.

Đắng lòng Đức Trạch

Thứ Sáu, 04/10/2013, 10:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Về làng biển Đức Trạch (Bố Trạch) những ngày này, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện thương tâm. Nhiều người mới là ông chủ của những con tàu trị giá hàng tỷ đồng, giờ đã lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần, người thất thần bởi không biết ngày mai sẽ ra sao khi bão lũ đã cướp đi cả tài sản và sinh mạng… Nhưng cũng từ trong những hoang tàn, đổ nát mà “siêu bão” số 10 gây ra, chợt ấm lòng bởi tình người Đức Trạch san sẻ cho nhau trong hoạn nạn…

Trụ sở xã Đức Trạch sáng 3-10-2013, ai nấy đều tất bật. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Tất Thành chạy ra chạy vào điều động cán bộ tham gia công tác thống kê, cứu trợ, tiếp đón các đoàn từ thiện. Sau khi nắm thông tin sơ bộ, chúng tôi tìm về một số hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 10...

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là của gia đình anh Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1973) và chị Hồ Thị Hường (sinh năm 1977) tại thôn Đông Đức. Gọi là nhà, nhưng những gì còn lại chỉ là một đống gạch vụn. Khi chúng tôi đến, anh Ninh đang thẫn thờ trước đống lưới, cố nhặt nhạnh những mảnh lưới cuối cùng còn sót lại. Anh Ninh cho biết: Năm 2005, hai vợ chồng vay ngân hàng và của anh em bà con sắm được con tàu trị giá 350 triệu đồng (tương đường 40 cây vàng).

Là một ngư phủ lão luyện, anh đã cùng các thuyền viên của mình vươn đến những vùng biển xa như vịnh Bắc Bộ và mang về nhiều mẻ lưới bội thu. Thế rồi tháng 11-2005, tàu anh gặp bão khi chỉ cách biển Nhật Lệ chừng 30 hải lý. Sau mấy tiếng đồng hồ chống chọi với cuồng phong bất thành, con tàu bị sóng đánh chìm, anh cùng 6 thuyền viên bị trôi dạt. Sau 52 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, một con tàu của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cứu được anh và 4 người khác tại khu vực biển giáp Đà Nẵng. 2 thuyền viên cùng con tàu trị giá 350 triệu đồng của vợ chồng anh cũng vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển...

Anh Nguyễn Văn Ninh nhặt nhạnh những mảnh lưới còn sót lại trên nền ngôi nhà đổ nát
Anh Nguyễn Văn Ninh nhặt nhạnh những mảnh lưới còn sót lại trên nền ngôi nhà đổ nát

Sau sự cố đó, ngân hàng mà anh vay tiền cũng đã gia hạn số nợ cho gia đình anh. Nhưng sau 2 năm gia hạn, cuối cùng ngôi nhà là tài sản duy nhất của họ cũng bị ngân hàng phát mại. Trắng tay, họ đưa nhau về thuê một ngôi nhà nhỏ tại thôn Đông Đức. Không vốn liếng, cộng với những chấn thương về sức khỏe và tâm lý từ vụ đắm tàu dạo nọ, anh Ninh không tiếp tục đi biển được nữa. Để nuôi sống gia đình với hai đứa con đang tuổi ăn học, chị Hường sắm gánh hàng buôn bán nhỏ trước nhà, anh Ninh đi thả lưới, sửa xe, làm thuê... đủ nghề để sống.

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, gia đình anh Ninh nằm trong diện phải di dời khẩn cấp của xã Đức Trạch. Và sau mười mấy tiếng đồng hồ tránh bão, khi trở về, ngôi nhà thuê là kế sinh nhai cuối cùng của họ đã thành đống gạch vụn. Khi tôi hỏi về những dự định cho tương lai, anh bảo “Thì cũng phải cố gắng mà sống tiếp thôi, nhưng thật sự vợ chồng tui chưa biết phải bắt đầu lại từ mô!”.

Rời nhà anh Ninh, chúng tôi đến nhà ông Phạm Văn Lương (sinh năm 1961), là nạn nhân bị mất tích trong vụ tàu cá bị đứt neo và đắm ngày 30-9-2013. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà đang tấp nập bà con hàng xóm. Một người dân cho biết: Sáng nay (3-10) sau khi nhận được tin báo là người dân xã Hải Ninh (Quảng Ninh) đã tìm thấy xác ông Lương bị trôi dạt vào bờ, người thân đã đi Hải Ninh để đưa thi hài ông Lương về quê. Ở nhà chẳng còn ai, bà con xóm giềng mỗi người một tay giúp đỡ để chuẩn bị lo hậu sự.

Được biết vài năm gần đây, ông Lương đã nghỉ đi biển, nhưng trong ngày xảy ra bão số 10, ông đã cùng anh con trai và một thuyền viên nữa cố giữ con tàu. Khi sự cố xảy ra, ba người đều bị sóng đánh chìm. Con trai ông là anh Phạm Văn Cường và người kia bơi được vào bờ, còn ông bị mất tích. Những ngày qua, chính quyền và nhân dân địa phương vừa tiến hành tìm kiếm thi thể ông và đã trục vớt được con tàu vào bờ...

Bà con xóm giềng chung tay dựng lại ngôi nhà cho chị Nguyễn Thị Liên
Bà con xóm giềng chung tay dựng lại ngôi nhà cho chị Nguyễn Thị Liên

Cách nhà ông Lương không xa là nhà chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1974). Chồng mất năm 2012 vì bệnh ung thư máu, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo với 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào chị và cậu con trai lớn là Hồ Đăng Hiền (sinh năm 1996). Hôm xảy ra trận bão, ba đứa con nhỏ của chị đã đi sơ tán, chị và cậu con trai lớn ở lại trông coi ngôi nhà.

Đến khoảng 6 giờ tối thì cây cột bê tông của nhà hàng xóm đổ ập xuống đè nát ngôi nhà khiến cả hai mẹ con bị thương, riêng Hiền bị thương nặng ở tay và chân. Hai mẹ con chị nhanh chóng được bà con đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới. Và ngay sau khi bão tan, hàng xóm láng giềng mỗi người một tay giúp mẹ con chị sửa sang lại ngôi nhà. Khi tôi hỏi về kinh phí tu sửa ngôi nhà, mọi người nhất loạt trả lời, chừ hai mẹ con đang nằm viện, tiền mô, nên bọn tui đi mua nợ để sửa sang đã rồi mai mốt tính sau...

Còn nhiều nữa những nạn nhân của cơn bão số 10 ở Đức Trạch nói riêng và toàn huyện Bố Trạch nói chung. Nhưng điều có thể thấy rõ nhất là trong hoạn nạn là sự sẻ chia ấm lòng của người dân nơi đây. Họ là những gia đình đầu tiên được nhận sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con chòm xóm và các đơn vị cứu trợ.

Tôi cũng vô tình nghe chị cán bộ văn phòng UBND xã đi cùng nói chuyện với người quen, rằng nhờ có máy nổ nên nhà chị có thể bơm nước sinh hoạt. Thế là cả xóm cùng chạy qua xin nước, kết cục cái máy bơm đã bị cháy, giờ nhà chị lại thiếu nước như mọi người. Còn trong nhà có bao nhiêu cái ổ cắm điện là bấy nhiêu cái điện thoại hàng xóm mang sang nhờ xạc giúp. “Mấy ngày nay nhà tui tấp nập rộn ràng, nhưng mà vui vì giúp được mọi người!”, chị kể, nhưng khi nghe tôi hỏi tên thì lắc đầu quầy quậy bảo “có chi mô”.

Dù vẫn còn đó những ngổn ngang sau thiên tai bão lũ, nhưng tin rằng với sự sẻ chia ấm lòng của mọi người, miền quê này sẽ lại nhanh chóng vượt qua khó khăn, thử thách để tiếp tục vươn xa trong những mùa biển mới...

Ngọc Mai - Hương Lê