.

Một bài thơ tình tri ân đồng quê

Thứ Năm, 14/04/2016, 07:48 [GMT+7]

(Nhân thưởng lãm phòng ảnh “Vũ điệu cò” của nghệ sĩ Bách Chiến)

(QBĐT) - Đó là một bài thơ, những bài thơ, mà theo như tiết tấu cảm nhận được thì là những câu những đoạn lục bát. Kiểu như:

“Con cò bay lả bay la...”
 Và như: “Cái cò cái vạc cái nông...”
 Lại như: “Con cò lặn lội bờ sông” 

Nghĩa là, 45 bức ảnh không tên, chỉ được gọi theo số thứ tự ( tưởng là lạnh lùng) từ “Vũ điệu cò 1” đến “Vũ điệu cò 45”, là cuộc sống, và chắc chắn là cuộc sống đồng quê rồi, với đầy đủ các đường nét, hình khối, ánh sáng, gam màu...những tố chất quan trọng của nghệ thuật nhiếp ảnh. Và hơn thế, còn là tiết tấu thơ, giai điệu nhạc trong mỗi bức ảnh, và có thể trong cả 45 bức ảnh. Phòng ảnh đưa khán giả lang thang như mộng du đến những cánh đồng như thật như mơ với bờ thửa bờ vùng, với nước với cỏ, với sương sớm ráng chiều, với nông phu cày bừa cấy hái trên những đồng sâu đồng cạn. Cò! Nhân vật trữ tình của 45 bức ảnh hiện lên với những cung bậc cảm xúc tưởng như chỉ có thể gọi tên bằng ngôn ngữ thơ.

Một tác phẩm trong triển lãm ảnh
Một tác phẩm trong triển lãm ảnh "Vũ điệu cò" của tác giả Bách Chiến

Phải yêu Cò lắm, cũng có nghĩa phải có một trái tim nhân hậu cần và đủ tâm hồn nghệ sĩ mới bật ra được cái Tứ thơ- Tứ truyện- Giai điệu “ Vũ điệu Cò” . Và, sau 5 năm (gần hai nghìn ngày thăng hoa với ống kính, tốc độ, khuôn hình, gam màu, đường chân trời, chiều sâu ảnh trường...Bách Chiến đã trình làng một bữa tiệc gồm 45 món ăn giống mà không giống, lạ mà quen, không mặn không nhạt, hư hư mà thực thực, là cuộc sống đời thường mà không phải cứ đưa tay ra là với tới được.

45 tác phẩm đều không đặt tên ảnh, có thể thâm ý tác giả muốn người thưởng lãm tự gọi tên theo cảm xúc của riêng mình. Nhưng nhìn vào mỗi khuôn hình, mỗi gam màu, chủ yếu là gam màu lạnh bởi Cò thì mặc nhiên màu trắng, người ta đều như nghe vang ngân những câu thơ từ đâu trong ký ức vọng lại:

         Con Cò mà đi ăn đêm
         Đậu phải cành mềm...
Cái Cò, cái Vạc, cái Nông ( Bồ nông)
Ba con cùng nhác vặt lông con nào

Và sâu hơn, nhân văn hơn là những “tứ”trong ca dao còn “Đối thoại” “Tranh luận” với cò:  

  Cái cò cái Vạc cái Nông
 Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò
 - Không, không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà nó đổ thừa cho tôi

Ảnh nghệ thuật có ngôn ngữ riêng, không thốt nên lời mà tác động vào cảm xúc, để từ đó mà vang lên những thông điệp. Ở “Vũ điệu Cò” là âm hưởng nhân văn, tiếng gọi khẩn thiết bảo vệ môi trường. Cò là bản thể của cuộc sống tự nhiên, cho thế giới hoang dã mà gần gũi đáng yêu. Ngay cả trong thơ ca giai đoạn phục vụ nhiệm vụ chính trị, cánh cò hiện lên cũng thật tự nhiên, mềm mại, không hề khiên cưỡng:

     ...Thôn ta hợp tác lâu rồi
   Lúa ta chen đứng chen ngồi bên nhau
          Bờ ta phá bỏ từ lâu
Lúa thêm chỗ đứng còn đâu chỗ cò

Hoặc cũng nói về phong trào phá bờ làm ăn tập thể từng có một câu thật hay:      

Con cò trên ruộng cánh phân vân

Gần một thế kỷ trước, nhà thơ Tú Xương đã lấy thân cò để thế thân cho thân phận người phụ nữ, người vợ:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước lúc đò đông...

Xin được diễn ngôn ra như vậy, bởi vì gần như tất cả những ý tứ, những cảm xúc trữ tình trên đây người xem đều có thể “bắt gặp” trong “Vũ điệu Cò”.                           

*

Với cách chọn đề tài, Bách Chiến đã có được bước đột phá để tự khẳng định, tự vượt mình sau mảng đề tài di tích lịch sử, văn hóa chủ yếu là những khuôn hình tĩnh. “Vũ điệu Cò” là những khuôn hình động, gam màu lạnh mà vẫn nhiều sinh khí (Hay xin tạm gọi là gam màu... "mát"). 45 tác phẩm đưa người xem đến nhiều bất ngờ bởi những thăng hoa cảm xúc và tính nghiêm túc trong lao động nghệ thuật khoảnh khắc của tác giả. Với “ Vũ điệu Cò” Bách chiến đã ghi điểm, đã gióng lên một tiếng chuông về chủ nghĩa nhân văn và môi trường là hai lĩnh vực mang tính xã hội rộng lớn và nóng bỏng hiện nay. Tôi muốn ví “ Vũ điệu Cò” như một bài thơ tình. Một bài thơ tình gồm 45 câu gần gũi nhau về ý tứ, giai điệu nhưng không hề trùng lặp, Mỗi “câu thơ-khuôn hình” đều có cuộc sống riêng nhưng tựu trung đều vang lên âm hưởng đồng quê Việt Nam và tình cảm tri ân của tác giả đối với quê hương đất nước đã sinh thành, nuôi dưỡng mỗi chúng ta thành người, cho ta một tâm hồn nghệ sĩ. Một bài thơ tình đã được phổ nhạc. 

Nguyễn Thế Tường