.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LLVT tỉnh Quảng Bình (4-7-1945 - 4-7-2015):

Cái buổi ban đầu...!

Thứ Sáu, 03/07/2015, 17:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi cầm bút thực hiện bài viết này trong tâm thế một người cũng từng nhập ngũ tham chiến trong công cuộc giải phóng miền Nam, nhưng không ở trong đội hình những người cùng quê hương và thuộc thế hệ con cái của những bậc tiền bối Quảng Bình đánh Pháp.

Ngày ấy,ngày 4 tháng 7 năm 1945, cách nay tròn bảy mươi năm,tôi, lúc ấy còn là hạt bụi bay lơ lửng đâu đó trong không trung chưa biết được thời điểm và hình hài lúc ra đời. Ở thượng nguồn con sông mà ba mạ tôi đang định cư, có một sự kiện hết sức quan trọng để sau này được xác định chính là thời điểm thành lập lực lượng vũ trang Quảng Bình.

Thành lập lực lượng vũ trang! Khi chưa đọc sâu vào lịch sử tỉnh nhà, sẵn óc lãng mạn, tôi hình dung ra một ngày nắng chói, trên bãi đất rộng và bằng phẳng như sân bóng đá có một khối người xếp hàng ngang dọc vuông vắn, quân phục chỉnh tề, vũ khí quân cụ loảng xoảng. Đầu hàng quân có những vị chỉ huy, áo bốn túi “cẳng chì-giò heo” (dày đen-súng lục) bước đi chững chạc, quân lệnh sang sảng...Vâng, đừng trách tôi vì cái sự giàu tưởng tượng.

Bởi vì đó chính là hình ảnh của quân đội ta sau đó chỉ mươi mười lăm năm, khi tôi đã biết nhìn ngó và sau nữa đã tham gia vào. Còn lúc ấy, vào cái thời điểm ngày 4-7-1945, khi mà trên đất nước ta, chính quyền chưa thuộc về nhân dân, mọi hoạt động của lực lượng yêu nước còn phải nhìn trước ngó sau, “...tại trại sản xuất An Sinh (Trường Thủy- Lệ Thủy) hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh, bầu ban chấp hành, vạch chương trình hành động, gấp rút thống nhất lực lượng Việt Minh, củng cố ban chấp hành, xúc tiến tự vệ chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập chiến khu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xung phong”.(sách “Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Quảng Bình”).

Đấy, nội hàm của sự kiện là như vậy. Không có đội ngũ , không có quân cụ vũ khí với quân lệnh... trong đầu óc lãng mạn của tôi và có thể nhiều người nữa trong chúng ta. Nhưng nội hàm ấy lại vô cùng quan trọng, là kim chỉ nam hành động để nội lực vũ trang bắt đầu được khẳng định, và, đến thời cơ cách mạng mà, nói như VI Lê Nin: “Khi thời cơ đến mà người cộng sản không hành động thì cũng đồng nghĩa với tự treo cổ mình”. Dân tộc ta có câu chuyện cổ tích Thánh Gióng đượm màu sắc thần thoại rất hay: Một  cậu bé ra đời ba năm không nói không cười.

Bỗng một ngày có biến, cậu ngồi dậy ăn hết ba nong cơm, ba nong cà rồi vươn vai thành tráng sĩ lên ngựa... Cũng cần nhớ, quân đội nhân dân Việt Nam khi ra đời cũng chỉ có “Ba mươi tư chiến sĩ chân đất áo nâu áo chàm, vũ khí chỉ có dao găm súng kíp”, người chỉ huy còn đội mũ phớt của ký giả. Vậy mà chưa đầy mười năm sau đã đánh bại một đội quân viễn chinh thiện chiến tốp nhất thế giới.

Còn ở Quảng Bình ta, thậm chí chưa có đơn vị “vũ trang” nào. Ở các địa phương có các đội tự vệ và gần như chưa có súng. Tất cả đều bắt đầu từ  mười hai chữ trong nội dung hội nhị ngày 4-7-1945: “Xúc tiến tự vệ chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang” Và, cũng chỉ chưa đầy hai tháng sau, chính xác là một tháng mười chín ngày, ngày 23-8-1945, lực lượng vũ trang sơ khai ấy đã làm tròn cái sứ mệnh là sức mạnh bạo lực cách mạng hậu thuẫn cho quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền trên tất cả các địa bàn cả tỉnh.

Khi tôi ra đời, lớn lên đủ tuổi nhận biết thì cuộc kháng chiến chống Pháp đã xong xuôi. Văng vẳng tiếng kèn chiến thắng và giai điệu ca khúc “Giải phóng Điện Biên” cùng điệu nhảy sạp của người Thái mà những người lính tham gia Chiến địch Điện Biên Phủ mang từ Tây Bắc về.

Lực lượng vũ trang tỉnh hôm nay biểu dương lực lượng. Ảnh: T.H
Lực lượng vũ trang tỉnh hôm nay biểu dương lực lượng. Ảnh: T.H

Trong những câu chuyện mà tôi hóng hớt được của người lớn vẫn thấy hiện lên chân dung và đội ngũ những chiến sĩ bộ đội địa phương và dân quân du kích của làng tôi, xã tôi đã hy sinh hoặc đang công tác ở xa. Đó là chuyện bảy chiến sĩ tự vệ dũng cảm từ chiến khu về làng gặt lúa bị địch từ đồn Thượng Phong bất ngờ qua vây ráp bắt đem đi mất tích. Là chuyện chú tôi, liệt sĩ Nguyễn Thế Hội từ chiến khu về làng bám dân bị địch phát hiện đuổi bắt phải chạy ra đồng, cứ chạy một quãng lại tụt quần trêu ngươi dụ địch đánh lạc hướng cứu đồng đội.

Là chuyện mỗi lần đi ban đêm qua quãng vắng ranh giới giữa làng tôi với làng Mỹ Lộc lại sợ ma Tây-Tây chết trong trận kịch chiến Mỹ Lộc-Xuân Lai và câu hát nằm lòng “Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ/ Năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây”. Trong các câu chuyện mạ tôi kể thì thường bắt đầu bằng câu “Năm Tây tới”. Ấy là năm 1947, tháng 3 ngày 27, Pháp đổ bộ đánh chiếm Đồng Hới, chi đội Lê Trực chặn giặc trên trảng cát ven biển Hải Thành. Chi đội trưởng Nguyễn Thành Đồng hy sinh, Đồng Hới thất thủ. Ba ngày sau, giặc đánh lên Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Làng Quảng Xá chặn giặc bằng một chiến thuật không giống ai, hồn nhiên và dũng cảm vô song: Bảy mươi ba đinh tráng cùng với đòn xóc, đại đao đối diện với đơn vị lính pháp trang bị tận răng, đúng nghĩa đen của câu thơ ngày ấy:

Giữa đồng một trận xông pha
Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng

Và, một kết cục đau thương, một làng góa ra đời sau khi những người “hiệp sĩ” xông lên trước làn đạn đại liên Tôm-xông bắn chéo cánh sẻ. Làng tôi, cũng ven tả ngạn Kiến Giang, cũng dàn trận chống giặc trong buổi đầu... “Tây tới”. Sách ‘Lộc An quê tôi” của cụ Lê Văn Khuyên viết: “... quân Pháp ngược dòng Nhật Lệ, qua phá Hạc Hải tiến đánh Lệ Thủy...

Tại Lộc An, trung đội tự vệ xã do anh Nguyễn Văn Tắc chỉ huy dựa vào hầm hào, bám vào thành Đình chuẩn bị chiến đấu... Chúng có 7 tên: 1 Pháp, 3 Ra đê (Tây Nguyên) và 3 lính ngụy được trang bị tận răng. Bên ta, tinh thần dũng cảm có thừa nhưng vũ khí thô sơ... Chờ địch đến, anh Tắc vươn dậy, quăng một quả lựu đạn. Không nổ. Anh là người rút sau cùng. Đạn địch bắn như mưa. Anh bị thương nặng ở ngực và ngã xuống. Cùng hy sinh trong trận này có anh Thuần, anh Giảng. . .”.

Để nói rằng, cho đến đầu năm 1947, lực lượng vũ trang nhiều nơi trong tỉnh ta vẫn chỉ mới như cậu bé làng Gióng ngày đầu ra trận. Nhưng sau đó lại hoàn toàn khác. Từ trung đội vũ trang tập trung tiến lên thành lập đại đội chủ lực, từ những trận chống càn nhỏ đến những trận phục kích rồi chủ động tập kích tiêu hao sinh lực địch.

Có một chi tiết khá thú vị mang nặng tính lịch sử cụ thể: Ban chỉ huy Huyện đội Lệ Thủy lúc đó do ông đội Sửu làm huyện đội tưởng, ông đội Năng làm huyện đội phó. Hai ông đều tham gia cách mạng từ những ngày khởi nghĩa giành chính quyền và đều là những đảng viên Cộng sản (Theo “Tháng ngày chưa xa” của Trần Sự). Đội, cai là những chức vụ chỉ huy trong quân đội Nam triều cũ. “Hai ông đội” trên đây đã sớm giác ngộ cách mạng và, với vốn kiến thức quân sự sẵn có đã đứng ra gánh vác trọng trách chỉ huy quân sự. Sau này, lực lượng vũ trang huyện còn được bảy sĩ quan Thiên Hoàng (Nhật Bản) huấn luyện kỹ chiến thuật, võ thuật khá bài bản.

Họ là những sĩ quan trong quân đội bại trận, không muốn đầu hàng Đồng minh lại sẵn thiện cảm với cách mạng Việt Nam nên tình nguyện ở lại cùng tham gia kháng chiến. Viên sĩ quan bác sĩ lấy tên Việt là Lê Trung hy sinh, hiện nay phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc.

Kỳ lạ thay là cuộc chiến tranh vệ quốc của quân dân ta. Ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa bây giờ còn vang vọng với giai điệu và ca từ hào sảng: “...Căm thù đây phải quét hết! Lũ tham tàn phải giết hết! Ta đứng lên giữ lấy nương đồng...” Lực lượng vũ trang dần trưởng thành, vận dụng chiến thuật du kích bí mật bất ngờ, lấy yếu thắng mạnh, xuất quỷ nhập thần: trận Sào Nam “theo trâu vào đồn thu súng giậc”, bất ngờ đánh đồn An Lạc lúc đứng ngọ, cận chiến tập kích địch giữa buổi chợ đông (Chợ Chè),vận động nội công ngoại kích “ Binh biến Mỹ Trạch Thượng”, chống càn ở Mỹ Lộc – Xuân Lai, đánh đồn Bến Mốc, diệt đồn Thượng Phong, đánh đồn Thạch Xá Thượng...phối hợp và phục vụ cuộc “ so găng” ngang ngửa cấp trung đoàn với đơn vị lê dương Âu Phi ở Xuân Bồ lịch sử...Tính tháng là gần tám năm!

Từ những ngày đầu hồn nhiên vươn ngực hứng đạn giữa cánh đồng Quảng Xá, từ chỗ ném quả lựu đạn đầu tiên không nổ, đến ngày quét sạch hệ thống đồn bốt kẻ thù: “ Đây Ninh Châu chiến thắng bảo vệ mùa, bom dân quân phơi xác giặc bập bềnh, ai nhớ năm xưa Xuân Bồ giặc pháp khiếp vía, ai nhớ Sen Bàng đồn giặc bốc cháy tan hoang...chiến thắng quân thù Quảng Bình giải phóng yên vui...” (ca khúc “Quảng Bình chiến thắng”- tác giả khuyết danh).

Người lính đầu tiên của quân đội nhân dân Viêt Nam thuộc lực lượng vũ trang Quảng Bình tôi “mục sở thị’ là anh Dục- Phan Đức Dục. Có lẽ đó là năm năm tám hay năm chín, tôi sáu bảy tuổi, một ngày đang chơi nặn đất sét với lũ bạn thì thấy một người đàn ông tầm thước, quân phục bó sát cơ thể vạm vỡ, mũ sao vàng, giày đen, súng ngắn ngang hông đeo dưới thắt lưng da to bản và quai da chéo qua ngực. Anh bước đi mạnh mẽ, nói những tiếng chắc gọn và cẩn trọng...

Sau ngày về làng nghỉ phép, anh theo đơn vị hành quân lên phía Tây làm nghĩa vụ quốc tế. Một năm sau, anh lại về làng cưới chị Hiếc, người con gái hiền thục và xinh đẹp trong làng. Giấc mơ về đội ngũ hoành tráng ngày thành lập lực lượng vũ trang được thỏa mãn sau hơn mười năm qua chân dung một người lính, một viên chuẩn úy của làng tôi. Thời gian sau đó, lần lượt nhiều trai làng nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự.

Và, chỉ vài tháng trong quân ngũ, ai về phép thăm nhà cũng đều là những “ anh Dục”, đều chững chạc rắn rỏi nhanh nhẹn, nếu không muốn nói là đẹp trai, hút hồn gái làng. Khá lâu sau này, khi đã ở trong quân ngũ, nghe đến tổ hợp từ: “ Quân đội nhân dân là một trường đại học tổng hợp”tôi đã gần như được trải nghiệm đầỳ đủ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam đến độ cao trào, trai làng tôi nô nức tòng quân. Những người bạn học còn dang dở lớp chín lớp mười ( hệ 10 năm), những bạn láng giềng năm ngoái năm kia còn chăn trâu với nhau trên đồng nay bỗng lớn phổng phao, mặc quân phục, mang ba lô khoác súng. Không lực Mỹ khởi sự đánh phá miền Bắc. Quảng Bình trở thành tuyến lửa đúng nghĩa đen.

Lực lượng vũ trang Quảng Bình vừa lo bảo vệ vùng trời, vùng đất, vùng biển quê hương, vừa cử những tiểu đoàn được huấn luyện tinh nhuệ vào chiến đấu ở các chiến trường miền Nam. Bạn học của tôi, anh Phạm Ngọc, gác bút nghiên cuối năm lớp chín. Sau chừng ba tháng huấn luyện được bổ sung vào đơn vị cao xạ 37mm bảo vệ công trình thủy nông Cẩm Ly. Chúng tôi nghỉ hè ra làm đồng nhìn lên miền tây xem cuộc chiến đất đối không như trong phim đại chiến thế giới.

Chiều, đơn vị chuyển tử sĩ về, trong đó có cả bạn tôi. Em họ tôi, Nguyễn Thế Nam kịp phong binh nhất trước khi đi B (bê), vượt sông, đạn địch bắn như vãi trấu, em tôi không qua được tới bờ. “Lớp cha trước, lớp con sau”, nhiều gia đình ở làng tôi hai cha con cùng trong quân ngũ. Trung tá Trần Khôi là một sĩ quan đang giữ trọng trách trên chiến trường Trường Sơn (tuyến vận tải 559), bỗng một ngày nhận điện thoại biết tin ‘ông con”là Trần Khởi bỏ học theo đường giao liên từ Quảng Bình vào tận Quảng Nam tìm cha để “cùng đánh giặc cho vui”.

Lãng mạn đến mức “cậu quý tử” không hề có lệnh gọi nhập ngũ hay giấy tờ gì khả dĩ. Vậy rồi Khởi cũng được đặc cách huấn luyện qua loa, biết bắn súng, để ghép vào sư đoàn Sao Vàng từ miền Bắc vào đang hành quân qua binh trạm. May là Khởi chiến đấu cũng không đến nỗi nào và sau này trở thành một tác giả thơ rất ấn tượng. Gần nhà tôi có ông Trần Thạo, cựu binh tái ngũ vừa có giấy báo tử, bạn tôi là Trần Triếc, cháu gọi liệt sĩ Thạo bằng chú lập tức viết đơn, đi khám sức khỏe và nhập ngũ...

Những người con gái miền biển Ngư Thủy ít học hiền lành, ngày thường chỉ biết chờ chồng, chờ cha anh đi biển về để mang cá ra chợ, bỗng một ngày đứng bên khẩu trọng pháo thao tác thành thạo bắn trúng chiến hạm của Mỹ trên biển Đông, đẩy chúng ra xa những ngôi làng cát. Hàng năm cứ đến ngày 9/5 những cựu binh sống sót sau chiến tranh của đơn vị 2291 ở Quảng Bình thường tụ tập để kỷ niệm ngày họ lên đường hành quân vào tận miền Đông Nam bộ đánh Mỹ. Tiểu đoàn mang số hiệu 46 chủ lực của Quảng Bình thì có vinh dự được tham chiến trên mặt trận của tỉnh Quảng Trị kết nghĩa. Tháng 5/1972 tiểu đoàn vượt sông Bến Hải, phiên chế trong đội hình trung đoàn 48 sư 320B, đúng thời điểm chiến sự đảo chiều bất lợi, lọt thỏm trong thành cổ, chịu đựng gần đủ 81 ngày đêm “cối xay thịt” nặng nề quay. Họ đã chiến đấu như những người anh hùng cho đến ngày 16-9-1972 thành cổ thất thủ....

Bảy mươi năm! Kể từ ngày 4-7-1945 diễn ra hội nghị lịch sử. Ba mươi thành viên chính thức của hội nghị chắc không còn ai. Ông Trần Sự, nguyên là trung đội trưởng tự vệ làng An Xá được điều lên bảo vệ hội nghị nay cũng đã vào tuổi 87. Chừng hơn hai mươi năm trước, ở Hà Nội, tôi được diện kiến Trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Lê Hữu Sắt tại nhà riêng: Một ông già phúc hậu nói đặc giọng Lệ Thủy. Ông chỉ huy đại đội 1 chủ lực của Lệ Thủy đánh Pháp suốt gần chín năm, được miêu tả khá sinh động trong trận tập kích chợ Chè: “Anh Sắt đang bám tên đứng gần tôi nhanh chóng rút khẩu Rulô dí sát lưng tên địch bóp cò. Chỉ nghe một tiếng “cắc”, súng không nổ. Thằng địch quay lại chụp lấy tay anh giật súng.

Thường ngày, trong đại đội 1 ai cũng biết anh Sắt giỏi võ, thế nhưng tên địch to con nên cuộc vật lộn khá vất vả...” Tôi nắn nắn bắp tay ông, hỏi còn đánh võ được không chỉ thấy ông cười cười. Rất nhiều những người lính thuộc nhiều thế hệ trong lực lượng vũ trang Quảng Bình mà đời quân ngũ của họ có thể đong đầy một cuốn tiểu thuyết. Họ chiến đấu ngay trên đất mẹ hay hành quân tham chiến mặt trận B,(miền Nam), làm nghĩa vụ quốc tế ở mặt trận C,K, chiến đấu trên hai tuyến biên giới cả khi đất nước đã yên hàn. Rất nhiều người ngã xuống. Những người sống sót, sau khi “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, trở về làm ruộng nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già, như chưa hề trong cuộc đời họ đã viết nên những trang vàng cho lịch sử.

Năm qua đi, tháng qua đi, nhưng sự kiện lịch sử lớn nay còn in đậm trong những trang sử vàng và trở thành truyền thống để những thế hệ hậu sinh viết tiếp. Dẫu hơi khiên cưỡng cũng xin tựa theo một câu thơ cũ để ngưỡng vọng về ngày lịch sử cách nay 70 năm:

Cái thuở ban đầu An Sinh ấy
Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên

Đồng Hới 7-2915
Nguyễn Thế Tường