.

Văn Lợi với "truyện ngụ ngôn"

Thứ Hai, 02/11/2015, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Văn Lợi sinh năm 1944, tại Ba Đồn, nhưng chủ yếu lớn lên và lập nghiệp ở Đồng Hới. Ông nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch, nay là Hội trưởng Hội di sản văn hóa Việt Nam Quảng Bình. Cho đến hôm nay, ông đã trình làng hơn 20 đầu sách lớn nhỏ bao gồm thơ, truyện. Ông từng được nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn, Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, và Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong số đó, truyện ngụ ngôn là sáng tác đầy tâm đắc của ông và đã được dư luận đánh giá cao. Khoảng năm 2008, Trường đại học Michigan (Mỹ) đã xếp Văn Lợi trong số 26 tác giả nổi tiếng của thế giới (như Ê-Dốp (Hy Lạp); La-phong-ten (Pháp), Léptonstoi (Nga)...) về sáng tác truyện ngụ ngôn và trích đăng một số tác phẩm của ông trong tập “Ngụ ngôn thế giới” của trường.

Bìa cuốn Ngụ ngôn Văn Lợi do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2003.
Bìa cuốn Ngụ ngôn Văn Lợi do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2003.

Truyện ngụ ngôn là loại truyện mà tác giả kể về giai thoại giữa con vật và con vật, giữa vật và vật, giữa vật và người. Mượn những chuyện kể ấy, tác giả giúp con người liên hệ, tưởng tượng ra mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, rồi từ đó tự rút ra bài học nhân sinh cho mình và đồng loại. Chính nhờ nghệ thuật ẩn dụ ấy mà ngoài giá trị giáo dục tư tưởng, truyện ngụ ngôn giúp người đọc mở rộng tư duy, óc tưởng tượng và liên hệ. Chọn thể loại sáng tạo này, với năng lực và sở trường của mình, tác giả Văn Lợi đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể.

Năm 1999, tập “Ngụ ngôn Văn Lợi” gồm gần 100 truyện do Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình ấn hành là dấu mốc quan trọng trong quá trình sáng tác trước, trong và sau đó của ông. Đó là chưa kể Sở Giáo dục phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã trích in thành tập riêng có chủ đề tập trung nhằm giáo dục lứa tuổi học trò cấp 1, cấp 2 như tập “Quạ tập hót”.

Truyện ngụ ngôn của Văn Lợi có lối viết hóm hỉnh, ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng chủ đề, tư tưởng lại ẩn chứa nhiều thứ lớp. Nó không những có tác dụng giáo dục cho thiếu nhi mà cả người lớn. Ví dụ chuyện con cò tham ăn định mổ con nhái bén. Nhái bén khôn ngoan ngồi vào chiếc vòng mà nó đang chơi rồi dựng vòng lên. Cò tham ăn mổ luôn cả vòng lẫn nhái bén. Nhái bén nhảy ra ngoài được từ miệng cò. Con cò bị cái vòng căng mỏ nên không khép lại được, đau đến chết. Truyện ấy đã đưa ra một triết lý “tham thì thâm” như nhan đề câu chuyện.

Tương tự chủ đề ấy, Văn Lợi kể chuyện một con cáo già không đi kiếm ăn được, nó giả bộ nằm lăn trước cửa hang. Một con gà đi ngang thấy vậy bèn nghĩ rằng cáo chỉ đang nằm ngủ, gà bỏ đi. Trái lại, một con quạ bay ngang tưởng cáo đã chết, sà xuống, đến gần đưa mỏ lên chực rỉa mồi thì cáo liền choàng dậy, vồ lấy, ngoạm nhai ngon lành con quạ.

Các chuyện “Quạ tập hót”, “Cóc và Ếch”, “Sáo nhà và Sáo trời”, “Ong và Ruồi”, “Chim khách và Quạ”, “Dê và Sói”... có một lối kể hóm hỉnh nhẹ nhàng nhưng lấp lánh bao triết lý nhằm khuyên răn con người phải sống đẹp, phải thông minh, phải tỉnh táo.

Với những thành công trong sáng tác thể loại độc đáo này, trong bài giới thiệu cho tập “Văn Lợi – truyện ngụ ngôn” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2003, giáo sư Vũ Ngọc Khánh ở Viện Văn học đã viết: “Văn Lợi đã rất tâm đắc với loại truyện ngụ ngôn văn xuôi này. Anh chọn đúng kiểu sáng tác dân gian, không làm thơ mà kể chuyện, chuyện càng ngắn, càng hay. Anh cũng đi đúng loại hình ngụ ngôn, chủ yếu sử dụng hình tượng của các loài vật, động vật... đã gợi ra những bài học ở đời không chỉ cho trẻ con mà cho cả người lớn”. Còn trong lời đề tựa cho tập “Quạ tập hót” do Hội Văn học Nghệ thuật và Sở GD-ĐT Quảng Bình ấn hành năm 1992, cố thi sĩ Xuân Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình đã từng viết: “Trong số ít ỏi những tác giả viết thơ và truyện ngụ ngôn hiện nay ở tỉnh ta, Văn Lợi đã nổi lên như một hiện tượng hiếm hoi đáng quý trong cả nước”. Sở dĩ sáng tác truyện ngụ ngôn của Văn Lợi được đánh giá cao như thế, như cố thi sĩ Xuân Hoàng đã viết: “Tiếp tục chất hóm hỉnh vốn có của mình, hôm nay, vẫn với những con vật kể cả những đồ vật và thiên nhiên được nhân cách hóa, Văn Lợi đã vẽ được những bức tranh khá sinh động trong xã hội chúng ta đang sống”...

Được biết, nhà thơ Văn Lợi đang tập hợp những chuyện ngụ ngôn chọn lọc để cho ra mắt bạn đọc trong thời gian tới. Việc giáo dục con trẻ bằng nhạc, phim, tranh ảnh, thơ ca, truyện kể... thiết nghĩ, nếu các nhà trường đưa “Truyện ngụ ngôn” vào chương trình học, đọc của các em thì sẽ đạt nhiều hiệu quả cao hơn. “Truyện ngụ ngôn” của Văn Lợi rất có thể là nhân tố thuận lợi cho công việc đó.

Hồ Ngọc Diệp