Ngành GD và ĐT:

Khẩn trương đối phó với bão số 6

Cập nhật lúc 15:46, Thứ Ba, 04/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Liên tiếp gần 10 ngày qua, tỉnh ta phải chịu ảnh hưởng của bão số 4 và số 5 với lượng mưa lớn trên diện rộng. Hiện tại, bão số 6 đang có nguy cơ đổ bộ khu vực Bắc trung bộ. Cùng với cả tỉnh, ngành GD-ĐT đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 và số 5, đồng thời tiến hành phòng chống cơn bão số 6.

Tại huyện Minh Hóa, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của hai trận bão liên tiếp, đã khiến cho nhiều vùng nhanh chóng bị ngập chìm trong nước. Các xã Tân Hóa, Thượng Hóa... chỉ còn sót lại mươi nóc nhà chưa bị ngập. Chị Đinh Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường THCS và THPT Trung Hóa, cho biết: Mặc dù trường đóng ở địa điểm khá an toàn, nhưng lại có rất nhiều học sinh đến từ các vùng rốn lũ như Phú Nhiêu (Thượng Hóa), Thanh Liêm (Trung Hóa). Trường có trên 300 học sinh thì đã có gần 100 em sống trong vùng nguy hiểm.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhà trường đã chủ động cho các em học sinh nghỉ học vào các ngày 27, 28 và 30-9 nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho các em. Bên cạnh việc triển khai các phương án phòng chống bão lụt, trường đang gấp rút triển khai các hoạt động tình nguyện nhằm hỗ trợ các em học sinh và gia đình tại những vùng "rốn lũ" nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống để trở lại trường.

Cùng với Minh Hóa, huyện Bố Trạch đã có nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên với sự chủ động của ngành GD-ĐT huyện trong quá trình triển khai các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt, các trường học trên địa bàn vẫn được bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho các em học sinh và cán bộ giáo viên. Tại Trường tiểu học số 2 Phúc Trạch, nước lũ đã tràn vào ngập khu nội trú và phòng học hai tầng.

Các em học sinh đã được nghỉ học ngày thứ 6 (30-9). Ngày 3-10, cán bộ giáo viên toàn trường và gần 400 học sinh đã tiến hành dội bùn trong các phòng học và khu nhà nội trú giáo viên, đồng thời tiếp tục di dời một số thiết bị đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa để chuẩn bị đối phó với bão số 6. Các em học sinh ở những vùng  có nguy cơ ngập lũ lớn như thôn 3, Đồng Vàng, Hà Lốt, Chày đã được nghỉ học... Các trường tiểu học số 1 và số 2 Sơn Trạch cũng bị ngập nước và nhà trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học vào những thời điểm nguy hiểm.

Đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Nhiêu (Thượng Hóa, Minh Hóa) ngập trong lụt. Ảnh: Thanh Long.
Đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Nhiêu (Thượng Hóa, Minh Hóa) ngập trong lũ lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Ảnh: Thanh Long.

Tại huyện Quảng Trạch, ông Nguyễn Khắc Tâm, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quảng Minh, cho biết: Mùa lũ năm nay, gần 300 học sinh 4 thôn thuộc vùng cồn bãi của xã, đã có "đò khuyến học" để đến trường, hạn chế những tai nạn khi phải vượt sông đi học. Tuy nhiên hiện nay do mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn sông Gianh đổ về chảy xiết, gần 300 học sinh của Trường tiểu học Quảng Minh B đã nghỉ học vì "đò khuyến học" không thể qua sông trong thời tiết đang có những diễn biến rất phức tạp.

Các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới đang gấp rút triển khai các phương án chống bão. Cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của các phòng GD-ĐT, cán bộ, giáo viên các trường đã có sự phối hợp đồng bộ với ban phòng chống lụt bão (PCLB) địa phương để nâng cao hiệu quả PCLB. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Ninh (Quảng Ninh), một trong những địa bàn bị ngập sớm nhất và nước rút chậm nhất, cho hay: Do đặc thù của trường mầm non chỉ toàn là giáo viên nữ nên trong quá trình triển khai PCLB, trường đã huy động sự hỗ trợ của đội ngũ "rể" nhà trường. Công tác gia cố trường lớp, bảo vệ máy móc, trang thiết bị học tập đã được hoàn tất, trường đồng thời phối hợp với phụ huynh để kịp thời thông báo cho các cháu nghỉ học khi cần thiết. Chị Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai (Lệ Thủy) cũng cho biết: "Tình hình PCLB đang rất khẩn trương. Do đã quen "sống chung với lũ" nên chúng tôi luôn chủ động đối phó, vì vậy qua nhiều đợt mưa lũ, trường không bị thiệt hại nhiều".

Tại huyện Tuyên Hóa, các xã "rốn lũ" nằm ven sông Gianh như Thạch Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa, Đồng Hóa... vẫn ở trong giới hạn an toàn. Trường tiểu học và THCS Nam Hóa, dù đóng ở địa điểm khá an toàn, nhưng luôn nâng cao cảnh giác khi có hàng trăm học sinh của trường sống tại những khu vực nguy hiểm như các thôn Đồng Lực, Hà Trang... thường xuyên bị nước lũ từ thượng nguồn đe dọa... Tại thành phố Đồng Hới, mặc dù không có nguy cơ ngập lũ, nhưng tại một số trường đã xảy ra ngập cục bộ, ảnh hưởng đến việc học tập và giảng dạy của các em học sinh và thầy cô giáo. "Trong trường hợp mưa lớn và bão đổ bộ, chúng tôi đã có các phương án cần thiết để cho học sinh nghỉ học và cán bộ, giáo viên nhà trường chủ động ứng phó với bão lụt nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão lũ", chị Trần Thị Lý, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đồng Phú, cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó ban thường trực Ban PCLB Sở, cho biết: Thời gian qua, Sở đã phân công cán bộ bám địa bàn, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, để kịp thời chỉ đạo và triển khai các phương án PCLB. Ban PCLB của Sở đang triển khai các đoàn đi kiểm tra tình hình PCLB tại các huyện, quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất cho các địa phương và các trường trong quá trình PCLB. Các trường học vùng ngập lũ luôn là sự quan tâm lớn của chúng tôi nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các em học sinh và cán bộ, giáo viên...

                                                                                           Ngọc Mai

,
.
.
.