Công đoàn ngoài quốc doanh thực trạng và giải pháp

Cập nhật lúc 11:01, Thứ Năm, 29/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 2.603 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DN NQD), với số lượng lao động trên 49.000 lao động. Đa số các đơn vị NQD xếp vào loại nhỏ, thu nhập của người lao động đạt thấp, bình quân trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng; lao động được tham gia BHXH chỉ chiếm 51,7%; trình độ tay nghề còn thấp, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ khá cao (43%)...

Từ năm 2008 đến nay, bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền, vận động, thuyết phục, các cấp công đoàn (CĐ) trong tỉnh đã thành lập được 29 CĐCS trong các DN NQD, với 903 đoàn viên; tỷ lệ tập hợp đoàn viên đạt 71,5%. So với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra thì kết quả đạt được còn thấp (chỉ đạt chỉ đạt 29/87 đơn vị); số lượng đoàn viên được kết nạp còn khá kiêm tốn (bình quân 31 đoàn viên/CĐCS). Tổng số CĐ NQD 150 đơn vị, với 9.523 đoàn viên, so với tổng số 1.075 CĐCS hiện nay thì CĐ NQD còn chiếm tỷ lệ thấp (chỉ gần 14%).

Chất lượng hoạt động CĐ NQD chưa đều và nhiều mặt còn hạn chế. Một số CĐ cấp trên cơ sở vẫn chưa tập trung đúng mức cho công tác chỉ đạo hoạt động CĐ NQD. Đội ngũ cán bộ CĐ trong các DN NQD là kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm hoạt động, chưa được đào tạo, bồi dưỡng đúng mức để đáp ứng yêu cầu công tác CĐ. Một số DN NQD hoạt động mang tính thời vụ, nên còn lúng túng trong chỉ đạo hoạt động, vai trò CĐ chưa được phát huy đầy đủ, còn mờ nhạt; có nơi thành lập CĐ rồi lại giải thể. Từ thực tế trên đặt ra cho việc thành lập và chỉ đạo hoạt động CĐ NQD  gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Lễ thành lập công đoàn cơ sở Công ty CPXLDK PVC Trường Sơn (T.P Đồng Hới). Ảnh: Quang Công.
Lễ thành lập công đoàn cơ sở Công ty CPXLDK PVC Trường Sơn (T.P Đồng Hới). Ảnh: Quang Công.

Có thể thấy do những nguyên nhân chủ yếu sau: Một số cấp uỷ chưa thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chỉ thị 32/CT-TU ngày 25-11-2004 của Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn ngoài quốc doanh";  công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo phát triển CĐ NQD của tỉnh và CĐ cấp trên cơ sở chưa thật quyết liệt, còn thiếu bước đột phá; công tác tuyên truyền Luật Công đoàn, Luật Lao động và các chủ trương, nghị quyết về phát triển CĐ NQD của CĐ cấp trên cơ sở còn hạn chế; các DN NQD trong tỉnh có quy mô nhỏ (đa số dưới 10 lao động), nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động mang tính gia đình nên không chú trọng đến việc thành lập tổ chức công đoàn. Người sử dụng lao động và người lao động còn thiếu hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng và tầm quan trọng của tổ chức công đoàn. Đồng thời chủ doanh nghiệp có tâm lý không muốn có tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, nên chưa ủng hộ việc thành lập tổ chức công đoàn, trong khi đó các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có chế tài xử phạt đối với các DN NQD không thành lập tổ chức công đoàn.

Vì vậy, với phương châm "Sâu cơ sở, sát công nhân", các cấp CĐ cần đẩy mạnh đi sâu đi sát cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kịp thời về lý luận và nghiệp vụ cho cán bộ CĐ ở các DN NQD. Duy trì, đổi mới phương pháp hoạt động, luôn hướng về cơ sở vì lợi ích của người lao động và CĐCS tại doanh nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, đó mới là giải pháp thuyết phục nhất để thu hút nhiều lao động trong các doanh nghiệp tham gia vào tổ chức CĐ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên; lập kế hoạch khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng, thu nhập của lao động...; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức cơ bản của pháp luật lao động, Luật Lao động, luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho các chủ doanh nghiệp và người lao động. giúp người lao động hiểu rõ hơn về pháp luật lao động, quyền và trách nhiệm khi tham gia tổ chức CĐ. Tập hợp, vận động và đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân lao động, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. 

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, trình độ, bản lĩnh chính trị, chuyên môn để nâng cao vai trò của tổ chức CĐ với người lao động và chủ doanh nghiệp. Mặt khác, kiên quyết đấu tranh với những sai phạm của chủ doanh nghiệp đối với người lao động; tích cực động viên, giúp đỡ chủ doanh nghiệp thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình đối với người lao động trong quan hệ lao động.

Các cấp CĐ cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp tốt trong việc điều tra, khảo sát về số lượng công nhân lao động, số lượng doanh nghiệp trong khu vực kinh tế NQD. Đồng thời, cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các DN NQD cố tình không thành lập tổ chức CĐ, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động.

                                                                                       Trần Hải Lâm

,
.
.
.