống chọi với mưa bão: “Tội lắm mấy chú ơi, nhà cửa người dân hư hỏng hết, hầu như không còn cái nào nguyên vẹn, 100% đều bị tốc mái cả, trong đó có đến 6 nhà bị sập hoàn toàn, 8 nhà bị sập từ 70- 80%... may mà người không can chi”.

Mẹ con chị Đinh Thị Lợi chưa hết bàng hoàng bởi biến cố do cơ bão đưa đến.
Mẹ con chị Đinh Thị Lợi chưa hết bàng hoàng bởi biến cố do cơn bão đưa đến.

Bão số 10 ập vào, thôn Công Hòa ngoài việc hứng chịu gió giật mạnh cấp 13, cấp 14, còn phải chịu cảnh triều cường, ngập lụt. Chiều tối ngày 30-9, nước sông Gianh ập vào làng làm nhà dân ngập hơn 1m, cuốn đi nhiều tài sản, lương thực của người dân, nhiều hộ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, phải đến trú nhờ nhà khác.

Chưa hết, khi người dân Công Hòa đã gần như kiệt sức vì thu vén nhà cửa, cây cối gãy đổ, nhặt nhạnh những vật dụng còn rơi rớt… thì tối 2-10, nước sông Gianh lại một lần nữa đùng đùng “ghé thăm”, cảnh lụt lội diễn ra, khiến cho hàng trăm hộ dân điêu đứng lại càng đứng điêu, nhiều người chỉ còn biết bưng mặt khóc, kêu trời không thấu.

Bà Lê Thị Báu, 80 tuổi, đang lui cui nấu cơm trưa trong cái bếp che tạm trước sân nhà, khói um lên cay xè ngước lên nói: “Tui sống chừng ni tuổi chưa bao giờ chộ cơn bão mô khiếp như ri, gió giật rầm rầm, nước sông lại to. Cứ tưởng cả làng chết hết phen nay….”.

Xắn quần lội nước bì bõm theo ông trưởng thôn, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Phương, ngôi nhà được Mặt trận huyện hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng theo chủ trương nhà Đại đoàn kết mới 2 năm trước nay đã bị bão số 10 san bằng, cột kèo, rui mèn nằm lẫn lộn.

Vợ anh Phương, chị Nguyễn Ý nói trong tiếng nấc: “Khi bão vô mạnh, anh Phương đang giữ đò ngoài bờ sông, 3 mẹ con tui ở trong nhà với nhau thì nghe nhà cửa vặn vẹo răng rắc, tui vừa kịp ôm con chạy ra trú ở nhà bếp thì nghe rầm một cái, cả ngôi nhà chính đổ sập xuống, đồ đạc bị lấp vùi trong đống đổ nát. Thấy vậy tui đưa bọn trẻ qua nhà hàng xóm trú ẩn. Nhà cửa giờ chẳng còn lại một thứ gì, quần áo, sách vở của con cũng hư, ướt hết, làm răng mà đến trường đây…Vợ chồng anh Phương, chị Ý thuộc hộ nghèo, chỉ có một chiếc đò nhỏ, lấy nghề chài lưới làm kế sinh nhai.

Lội qua một đoạn đường đầy rều rác, tre pheo, chúng tôi đến nhà của vợ chồng anh Đinh Hòa và chị Nguyễn Thị Phượng. Gọi là nhà nhưng thực sự cố hình dung mãi cũng không thể thấy đâu là hình dáng của nó.

Anh Hòa xót xa: “Vợ chồng tui làm nghề chài lưới nuôi thân, không có lấy một tấc ruộng nên đời sống quá khốn khó. Có 4 đứa con thì hai đứa đã đi làm thuê trong miền Nam, 2 đứa còn lại đang tuổi ăn tuổi học, giờ nhà sập, đồ đạc mất hết, sắp tới không biết lấy gì mà nuôi con ăn học đây. Chị Phượng rơm rớm nước mắt: “Bão vô, lụt vô, nhà sập, vợ chồng con cái phải đi trú tránh, không ngờ có một ít gỗ dành được cũng bị ai lấy mất, thật đúng là chó cắn áo rách…”.

Đống đổ nát này là 2 ngôi nhà của anh Nguyễn Phúc và Nguyễn Tâm.
Đống đổ nát này là 2 ngôi nhà của anh Nguyễn Phúc và Nguyễn Tâm.

Nằm cạnh nhà của anh Hòa, chị Phượng là ngôi nhà xiêu vẹo mới được dựng lên sau bão của chị Đinh Thị Lợi. Trong nhà không còn lấy một thứ gì ngoài chiếc giường 2 mẹ con chị đang ngồi. Chị Lợi bị bệnh động kinh, có 2 đứa con thì đứa lớn không được học hành gì, chỉ làm lụng giúp mẹ nuôi em, nay thì đã vào Nam đi ở cho người ta, đứa nhỏ ở cùng chị. Khi bão số 10 tràn qua, nước sông dâng mạnh, nhà chị bị sập hoàn toàn, đứa nhỏ là Đinh Thị Ly, 8 tuổi bị nước cuốn đi, may mà chị lao kéo lại được và đưa vào nhà hàng xóm gần đó cấp cứu, ủ ấm suốt đêm, người cháu tím tái, đến mãi trưa ngày 1-10 mới tỉnh lại.

“Tui nói với mọi người, cố gắng cứu cháu, nếu không được thì đó là bởi cái số của cháu, may mà cứu được. Cháu đang học lớp 2, cảnh nhà như vậy nhưng năm nào cũng được học sinh giỏi, nay quần áo, sách vở trôi hết, mẹ thì ốm đau lấy gì mà đi học tiếp đây…”, chị Lợi kể.

Cùng chung cảnh ngộ nhà bị bão giật sập hoàn toàn, đồ đạc mất sạch ở thôn Công Hòa còn có gia đình các anh Nguyễn Phúc, Nguyễn Tâm, Nguyễn Hiền. Khi cúng tôi đến thăm, gia đình các anh vẫn đang thu dọn, nhặt nhạnh lại những gì còn sót trong đống đổ nát. Anh Nguyễn Phúc nói: “Giờ chỉ biết nhờ chính quyền, nhờ cấp trên quan tâm hỗ trợ thì may ra chúng tôi mới ổn định được cuộc sống, các cháu mới được tới trường.

Giữa trưa, chúng tôi đón đò qua lại trung tâm xã mang theo nỗi xót xa, mất mát của người dân thôn Công Hòa. Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trung nói: “Trong đợt bão này, người dân Công Hòa coi như chịu khổ gấp đôi những nơi khác, do vừa bị bão tàn phá, vừa bị lụt lội. Khó khăn chồng chất khó khăn này không thể một sớm một chiều có thể gượng dậy được, đề nghị các ngành, các cấp có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, nhất là lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Qua báo chí, tôi cũng mong muốn các nhà từ thiện, hảo tâm trong tỉnh, trong nước quan tâm sẻ chia, hỗ trợ để người dân sớm ổn định được cuộc sống, sản xuất.

A.T