.

Căn cước tình yêu trong thơ Hoàng Thụy Anh

Thứ Hai, 28/08/2017, 10:01 [GMT+7]

(Tản mạn về Người đàn bà sinh ra từ mưa, thơ Hoàng Thụy Anh, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

(QBĐT) - Phải nói ngay rằng tôi không “sành” thơ. Nếu cầm bút viết phê bình thơ là tự tôi đã trói mình vào sở đoản. Nhưng khi Hoàng Thụy Anh gửi bản thảo “Người đàn bà sinh ra từ mưa” và có nhã ý nhờ tôi viết đôi dòng để in vào tập thơ ở phần “Tác phẩm và dư luận” đặt cuối sách, thì tôi thấy mình như có can đảm. Gặp Hoàng Thụy Anh ở Trại nghiên cứu, phê bình văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Tạp chí VNQĐ tổ chức tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), dạo tháng 5-2017, không nghĩ cái câu cổ nhân vẫn nói “văn là người” lại có thể vận vào người này.

Người đàn bà viết

Hoàng Thụy Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành lý luận phê bình, năm 2016. Như thế không còn trẻ về tuổi. Nhưng là trẻ về nghề văn.

Tính đến năm 2016, Hoàng Thụy Anh đã sở hữu ba tác phẩm: Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson (Chuyên luận, 2010), Bản xô - nát thi ca (Tiểu luận - phê bình, 2012) và Tiếng vọng đa thanh (Tiểu luận - phê bình, 2016).

Khi chưa gặp Hoàng Thụy Anh, đọc chị, tôi cứ hình dung con người này cứ như một “hỏa diệm sơn”, lúc nào cũng sục sôi, chực phun trào câu chữ. Vậy nên, cứ hình dung người này hẳn ăn sóng nói gió, mạnh mẽ, kiên cường, phóng khoáng và hào hiệp. Nhưng gặp rồi lại thấy cái ấn tượng ấy có vẻ không đúng. Trước tôi là một cô gái mảnh dẻ, có phần yếu đuối. Dè dặt khi tiếp xúc lần đầu. Thậm chí hơi cũ vì kiệm lời, có vẻ như hơi khó gần, khó chia sẻ, giãi bày. Tôi nghĩ, người này hướng nội nhiều hơn hướng ngoại, nếu so sánh với những người cùng trang lứa.

Tôi cũng là người viết phê bình có thâm niên, nên có thể nhập nhanh vào những gì Hoàng Thụy Anh viết, khi tiếp cận ba tác phẩm của chị. Chợt nghĩ, nếu gọi đây là người đàn bà viết thì, ắt hẳn phải đọc nhiều lắm. Lại nhớ đến chỉ giáo của Nguyễn Tuân, khi ông nói về công việc của một nhà văn gói gọn trong ba chữ “đi - đọc - viết”. Đi thì tôi không dám chắc chị đã đi nhiều được bằng người khác. Nhưng đọc thì tôi dám chắc không ít hơn người khác. Và viết thì rõ rồi. Viết một hay nhiều bài báo không khó. Nhưng kiến tạo nên một cuốn sách thì không hề dễ. Ở đây là ba cuốn sách trong vòng chỉ sáu năm. Ngạc nhiên chưa!? Tôi là dân viết phê bình có đôi chút kinh nghiệm nghề nghiệp nên đọc Hoàng Thụy Anh, có lẽ thấy mình có đủ thẩm quyền để gọi đây là người đàn bà viết?

Nhưng viết phê bình rồi chuyển sang viết thơ thì khó hơn là dễ (so với người viết thơ chuyển sang viết phê bình). Đọc thơ Hoàng Thụy Anh, tôi chợt có so sánh chị với một vài đồng nghiệp tôi quen biết như Mã Giang Lân, Hồ Thế Hà, Mai Bá Ấn. Họ thuộc diện “hai tay hai súng” (viết phê bình và làm thơ đều có tiếng có tăm). Bắn đâu trúng đó.

Đọc tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa (bản thảo), tôi thực sự ngỡ ngàng, như là một phát hiện của riêng mình về Hoàng Thụy Anh. Sáu mươi chín bài thơ (dưới mỗi bài không ghi thời gian viết), như ngụ ý rằng “thơ không có thời”. Không có ý lập ngôn, nhưng đọc rồi lại thấy như là tuyên ngôn thơ “Sáng nay tôi quyết lột trần ngôn từ giả vờ kia/tắm nước thánh/tẩy trùng/may ra còn cứu vãn/đời tôi/thơ tôi” (May ra).  Hoặc nữa “Chữ là mộ phần riêng ta” (Chờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác). Thẳng băng, công khai, quyết liệt với câu chữ. Chị chưa hề tự nhận mình là “phu chữ” như ai đó khoa trương. Nhưng tôi nghĩ, chị là người biết tăng sản chữ, kiến tạo chữ, nuôi dưỡng chữ bằng một bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi, lúc nào cùng tròn đầy.

Khi nói Hoàng Thụy Anh là người đàn bà viết, tôi không có ý khen chị viết nhiều, vì trong nghệ thuật số lượng không quan trọng. Cái quan trọng là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Người đàn bà viết là một cách nói để chỉ phẩm tính căn cốt không phải người phụ nữ nào viết văn cũng có - đó là ý thức về câu chữ, đó là tình yêu câu chữ, đó là lao động trên từng câu chữ. Tôi không nghĩ đây là tác phẩm thứ mấy của Hoàng Thụy Anh. Chỉ biết là một dấu son trên con đường thiên lý văn chương của chị. Tôi hình dung nếu không viết, Hoàng Thụy Anh sẽ thấy thiếu thốn, rã rời, khủng hoảng, bế tắc, buồn bã, vô vị và đau đớn. Vậy nên lại cầm bút lên thôi. Viết như một thôi thúc nội tâm không gì cưỡng lại được.

Người đàn bà yêu

Sở dĩ tôi đặt tên cho bài viết của mình là Căn cước tình yêu trong thơ Hoàng Thụy Anh vì trong tập có bài thơ Căn cước tình. Mỗi người tất nhiên có căn cước công dân của mình. Nhưng chỉ toàn những thông số xét về tên tuổi, giới tính, nơi trú ngụ, quan hệ xã hội, có thể có cả nhóm máu,... Nhưng những cá thể tinh thần, thì chưa hẳn ai ai cũng đã có “căn cước tình yêu”. Hoàng Thụy Anh muốn lập cho mình và những người “đồng bệnh tương lân” một thứ “căn cước tình”.

Có lẽ chưa ai tấn phong Hoàng Thụy Anh là “nhà thơ tình”. Nhưng tập thơ Người đàn bà sinh ra từ mưa thì, theo tôi, rõ ràng là một tập thơ tình yêu. Trong tình yêu muôn thưở, lúc nào cũng có hai nhân vật “anh” và “em”. Thì đây, tập thơ này tràn ngập “anh” và “em”. Hãy nhìn vào “con số biết nói” sau: 140 lượt từ ANH, và 209 lượt từ EM (tôi dùng cách đếm rất chi là thủ công, ấy thế mà hiệu quả nhỡn tiền). Như thế là “âm thịnh dương suy”. Sự áp đảo này, tôi không muốn nói là chính tác giả tự nhân cái “tôi” của mình lên thành hơn cả bình phương, mà là nhân vật trữ tình EM. Trong trường hợp này EM là người chủ động. Đắm say. Cuồng nhiệt. Táo bạo. Tất cả chìm đắm trong một niềm hoan ca. Nhân vật EM lúc nào cũng thấy khát (Khát), lúc nào cũng thấy nhớ (Nhớ anh), lúc nào cũng thấy “hướng nào cũng từ tim anh”, lúc nào cũng “em tin căn cước chúng mình không bao giờ lưu vong”, lúc nào cũng sẵn sàng “em cõng nắng về tưới môi anh”, “Khuấy lưỡi buồn bằng sắc cuồng nhiệt”,... Xuân Diệu thì đinh ninh “yêu là chết trong lòng một ít”. Nhưng với người thơ nữ này thì lúc nào cũng sẵn sàng “đôi ta cùng ôm cùng xoay cùng bay trên đỉnh tình” (Tim nắng).

Rõ ràng, tình yêu trong thơ Hoàng Thụy Anh rất nhiều nhục thể (ví như “Ánh sáng nhú trên những đôi vú mọng” - Dấu tích) nhưng vẫn rất ‘đục mà thanh”. Có lẽ đó là cái khéo (cái cao tay ấn) của người viết. Thơ tình Hoàng Thụy Anh rõ ràng không quanh quẩn trong chân không, không “vô trùng”. Nhưng không bạo liệt, trớ trêu, khêu gợi tầm thường xác thịt. Muôn màu muôn vẻ, muôn âm sắc, hương vị của tình yêu. Nhưng không rối loạn, không làm cho ta thấy bối rối, nhầm lẫn. Vì nó có cái mạch ngầm là niềm vui sống, tình yêu cuộc sống và lòng tin vào con người “trên chỏm đau/ những con chữ của em có thể bị xước bên này hoặc xước bên kia/ thậm chí bị giẫm bẹp rúm/ chúng vẫn tiếp tục chức năng sinh sản/ vẫn phơi phới nhũ hoa dậy thì/ quyến rũ núm đời đêm đêm” (Những con chữ của em). Đọc những câu thơ này tôi lại chợt liên tưởng đến những “đêm núm sen” (tên một tiểu thuyết của Trần Dần mới xuất bản). Nhà thơ thích và yêu cái chữ “núm” hơn ai nên lại thấy “mọc đôi cánh/ luồn mướt từng sợi tóc/ thả men màu núm trăng/ du hành mùa đáy đêm” (Lửa).

Những dư ba

Tôi muốn nói đến những dư ba chữ trong thơ Hoàng Thụy Anh. Chỉ cần trưng ra một bài Người đàn bà sinh ra từ mưa sẽ thấy cái “vân chữ” của nhà thơ. Tất cả có 176 chữ (tính cả nhan đề), có đến 29 động từ (sinh ra, sinh ra, ăn, ăn, nở, ngập, rướn mình, thấy, thoát ra, đau, nằm, vá, khép, thở dài, giao ước, chia, mua,  bán, làm, nhận, gọi, chảy, đan, đan, luồn, kẹt, kẹt, ngủ, đến). Cái cách “đếm” của tôi ắt hẳn có người sẽ cho là thủ công, cơ học. Ấy, nhưng đấy là một phương pháp đấy (theo lối “nói có sách mách có chứng” như các cụ xưa dạy). Vì chật căng những động từ như thế nên thơ Hoàng Thuỵ Anh tiềm ẩn bùng nổ. Vì thế nên nhịp điệu (rythme) rất căng, hoạt, nhanh, mạnh, luôn tiến tới. Kiểu như “đau một chút buốt một chút đôi khi vớt được bóng mình” (Nỗi buồn và em).

Tôi muốn nói đến âm điệu buồn như làn mây mờ bảng lảng trong thơ Hoàng Thụy Anh kiểu như “sớm mai nhặt được nỗi buồn/ kiêu sa từng nốt từng lời romance/ em ướm vào nỗi buồn, nỗi buồn ướm vào em/ trong vô tận/ nỗi buồn và em cùng lớn lên” (Nỗi buồn và em). Buồn đến thế là cùng. Nhưng lạ thay không yếm thế, bi quan, bế tắc. Vì đó là nỗi buồn đẹp chăng? Riêng tôi tin như thế.

Bùi Việt Thắng