.

Về bộ ba "cẩm nang" văn hóa Quảng Bình

Thứ Tư, 04/11/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với những ai có nhu cầu tìm hiểu, khám phá về cái hay, cái đẹp của văn hóa, con người đất Quảng Bình, bộ ba cuốn sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian” (3 tập) của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh được xem là một “cẩm nang” quý giá và hữu ích.

Ngôn ngữ dễ hiểu, ngắn gọn, hình ảnh minh họa hấp dẫn, phong phú, các di tích, danh lam, thắng cảnh, con người, lễ hội được chọn lọc trình bày ấn tượng, tạo dấu ấn và nhất là tập sách đã bao quát hầu hết những nét đặc trưng, nổi bật nhất của đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và tự nhiên của mảnh đất gió Lào cát trắng.

Ngay từ lời mở đầu cho cuốn sách đầu tiên “Quảng Bình ẩn tích thời gian” xuất bản năm 2008, đội ngũ biên tập của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh đã khẳng định: “Quảng Bình có di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, 42 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh, trên 300 làn điệu dân ca, hàng chục lễ hội dân gian lớn nhỏ và trên 10.000 hiện vật có giá trị lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh”. Tập sách nhằm mục đích bước đầu chọn lọc, giới thiệu một phần giá trị di sản văn hóa trong kho tàng vô giá ở vùng đất đa dạng sinh học và đa chiều văn hóa-lịch sử tiềm ẩn hàng ngàn năm của Quảng Bình.

Đồng thời, bộ ba cuốn sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian” còn kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp những kiến thức khái lược và chọn lọc về hình ảnh tỉnh ta cho khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu bên cạnh các ấn phẩm hay những hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch khác. Mỗi cuốn sách được chia làm ba phần cụ thể, phần 1 là về di tích, danh lam, thắng cảnh; phần 2 dành dung lượng cho các danh nhân văn hóa và lịch sử; phần 3 là để giới thiệu một số lễ hội, lễ và hội đã mai một hoặc đang được phát huy, phục hồi, có sức sống lâu bền trong cộng đồng.

Bộ ba cuốn sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian” là “cẩm nang” cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu về cái hay, cái đẹp của văn hóa tỉnh nhà
Bộ ba cuốn sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian” là “cẩm nang” cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu về cái hay, cái đẹp của văn hóa tỉnh nhà

Phần 1 của cả ba cuốn sách “Quảng Bình ẩn tích thời gian” đưa đến cho độc giả một cái nhìn toàn vẹn nhất về các di tích, danh lam, thắng cảnh nổi bật ở Quảng Bình. Bên cạnh những “tên tuổi” đã đỗi quen thuộc với du khách gần xa, như: Phong Nha-Kẻ Bàng, Đá Nhảy-Lý Hòa, sông Gianh, đèo Ngang, Quảng Bình Quan, lũy Đào Duy Từ, các điểm di tích trên đường 20 Quyết Thắng, hang Sơn Đoòng, sông Nhật Lệ, sông Gianh..., nhiều địa danh khá mới mẻ với khách thập phương khác cũng được giới thiệu đầy đủ, chi tiết, như: động Chân Linh, sông Loan-núi Phượng, thác Pụt, đường Ba Trại, hang Lèn Hà, địa đạo Văn La... Đây là những điểm đến mang lại nhiều hấp dẫn, tò mò với du khách và chính là các “mỏ vàng” tiềm năng của ngành du lịch tỉnh nhà trong tương lai nếu chúng ta tìm được cách thức khai thác, phát huy thế mạnh hiệu quả. Đối với mỗi bài viết giới thiệu về di tích, danh lam, thắng cảnh, ngoài trình bày sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển, vai trò trong cuộc sống người dân, các tác giả còn quan tâm đi sâu, gợi mở vào sự đổi thay và những hướng đi phát triển trong tương lai của từng điểm đến này.

Phần 2 của ba cuốn sách giới thiệu về các danh nhân văn hóa, lịch sử-những người góp phần làm rạng danh tên tuổi mảnh đất Quảng Bình trong sử sách. Đó có thể là những danh tướng lừng lẫy, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Phúc Phấn, Võ Nguyên Giáp..., những nhà văn hóa lớn, như: Dương Văn An, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Hữu Hào, Huỳnh Côn..., hay các nhà văn, nhà thơ thời hiện đại, như: Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử... Các danh nhân văn hóa-lịch sử hiện lên trong từng trang sách vẹn nguyên những giá trị di sản mà họ để lại cho đời, qua đó, giúp người đọc hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời và hoài bão lớn lao của từng bậc anh hùng. Một số danh nhân Quảng Bình chưa được biết đến nhiều cũng được giới thiệu trong cả 3 tập sách, nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn vẹn, đầy đủ nhất về “nhân kiệt” của tỉnh nhà, như: Trần Ngọc Quán-họa thơ nữ sĩ đạt “khôi nguyên”, vương sư Nguyễn Văn Nhuận, Đoàn Chí Tuân-ngọn cờ cứu nước...

Không phải ngẫu nhiên mà phần 3 của cả ba cuốn sách đều chủ yếu giới thiệu về các lễ hội dân gian. Bởi, đây không chỉ là nét đẹp văn hóa, đúc rút những nét tinh hoa, ấn tượng nhất trong sinh hoạt cộng đồng của con người xứ Quảng, mà còn là một “kho báu” tiềm năng để phát triển du lịch, mang lại những góc nhìn mới cho quảng bá hình ảnh tỉnh nhà. Các lễ hội, dù mai một hay đang được bảo tồn, phục dựng đều được giới thiệu chi tiết, cụ thể, sinh động và đầy đủ. Không ít lễ hội mang lại niềm thích thú, hấp dẫn với bạn đọc bởi sự lạ, mới, như: Lễ hội đuổi chim làng Quảng Xá, Hội nơm cá Bàu Rồng, Lễ bưng cổ Tết ở Minh Hóa, múa chạy chữ Nhân Trạch, hát Kiều Kinh Châu, Hội cướp cù ở Trấn Ninh xưa...

Là một tập sách hay giới thiệu văn hóa, con người, địa danh Quảng Bình, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp và trong bối cảnh khó khăn chung của ngành xuất bản, số lượng in mỗi tập “Quảng Bình ẩn tích thời gian” rất hạn chế, chỉ khoảng 700-800 bản, cá biệt tập 3 chỉ in 300 bản. Khoảng cách cho ra đời mỗi tập sách cũng khá xa nhau, nếu cuốn 1 (2008), cuốn 2 (2009) chỉ cách 1 năm, thì cuốn 3 phải đến năm 2014 mới xuất bản. Đây là một thiệt thòi lớn đối với những ai mong muốn tìm hiểu, khám phá về mảnh đất Quảng Bình, nhất là khách du lịch trong nước và quốc tế. Thiết nghĩ, trong khi các ấn phẩm quảng bá du lịch Quảng Bình còn rất hiếm hoi, thì việc hỗ trợ, đầu tư cho các cuốn sách như thế này cũng là một cách làm hay để phát triển du lịch tỉnh nhà.

Mai Nhân