.

Đêm ấy cả ba người không ngủ

Chủ Nhật, 18/06/2017, 14:07 [GMT+7]

(QBĐT) - "Chiều nay, anh bận tiếp khách, đừng chờ cơm."- Chẳng biết tự bao giờ, những cuộc gọi hay nhắn tin như thế của chồng không làm chị buồn nữa. Chẳng bù cho khi xưa, chị cứ ngong ngóng chờ đến tối 15 và 30 hàng tháng để nghe anh điện về. Đúng hẹn, chị soạn giáo án, tắm rửa, ăn cơm sớm hơn mọi ngày rồi đưa hai con lên bưu điện cách nhà ba cây số. Ngồi trong phòng chờ, chị thấp thỏm nhìn đồng hồ tường rồi nghe chuông reo, chị có nỗi niềm hệt như mỗi lần anh về. Cô nhân viên bưu điện thường trêu: "Anh chị nói đến đỏ dây điện rồi kìa!" Lần sau, chị thường nghĩ trước điều định nói với anh nhưng khi cầm ống nghe, chị luống cuống mừng đến quên tiệt. Hôm nào đúng hẹn nhưng anh đi công tác đột xuất hay quên là y rằng chị có đêm mất ngủ và chuỗi ngày chất chồng dằn vặt sau đó. Liệu có bóng hồng nào chen vào khoảng trống trong những ngày anh xa chị. Mấy đồng nghiệp thường khuấy động bình yên trong chị bằng những nhận định tưởng rất vu vơ: "Đẹp trai chỉ cần trong ngày cưới còn sau đó giữ mệt lắm."; "Cứ lừa lấy một anh vai u thịt bắp cho dễ khiến."

Có kỳ hè, thay vì đi tham quan do trường tổ chức, chị đột ngột đến thăm anh. Nghe chị giới thiệu, anh bảo vệ cơ quan tròn mắt: "Chị là vợ anh Lượng?" "Vâng. Nhưng sao anh?". "Các cô hay tìm anh Lượng lắm nên tôi phải hỏi lại cho chắc” Anh bảo vệ chỉ vào phòng trực ban, nơi có bộ ấm chén và phích nước: “Chị vào đó chờ. Anh Lượng đi chơi khuya lắm, sớm cũng mười hai giờ đêm mới về." Giọng nói cùng khuôn mặt tỉnh bơ của anh bảo vệ khiến chị hoang mang, ấm ức. Chừng hai mươi phút sau nghĩa là chưa tới chín giờ, anh về. Chưa kịp mừng, anh đã ngớ người nhìn vẻ mặt lạnh tanh cùng nước mắt ròng ròng trên má chị. Thấy chị vùng vằng đòi về, anh bảo vệ hốt hoảng xin lỗi. Anh ta không ngờ trò đùa tai quái của mình lại hiệu nghiệm đến thế. Chuyện ấy, sau nghĩ lại, chị đỏ mặt.

Ánh ngày đã tắt, bọn trẻ đá cầu, nhảy dây trên hè phố đang giã bạn, chạy tìm dép để về. Chị bật điện trong nhà, bấm âm lượng ti vi to lên rồi vào bếp. Chị cắm điện hâm lại cơm rồi mở tủ lạnh. Thức ăn còn lủ khủ nhưng nhìn một lúc, chị đóng tủ, đứng ngây người. Bên kia tường, nhà hàng xóm đang sửa soạn bữa tối. Tiếng gõ bát loong coong lẫn với giọng thằng bé. "Bố bảo khi nào con học giỏi, bố về nhưng sao lâu thế, hả mẹ?" "Bố bận việc quân sự, con ạ" "Thế bố gởi tiền mua sách cho con chưa?" "Mẹ mua rồi." Thằng bé thôi gõ bát, hình như đang nhai gì nên giọng không được tròn: "Giờ này bố làm gì mẹ nhỉ?" "Thôi, con nhắc nhiều, bố hắt hơi đấy" "Thế con nhớ bố thì bố có hắt hơi không?"

Minh họa
Minh họa

Tổ ấm yêu thương mà theo lời anh kéo dài những ngày xa và rút ngắn những ngày gần của anh chị cũng từng có những tháng năm cả nhà thương nhau như thế. Mỗi bận về phép, hai con tranh nhau đem sổ liên lạc tới khoe để được thưởng. Như để bù lại những ngày xa, anh luôn tay giúp chị. Từ bổ củi, dội chuồng lợn đến cắt tóc cho con trai, bấm lỗ tai cho con gái, việc nào anh cũng "để đó anh". Chị ngại khi bạn bè đến thăm, trêu "chắc phải mua cho ông cái váy thôi". Anh cười: "Ngại gì, cuối đợt phép cô giáo cho em cái phiếu bé ngoan là oách rồi."

Rời phòng ăn với bát cơm không và hết, chị lên phòng riêng con gái trên gác. Chiều nay, trước khi đi, con gái bảo chị: "Dạy xong ca tối con còn tổ chức cho các em đón trung thu nên về khuya, mẹ đừng chờ." Vừa học vừa tham gia đội thanh niên tình nguyện của trường nên nó tất bật suốt ngay. Mỗi khi trở về từ lớp học tình thương, nó quấn lấy chị kể về những cảnh đời thương tâm. Nhưng dạo này dường như con bé ngại nói chuyện với mẹ. Mỗi khi đối diện chị, giọng nó nhẹ nhàng như vỗ về cùng vẻ mặt buồn nhìn lảng nơi khác. Ngược lại, với bố, nó hay cáu gắt hoặc im im suốt ngày. Nếu cho thì nhận chứ nó không nhủng nhẳng bám bố xin tiền như mọi khi. Cũng chẳng còn nghe anh nhắc con chuyện về muộn hoặc đưa bạn trai tới nhà nữa. Hồi học lớp chín, con bé đã vướng chuyện yêu đương. Vừa mềm dẻo vừa cương quyết, anh khuyên con phải tập trung lo học. Anh theo dõi sát thời khóa biểu của con, ngày ngày đưa đi đón về hệt như khi còn đi mẫu giáo. Con bé nghe ra và thôi cái chuyện chưa phải lúc. Thế là nhà lại vui. Giờ đây, lẽ nào con gái đã biết chuyện bố nó? Chị nhói lòng, không dám nghĩ tiếp.

Chị dọn dẹp phòng của con, thấy cuốn sổ bìa mạ vàng với dòng chữ nắn nót: "Đời sinh viên" để trên bàn. Một làn gió lùa qua khe cửa, lật từng trang cuốn sổ; chị ghé mắt vào đó. "Ngày... Mình đến từng gầm cầu, bãi rác động viên các em đi học. Những khuôn mặt nhem nhuốc, thấy thương quá. Nhiều em tới lớp mang theo cả đồ nghề đánh giày, bao ve chai, chồng báo để ngay chỗ ngồi. Mình biết đa số các em có cha mẹ bỏ nhau hoặc bị những người ruột thịt hắt hủi. Hỡi những ông bố bà mẹ ích kỷ, sao nỡ ngoảnh mặt để con trẻ phải vật vờ trên hè phố?!”

Chị giật mình. Đã bao lần chị lặng giấu nỗi niềm riêng để xuôi theo mách bảo của trái tim người mẹ. Nếu không thế, biết đâu chị cũng bị chính con gái lên án. Chị nghỉ hưu "non", theo chồng vào thành phố này cũng chỉ vì để các con có điều kiện học tốt hơn. Từ ngày anh nghỉ việc cơ quan, bỏ vốn lập công ty, kinh tế trong nhà lên trông thấy. Cũng từ đó, anh như đổi khác. Chẳng còn là tổ ấm, ngôi nhà, với anh, như quán trọ. Tháng tháng anh đưa chị xấp tiền, chắc không khác mấy cái kiểu kẻ nhà giàu trả thù lao cho người giúp việc. Khi chị có lời, anh chống đỡ bằng cái lý đã thành đầu lưỡi của nhiều ông chủ doanh nghiệp thời nay: "Giờ làm ăn phải lặn lội đêm hôm còn chẳng ăn ai..."

Bắt đầu từ những dấu son trên ngực áo đến những cú điện thoại gọi tới với giọng con gái nhưng nghe tiếng chị là dập máy ngay, chị dự cảm anh đã đổi lòng. Hôm em gái đưa đi "phục kích", chị tức run người khi thấy anh ngả nghiêng trong vòng tay ả ca ve trước quán karaoke. Chị làm dữ. Lúc đầu anh chối đấy đẩy; sau, xuống nước ỉ ôi xin lỗi. Nhưng chị biết anh vẫn tật ấy. Có khác chăng anh ngụy trang tốt hơn và những lời nói dối cũng trơn tru hơn. Có lần vợ chồng cự cãi, anh nói thẳng: "Tháng nào tôi cũng lo đủ ăn tiêu cho cả nhà, đòi gì nữa?" Chị sững sờ nhìn anh như một dị nhân. Khi anh lấy tiền làm chuẩn cho hạnh phúc gia đình thì chị chẳng còn lời để nói. Đã bao lần chị ngồi trước trang giấy, khó khăn viết những dòng giải phóng cho mình. Viết rồi xé, bởi chị thương con. Sống bên chồng con mà lắm khi chị ngỡ như đang diễn trên sân khấu. Có lúc người chị muốn vỡ tung nhưng trước các con vẫn cố tươi tỉnh. Vì con, ấy là lý do để chị còn ở lại nhà này, bên người chồng giờ đã trở nên xa.

Cái gì làm anh thay đổi đến không còn nhận ra như thế? Day dứt ấy bám lấy chị lên giường. Ti vi qua chương trình bản tin cuối ngày từ lâu, ngoài phố tiếng xe đã thưa nhưng chị vẫn nghĩ miên man. Chị giật mình nghe tiếng mở cổng rèn rẹt cùng tiếng giày khô khốc nện xuống nền gạch to khác thường. Nhận ra con gái, chị không lên tiếng. Nghe bước chân lên cầu thang nặng trịch của con, chị nhăn mặt khó chịu.

Lát sau, anh về. Không phải dáng khệnh khạng, liêu xiêu cùng những câu vu vơ nhòe  trong hơi men như mọi bữa, anh khép cửa rồi lẳng lặng lên gác. Với lí do phải làm việc đêm, từ lâu anh ngủ riêng trên lầu. Hết phập phồng lo con gái đi lại đêm hôm, chị cố tĩnh tâm, chợp mắt. Chị bỗng giật mình nghe chồng và con gái đang to tiếng. Chị ngồi dậy, lắng tai rồi bước nhẹ lên cầu thang.

- Con đã nói với bố, đó là con bé mất nết, bị trường con đuổi học- Chị nghe giọng con đẫm trong nước mắt- Thế mà bố cứ ôm lấy nó.

- Con làm thám tử theo dõi bố từ bao giờ thế?

- Bố không biết cuối con hẻm ngay bên hông khách sạn đi vào là lớp học của các em bất hạnh sao? Tình cờ thấy mà con sắp ngất rồi, sức đâu rình mò cảnh đau lòng ấy, hả bố- Con bé nức nở- Lần trước con giấu mẹ, những mong...

Thoáng thấy chị nơi cửa, con bé nhào ra ôm chầm lấy mẹ, khóc. Nhìn vẻ mặt đau khổ nhưng đầy tự chủ của chị, nó ngạc nhiên:

- Mẹ biết chuyện rồi phải không?

Chị mệt mỏi gật đầu và nói nhỏ:

- Con xuống dưới đi.

Chờ con xuống hết bậc thang cuối, chị quay vào kéo ghế ngồi đối diện anh. Anh giấu sự nóng lòng sau vẻ mặt khinh khỉnh, bất cần.

- Anh đã khuyên các con những điều đúng về tình yêu, hôn nhân. Chẳng biết giờ đây chúng nghĩ gì về người bố chúng từng yêu kính- Giọng chị bình tĩnh đến bất ngờ-Những tháng năm xa, em thấy anh gần gũi làm sao, giờ thì... Nay, con trai đã đi làm, con gái sắp học xong, em thấy mình không còn lí do để nấn ná. Nhưng thôi, mai ta nói tiếp.

Chị quay lưng, người nghiêng nghiêng dựa vào cầu thang, lần từng bước xuống. Anh nhìn theo sửng sốt.

Đêm ấy, trong ngôi nhà ấy, cả ba người không ngủ.                                                           

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt