.

Hò chèo cạn Bảo Ninh: Nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội truyền thống vùng biển Đồng Hới

Thứ Tư, 14/10/2015, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Hò chèo cạn phổ biến khá rộng rãi ở các vùng biển Quảng Bình như Cảnh Dương huyện Quảng Trạch; Hải Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch huyện Bố Trạch, Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú thành phố Đồng Hới,... Trong đó, chèo cạn ở Bảo Ninh là một nét văn hóa đặc sắc được bảo tồn và phát triển trong các lễ hội truyền thống vùng biển Đồng Hới, được giữ mãi cho đến bây giờ.

Tôi có dịp may mắn, được nhà nghiên cứu Nguyễn Tú mời qua đò sang sông Nhật Lệ vào những năm 80 của thế kỷ trước, để nghiên cứu và ký âm lại 6 mái chèo cạn do các nghệ nhân xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới hồi đó trình diễn.

Có thể định nghĩa hò chèo cạn là tập hợp một số làn điệu hò được sắp xếp thứ tự về nội dung và tính chất thể hiện khi diễn xướng, làm thành một tổ khúc hài hoà, nhuần nhuyễn. Hò chèo cạn thường được diễn xướng tại nơi tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương. Mỗi đội hò chèo cạn thường gồm một người hò cái đứng bên phải hoặc bên trái tốp chèo và một tốp xố con (hò xô) khoảng 12-16 người, đứng thành hai hàng dọc, mặc áo quần bà ba màu sắc sặc sỡ, đầu quấn khăn màu, lưng thắt dải lụa, tay cầm mái chèo, nhìn rất đẹp và khỏe khắn. Thường thường, người hò cái là nam và trang phục màu sắc có khác so với tốp hò xô. Lúc diễn xướng hò chèo cạn, người hò cái lĩnh xướng các câu hò, mỗi lần hò xô là một lần tốp chèo làm mô phỏng động tác đẩy mái chèo đều đặn, nhịp nhàng.

Ngày nay, khi diễn xướng hò chèo cạn trên sân khấu nghệ thuật, cả người hò cái và người xố con đều là nữ và trang phục đồng loạt áo dài, đầu đội khăn đóng, dải lụa dài được vắt qua vai, màu sắc trang phục rất sặc sỡ nổi bật.          

Hò chèo cạn thường có 5-6 làn điệu hợp lại (người ta còn gọi là 5-6 mái). Chèo cạn ở Bảo Ninh, các mái đó là: Mái dài, mái ba, mái nện, mái kéo lưới và mái khoan. Có khi người ta dùng cả hò đưa linh vào nữa thành 6 điệu, nên thường gọi là 6 mái chèo cạn.

1/ Hò mái dài: Đây là một lối hò rất xưa. Hiện nay ở Bảo Ninh còn một số cụ ông, cụ bà 70-80 tuổi hát được điệu hò mái dài. Thanh niên hiện nay, kể cả những ca sĩ trẻ tuổi cũng ít người hát được điệu này. Bởi hò mái dài có giai điệu trầm bỗng trong một cử âm rộng, ngân nga, luyến láy nhiều, có nét phảng phất âm hưởng điệu hò mái nhì ca Huế. Khi hát lên nó gợi nhớ, gợi thương, man mác trên sông nước.

Hò mái dài thường dùng thể thơ lục bát để hò. Vào đầu bằng một tiếng đệm (trong nốt lấy đà, trước ô nhịp chính) rồi mới đến nội dung câu hò, từ âm vực thấp lên cao bằng tiếng "hò hơ..." kéo dài. Khi hò hết câu 6 lại tiếp tục hò vào câu 8. Do tính chất của điệu hò, mà trong câu 6 và cả trong câu 8 đều được nhắc lại một cụm 2 hoặc 4 từ, trước hoặc sau tiếng "hò hơ", trong các lời cổ để tăng thêm tính chất man mác, nhớ thương và sâu lắng lòng người.

Một câu ca lời mới:  

"Mừng nay đất nước Bảo Ninh
Sao vàng phấp phới văn minh đuốc hồng"  

Những đêm khuya thanh vắng, gió mát, trăng thanh, chèo thuyền trên dòng Nhật Lệ, người xưa hay hò điệu hò mái dài để nhớ lại nguồn gốc xa xưa của tổ tông mình ở xứ Thanh đã di cư vào khai hoang lập ấp chốn Mâu Sơn, Lệ Hải này.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tú, điệu hò mái dài do người đời trước mang từ Thanh Hoá vào truyền khẩu rồi biến đổi dần, nên vẫn có mang đôi nét giai điệu hò lơ ven dọc sông Mã tỉnh Thanh Hoá.

Trong hò chèo cạn, hò mái dài thường được hát đầu tiên, như là một lời giới thiệu tổng quát nội dung của buổi trình diễn chèo cạn.

Hò chèo cạn của ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.                     Ảnh: P.V
Hò chèo cạn của ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Ảnh: P.V

2/ Hò mái ba: Hò mái ba là một điệu hò vừa duyên dáng, hấp dẫn lại vừa sống động, diễn tả được hình ảnh chèo thuyền trên sông nước. Hò mái ba thường được hò trên thể thơ lục bát, trau chuốt. Nội dung lời thơ càng trau chuốt, càng duyên dáng thì càng lôi cuốn lòng người. Tuy vậy vẫn phải bám sát nội dung chủ đạo của toàn buổi trình diễn chèo cạn hôm đó.    

Hò mái ba được xem là điệu hò đại diện cho hò khoan chèo cạn, bởi lẽ khi nghe điệu hò mái ba, người ta có thể hình dung được động tác chèo cạn - một lối chèo thuyền được cách điệu để trình diễn một cách nghiêm trang trước sân đình hay trong các buổi lễ hội đông người, vì các câu hò xố do chinh những người xố con đứng cầm chèo trình diễn.

Trong hò mái ba, phần xố rất ăn nhịp với động tác chèo thuyền. Vì vậy, người ta nói hò mái ba mới chính thật là điệu hò của chèo cạn. Khi người cầm cái hò dứt, toàn bộ những người xố con đồng thanh xố, vừa xố vừa làm động tác chèo thuyền nhịp nhàng, uyển chuyển như múa với đạo cụ là cây chèo. Đầu dưới mái chèo đặt xuống đất cát, đầu trên cầm trên tay, đứng thành hai hàng quay mái chèo về hai phía. Mỗi lần xố là múa một động tác tại chỗ, như đẩy một mái chèo vậy.

Trong hò mái ba, người hò cái thường bắt đầu bằng "hô khoan ơi ..." rồi hò hết câu 6 thì hò xố "xố xố xố hò là hô khoan". Người hò cái tiếp tục hò câu 8 bằng cách hò thêm phần đầu của câu 8 để xố con, rồi mới hò tiếp trọn cả câu 8 cho xố con xố kết câu bằng "hò là hô khoan". Vì như đã nói ở trên, nên điệu hò mái ba có thể được hò nhiều thời gian hơn và nhiều câu hò hơn các điệu hò khác trong buổi trình diễn chèo cạn.

3/ Hò mái nện (còn gọi là hò hụi): Hò mái nện xuất phát từ trong lao động sản xuất nơi đông người cùng làm những công việc có tính chất như nhau và nặng nhọc, như đầm đất, đắp đê, làm đường, nện móng, giã gạo,... là những công việc chủ yếu chỉ làm bằng hai tay, người đứng yên tại chỗ hoặc di chuyển rất ít. Hò mái nện có tác dụng thúc giục người lao động thêm hăng say, quên bớt mệt nhọc và tăng năng suất lao động.

Hò mái nện là một điệu hò có âm điệu uyển chuyển ở âm vực trung, không cao lắm; chỉ có những từ đầu hát ở âm vực cao, bắt đầu bằng "hụi bơ hò hụi..." còn người hò xố thì xố "ơ hơ hò hụi". Như vậy là cả hò cái và hò xố đều có các từ cuối là  "... hò hụi" cho nên người ta còn gọi điệu hò mái nện là hò hụi vì lẽ đó.

Một đặc điểm khá đặc biệt ở điệu hò mái nện là có phần nhắc lại các cụm từ trong lời ca của cả người hò cái và người xố. Và chính lúc hò nhắc lại (như là điệp từ) đó mới có sự lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích người lao động.

Một đặc điểm nữa của hò mái nện là khi người hò cái đang say đắm với mạch hò kể lể, tự sự của điệu hò thì một người hò cái khác (thường là người thầy hò) bắt sang điệu hò mái khoan một cách nhuần nhuyễn đến mức người nghe cứ tưởng như đang hò mái nện. Do đó, người ta thường nói hò hụi, hò khoan như hai anh em là vậy.

4/ Hò mái khoan: Hò mái khoan trong hò chèo cạn không có âm lượng lớn và mạnh như hò mái nện nhưng vẫn có tác dụng như hò mái nện. Đây là một làn điệu khá quen thuộc và rất lôi cuốn người nghe.

Trong hò mái khoan, cấu trúc câu hò khá ổn định, không có các cụm từ nhắc lại như hò mái nện, ở đây phần hò cái và phần xố rõ ràng và có quy luật chứ không tự do, phá thể như ở hò mái nện.

Giai điệu trong phần hò cái rất uyển chuyển, luyến láy nhiều, nghe thánh thót. Phần xố, giai điệu ít luyến láy hơn, đặc biệt là ở phần hò xố giữa câu và cuối câu. Thường có hai câu hò xố:

- Xố đầu câu hò là: "Ơ hố khoan là hố khoan ơi hò khoan..."
- Xố giữa câu và cuối câu hò là: “Ơ là hố..."

5 / Hò kéo lưới: Trong hò chèo cạn, hò kéo lưới thường được hò sau các mái: hò mái dài, hò mái ba, hò mái nện, hò khoan. Tuy là một điệu hò được sử dụng vào những lúc lao động kéo lưới nặng nhọc trên biển cả như hò kéo neo, hò kéo buồm, nhưng khi hò kéo lưới đưa vào với các điệu hò chèo cạn thì nó lại rất hài hoà, dễ ăn nhịp với các mái hò trước.

Hò kéo lưới có tiết tấu chắc khoẻ, dồn dập bởi các típ nhạc ngắn gọn 4 - 5 âm tiết, mỗi âm tiết là một nốt đen hoặc nốt móc đơn có chấm dôi đi liền với nốt móc kép. Lời ca của hò kéo lưới thường dùng thể lục bát, mỗi từ đặt dưới mỗi âm tiết trong nhạc. Người hò có thể thêm từ đệm vào thể lục bát tạo ra sự dồn dập trong tiết tấu, nên típ nhạc mới có 5 âm tiết. Người mới bắt đầu tập hò có thể không hát tiếng đệm, và như vậy mỗi típ nhạc chỉ gồm 4 nốt đen; mỗi câu hò, ngoài phần hò dạo đầu "là hố... hồ... khoan " được cấu tạo bởi 4 típ nhạc. Câu 6 gồm 2 típ (có 2 từ đệm), câu 8 cũng có 2 típ; ở 2 típ nhạc của câu 8 có khi người ta cũng thêm từ đệm để hát cho mềm chút ít, đỡ phần nặng nhọc trong lúc lao động.        

Một câu hò kéo lưới:

"Quăng chài ta bủa ta vây
Cá cùng vào lưới mà xây dựng đời"...        

6/ Hò đưa linh: Hò đưa linh thường chỉ dùng khi làm lễ đưa đám cá voi hoặc các loại cá lạ và rất to trôi dạt vào bờ (dân vùng biển thường gọi là Cá Ngài). Cũng có khi người ta sử dụng điệu hò đưa linh vào các buổi lễ cúng rằm tháng bảy, lễ cầu may vào vụ đánh cá vụ nam hoặc dùng trong lễ đưa đám các bậc cao niên qua đời.

Hò đưa linh có giai điệu trầm, tiết tấu đều đều, chậm rãi, gây xúc động và trang nghiêm đối với người dự lễ đưa linh. Trong hò đưa linh không có người hò cái và người xố như các điệu hò khác mà cả ngưới hò cái và xố cùng hát.

Hò đưa linh thường được hò theo thể thơ 4 chứ, 5 chữ là chính. Ở Bảo Ninh, hò đưa linh có lúc được kết hợp với 5 điệu hò chèo cạn thành 6 mái và người ta thường gọi là 6 mái chèo cạn. Trong những trường hợp đó, điệu hò đưa linh được hò cuối cùng sau 5 điệu hò mái dài, mái ba, mái nện, mái khoan và hò kéo lưới.

Qua phân tích 6 điệu hò trong hò chèo cạn, chúng ta thấy được vai trò của người hò cái, cũng là người lĩnh xướng rất quan trọng. Có thể nói người hò cái là linh hồn của một cuộc diễn xướng chèo cạn. Ở đội chèo cạn xã Bảo Ninh, người hò cái hơn 40 năm là ông Trương Gà. Không những ông đã đảm trách vai hò cái mà ông còn là người hướng dẫn, truyền dạy lại các điệu hò cho anh chị em có năng khiếu dân ca trên cồn cát trắng Bảo Ninh từ tuổi thanh niên cho đến những năm tuổi bát tuần. Nên ở Bảo Ninh còn gọi ông bằng cái tên kính mến: Thầy Gà.

Hiện nay, trong các lễ hội truyền thống vùng biển Đồng Hới như Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành, hò chèo cạn được đưa vào phần hội để diễn xướng rất sôi động, mang đậm chất dân gian, được công chúng yêu quý và gìn giữ lâu bền.                 

Hò chèo cạn là một nét văn hóa đặc sắc thường được diễn xướng trong các lễ hội truyền thống vùng biển Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể quý báu cần được lưu truyền và bảo vệ để tồn tại và phát triển mãi mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến