.
Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017):

Kỷ niệm khó quên

Thứ Tư, 21/06/2017, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Là phóng viên phụ trách địa bàn huyện miền núi Minh Hóa, tôi đã đến xã Tân Hóa hàng chục lần trong những cơn lũ lớn. Trận lũ tháng 10 năm 2016 là một cơn lũ kinh hoàng, lượng mưa lớn, nước dâng lên quá nhanh và chảy xiết khiến việc tác nghiệp rất khó khăn, nguy hiểm...

Trận lũ thứ hai của năm 2016 xảy ra từ ngày 10 đến ngày 15 - 10. Trong ba ngày đầu tiên, trời đổ mưa liên tục nhưng không lớn. Đêm 13, rạng sáng ngày 14, lượng mưa bất ngờ thay đổi đột ngột khi đạt mức 500 - 700mm. Cả đêm đó, tôi gần như thức trắng để tính toán các phương án tác nghiệp tại tâm lũ.

Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm và đón chuyến xe khách đầu tiên vượt 120 km lên Minh Hóa. Xe xuất phát từ thành phố Đồng Hới từ lúc 7 giờ sáng, nhưng do trời mưa quá lớn nên đi rất chậm. Ngồi trên xe, tôi tranh thủ liên lạc với Văn phòng UBND huyện Minh Hóa cùng một số xã trọng yếu để nắm tình hình. Khoảng 30 phút sau, xe đến thị trấn Hoàn Lão, (huyện Bố Trạch), tôi nhận được tin tại Tân Hóa đã có người bị lũ cuốn trôi khi đi chăn bò. Tôi nắm thông tin, ghi chép cẩn thận về vụ việc rồi gửi thông tin về phòng Báo điện tử để đồng chí Trần Minh Văn, Trưởng phòng xử lý đăng lên Báo điện tử.

Xe đến Minh Hóa gần 12 giờ trưa. Chưa kịp ăn cơm, tôi vào Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện mượn xe máy của đồng nghiệp để di chuyển về vị trí xuất phát ở xã Quy Hóa, nơi có ca nô của Ban chỉ huy Quân sự và các đồng chí lãnh đạo huyện đang chờ sẵn. Lúc này, thị trấn Quy Đạt cũng bị nước nhấn chìm nhiều nơi, tất cả các tuyến đường chính về điểm chờ bị chia cắt không thể đi bằng xe máy. Trước tình thế cấp bách, tôi phải gửi xe máy rồi cắt rừng đi bộ qua đoạn đường bên kia và nhờ xe của huyện lên đón.

 Hình ảnh người dân xã Tân Hóa chống chọi với lũ do phóng viên ghi lại ngày 14 - 10 - 2016.
Hình ảnh người dân xã Tân Hóa chống chọi với lũ do phóng viên ghi lại ngày 14 - 10 - 2016.

Tôi có mặt tại điểm xuất phát vào lúc khoảng 13 giờ, cả xã gần như bị nhấn chìm, nước lên rất nhanh. Số liệu nhà dân bị ngập được cập nhật liên tục từ 300 hộ đến 400 hộ rồi lên 600 hộ (gần cả xã). Có nhà ngập sâu từ 3 - 4 mét. Toàn bộ người dân vùng lũ đang khẩn trương di chuyển đồ lên nhà nổi, nhà bè, rầm, tra để tránh lũ. Đoàn công tác xuống tận nhà các hộ dân nắm tình hình. Tôi tranh thủ ghi lại những hình ảnh về lũ lụt, phỏng vấn người dân và chính quyền địa phương. Đến khoảng 15 giờ, trời vẫn mưa như trút nước, đoàn bắt đầu trở về.

Khoảng 16 giờ, đoàn đến thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa. Đây là nơi nước chảy xiết nhất bởi hai bên núi cao, tạo thành một cái “eo”, dòng chảy lớn khiến chiếc ca nô gần như không thể vượt lên được. Theo chỉ đạo của thượng tá Đào Duy Sơn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện, trung úy Hà Minh Vệ lái ca nô tấp vào một cột điện neo đậu để tiếp thêm nhiên liệu và kiểm tra lại máy móc. Dòng nước chảy xiết kéo theo nhiều khúc gỗ to va vào khiến ca nô liên tục bị chao đảo. Trong khi vật lộn với dòng nước dữ, một khúc gỗ to lao đến, trung úy Vệ nhanh chóng đánh lái lách qua một bên. Tránh được khúc gỗ nhưng bộ chân vịt ca nô đập vào một cây tràm nằm dưới nước khiến ca nô chao đảo, quay tròn và bị kéo lùi hơn cả chục mét.

Lúc này, trung úy Vệ đề nghị được thử sức lần nữa. Và chiếc ca nô tiếp tục gầm rú chiến đấu với dòng nước chảy xiết tiến lên phía trước từng mét một. Qua được đoạn “eo” này, ca nô bắt đầu tăng tốc dần và đến hơn 18 giờ, khi màn đêm buông xuống tối đen, trong dòng nước xiết, chiếc ca nô cũng đưa chúng tôi về nơi cập bến. Từ điểm này, đoàn tiếp tục cuốc bộ thêm chừng 3km trên quốc lộ 12A bởi có nhiều đoạn đường bị ngập sâu, nhiều phương tiện không thể lưu thông...

20 giờ đêm hôm đó, tôi mới về đến trung tâm huyện để xử lý thông tin mưa lũ gửi về tòa soạn trong tình trạng điện và mạng internet chập chờn. Là phóng viên phụ trách địa bàn miền núi, thường xuyên chứng kiến cảnh mưa lũ, nhưng chuyến tác nghiệp trong mưa lũ tháng 1-2016 là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời phóng viên của tôi.

Xuân Vương