.

Lễ hội đua trải Đồng Hới: Lưu giữ nét đẹp văn hóa và giá trị nhân văn

Chủ Nhật, 03/09/2017, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Lễ hội đua trải Đồng Hới đã có từ xa xưa gắn với quá trình hình thành cộng đồng dân cư nơi đây. Lễ hội đua trải ngoài ý nghĩa đua tài, rèn luyện sức vóc, biểu thị kỹ năng sông nước còn là một thể thức tín ngưỡng cư dân sông nước vùng Đồng Hới. Trải qua thăng trầm của thời gian, lễ hội đua trải Đồng Hới vẫn thể hiện bản sắc văn hóa biển đầy sinh động, gần gũi, lối ứng xử đầy tính nhân văn, tinh thần thượng võ, gắn kết tình yêu cộng đồng... của người Đồng Hới.

* Ký ức một thời...

Lễ hội đua trải Đồng Hới đã có từ xa xưa và nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống đầy tinh thần thượng võ của những người dân vùng quê quanh năm gắn bó với sông nước.

Những người cao tuổi ở thôn Hà thôn, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) kể rằng, từ hơn trăm năm trước, cứ 6 năm Đồng Hới tổ chức đua trải một lần với cách thức tổ chức quy mô. Chính vì vậy, từ lâu đời người dân đã truyền nhau câu ca về hội đua trải là “Lục niên cạnh độ”, quy định tổ chức vào đúng tháng tư âm lịch. Thường mỗi năm đua trải có 6 làng tham gia. Cả 6 làng đều ở ven tả ngạn, hữu ngạn sông Nhật Lệ gồm: Đồng Hải, Hà Thôn, Phú Hội, Lệ Mỹ, Hướng Dương, Trung Bính. Đây là những làng làm nghề biển được truyền tụng là những làng có “máu mặt” của thời đó.

Lễ hội đua trải Đồng Hới đã được nâng tầm thành lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ.                                                            Ảnh: T.H
Lễ hội đua trải Đồng Hới đã được nâng tầm thành lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ. Ảnh: T.H

Phương thức đóng trải đua được một hội đồng tư vấn quy định chung là trải dùng trong hội bơi được đóng bằng gỗ, trải dài 32,5 thước mộc (hơn 13m), mỗi thang ngồi trái phải 2 người cầm chầm bơi, thang cách thang 2 thước mộc, mỗi trải từ 18 đến 22 cặp chầm, ngoài ra còn có 1 lái chính, 2 lái phụ, 1 đốc trải, 1 mõ chính, 1 mõ phụ, 2 người hô rẫy, 2 người cầm gàu tát nước. Cộng tất cả số người có mặt trên thuyền đua là 50 trai bơi. Người bơi trải là những trai tráng khoẻ mạnh được tuyển chọn, tuổi các trai bơi quy định theo tờ khai hộ tịch từ các xã nắm giữ đăng ký từ 22 đến 35 tuổi.

“Khác với mọi nơi, thuyền đua trải Đồng Hới có cắm đầu mũi thuyền một sinh thực khí được chạm trỗ bằng gỗ gọi là “Muống” và “Nhọn”, tượng trưng cho Âm và Dương, mang ý nghĩa của tính phồn thực. Cứ sau mỗi khi lễ hội đua kết thúc thì “Muống” và “Nhọn” đều được bảo quản, cất giữ thận trọng nơi trang nghiêm của các miếu, đình thờ trong làng...”, ông Đào Viết Xô, Trưởng thôn Hà Thôn bùi ngùi nhớ lại.

Hội đua trải Đồng Hới ngày xưa thường được tổ chức liền trong 3 ngày đêm, mỗi ngày của hội đua không giống nhau về hình thức. Ngày đua thứ nhất, các đội thuyền tập trung ở đình làng Hà Thôn thắp hương làm lễ phát. Từ ở đó lễ đón xong, các trải lần lượt đi dọc sông đến nơi có các miếu thờ của hai bờ tả, hữu để tiếp tục công việc kính lễ. Ngày thứ hai là ngày chính thức vào hội đua và lễ khai mạc được tổ chức trước bãi đình Đồng Hải. Các trải đều dốc lực thi đấu quyết liệt để giành vinh quang cho làng nên được gọi là ngày “cá kình quẫy sóng”. Cuối ngày, lễ trao giải, các đội văn nghệ múa bông, chèo cạn biểu diễn nhiều tiết mục thu hút khán giả khắp nơi đổ về đầy sông, đầy bến. Giải thưởng trao cho các đội là sản vật của địa phương gồm: bò, lợn và rượu. Ngày đua thứ ba là ngày kết thúc, gọi là “Ngày buông phao”. Buông phao là hình thức trợ cứu tượng trưng những người bị tử nạn trên sông, trên biển. Ngoài ra còn để tưởng nhớ, siêu độ cho những linh hồn còn phiêu bạt đó đây. Ngày này không có lễ vật, kèn trống nhưng không khí các thuyền rất trang nghiêm. Những người đua trải đi vào lễ buông phao với lòng thành kính, lắng đọng, trầm tư. Các trải dàn hàng ngang đẩy thuyền đi và câu hát phát ra nghe đều đều thay lời khấn nguyện: “Ôm phao... phao... mà... về/ Ôm phê... phê... mà... vào...”...

* Đôi điều cần suy ngẫm

“Muống” và “Nhọn” được bảo quản, cất giữ thận trọng tại đình thờ làng Hà Thôn, Bảo Ninh đã trở thành ký ức một thời đối với nhiều người dân.
“Muống” và “Nhọn” được bảo quản, cất giữ thận trọng tại đình thờ làng Hà Thôn, Bảo Ninh đã trở thành ký ức một thời đối với nhiều người dân.

Trong những năm trở lại đây, lễ hội đua thuyền trở thành một trong những hoạt động chính của sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới hàng năm và được tổ chức vào dịp lễ 30-4 và 1-5. Theo ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, TP. Đồng Hới, lễ hội đã góp phần tuyên truyền, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của thành phố với du khách trong và ngoài nước; động viên khích lệ nhân dân rèn luyện sức khoẻ, thi đua lao động sản xuất để góp phần xây dựng quê hương Đồng Hới ngày càng giàu đẹp. Trên tinh thần đó, cùng với việc duy trì văn hóa truyền thống của địa phương, lễ hội đua thuyền truyền thống đã có nhiều nét mới.

Tuy nhiên, những nét mới khiến chúng ta không thể không suy ngẫm về những mặt được và chưa được trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của lễ hội đua trải. Nhiều người dân vùng Đồng Hới đến giờ vẫn còn cảm thấy tiếc nuối khi các thuyền đua từ vỏ gỗ đã được thay thế bằng thuyền composite (vào năm 2010), mà độ dài chỉ bằng 1/3 trải truyền thống. Đó là lễ hội đua thuyền truyền thống không thể hiện được tính truyền thống bởi một số xã, phường tham gia lễ hội đua thuyền đã thuê nhân lực ngoại địa bàn chứ không xuất phát từ người dân tại địa phương. Nhiều người dân cũng chưa thực sự hiểu về giá trị văn hóa của lễ hội đã làm thương mại hóa lễ hội bằng các hình thức cá cược. Đáng nói, ý nghĩa tâm linh và nhân văn của lễ hội đang có nguy cơ bị mai một, hoặc phát huy chưa đúng mức. Những người có tâm huyết đang thực sự lo ngại cho sự biến tấu, mai một này...

Có thể khẳng định rằng, với bề dày lịch sử, lễ hội đua trải Đồng Hới có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân vùng biển Đồng Hới. Bởi thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của người dân được thỏa mãn, hơn thế nữa các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì. Chính vì lẽ đó, để nét đẹp văn hóa và giá trị nhân văn của lễ hội đua trải mãi đọng lại trong tâm thức của người Đồng Hới, cũng như tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, thì đỏi hỏi sự nỗ lực của các nhà quản lý, ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị vốn có của lễ hội.

Thùy Lâm