.

Thiêng liêng hai tiếng "quê hương"!

Thứ Hai, 09/03/2015, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Một nhà nghiên cứu văn hóa từng viết rằng người Việt Nam dẫu khi chiến tranh loạn lạc hay tha phương lập nghiệp thì dù đi đến đâu, trong đôi quang gánh của mình vẫn mang theo lư hương tiên tổ. Và dẫu dừng chân nơi đâu, người Việt vẫn nao lòng nhớ về mảnh đất thiêng liêng gắn với hai tiếng “quê hương”.

Với người Lý Hòa xưa (nay là xã Hải Trạch, Bố Trạch), thì vùng quê Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn mãi là quê hương, là nguồn cội, bởi gần 400 năm trước, cha ông họ đã có một cuộc hành trình vượt sóng, vươn khơi, bám làng, lập nghiệp.

Hành trình vượt sóng

Một ngày đầu xuân mới, chúng tôi về làng biển Lý Hòa trong cái không khí đón xuân rộn rã của những người dân vùng cát nơi đây. May mắn trong chuyến đi này, tôi có dịp được chuyện trò cùng ông Nguyễn Sỹ Hùng, nguyên là Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Bố Trạch và nay là Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện nhà. Là người Lý Hòa chính gốc, ông đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa truyền thống của mảnh đất quê hương. Theo ông, trong thần phả đình Lý Hòa và gia phả các dòng họ trong làng ghi lại thì cách đây gần 400 năm trước, một số dòng họ của làng Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vượt biển, vượt sóng để vào phía Nam tìm đất lập nghiệp. Khi đi qua cửa Gianh chừng 2 hải lý, thấy dãy núi lan xuống biển, cạnh đó là một cửa sông, giữa quãng núi và sông có một dải cát dài bằng phẳng, họ đã có một dự cảm tốt lành về một tương lai nhiều hứa hẹn. Những con người “đạp bằng sóng dữ” ấy đã chọn mảnh đất có địa thế đặc biệt này để dựng nhà, lập làng, khởi nghiệp. Và đất đã không phụ công người. Chính nơi vùng quê “thượng sơn, hạ thủy”, “núi giăng một phía, biển vây ba bề” này đã nuôi sống bao đời con cháu họ, cùng chở che họ trong những năm tháng chiến chinh, đói nghèo.

Đình làng Lý Hòa – nơi ghi dấu truyền thống văn hóa, khoa bảng lâu đời của địa phương.
Đình làng Lý Hòa – nơi ghi dấu truyền thống văn hóa, khoa bảng lâu đời của địa phương.

Qua gần 400 năm gắn chặt đời mình với mảnh đất này, những ngư phủ vượt sóng, vươn khơi, tìm đất xưa đã sản sinh ra bao thế hệ con cháu đỗ đạt. Người Lý Hòa hôm nay tự hào hơn bởi những thế hệ con cháu họ đã xây dựng nên một vùng quê giàu truyền thống, vững chải bên bờ biển Đông. Ông Nguyễn Sỹ Hùng kể rằng buổi ban đầu, những người khai hoang họ sống biệt lập, nên đặt tên cho làng là làng Cô. Cuộc sống thuận lợi, làm ăn khấm khá nên hàng năm họ về quê tảo mộ và rủ thêm dân làng cùng vào, làng trở nên đông đúc và sầm uất. Họ đổi tên làng là Thuận Cô. Đời sống ngày càng dư dật, dân số tăng nhanh, Thuận Cô của hai bên bờ sông tách ra làm Thuận Cô Nam và Thuận Cô Bắc. Năm 1775, đời Cảnh Hưng thứ 36, riêng Thuận Cô Bắc đã có 172 hộ với 868 nhân khẩu của 12 dòng họ, sống trên diện tích 2 km2 và để ghi nhận sự phồn thịnh của làng, họ đã đặt tên làng là Lý Hòa cho đến ngày nay... Người Lý Hòa cũng nổi tiếng xưa nay với nghề đánh bắt cá, vận tải biển và buôn bán. Đến giờ, mảnh đất rặt cát trắng của gần 400 năm trước nay đã thành “làng tỷ phú”, tựa như một thành phố nhỏ bên bờ biển Đông. “Có lẽ là những người dân có gốc gác vượt biển, vượt sóng tìm đất làm ăn, nên người Lý Hòa xưa và nay rất có bản lĩnh trong làm ăn kinh tế”, ông Hùng gật gù khẳng định.

Cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn Duy tại Lý Hòa là cuốn gia phả cổ hiếm hoi còn sót lại, do ông Nguyễn Duy Cần, vị Tiến sỹ của đời vua Thiệu Trị viết bằng tay đã khắc họa rõ nét truyền thống khoa bảng của vùng đất Lý Hòa nói chung và con cháu dòng họ Nguyễn Duy nói riêng. Ông Nguyễn Duy Ánh, 81 tuổi, trưởng dòng họ Nguyễn Duy với đôi bàn tay đã lấm tấm vết đồi mồi, run run lật giở từng trang gia phả đã nhuốm màu thời gian: “Làng Lý Hòa xưa có cụ tế tửu Nguyễn Duy Miễn sinh 5 con trai thì một người đỗ Hoàng Giáp, một người đỗ Phó bảng, một người đỗ Tiến sĩ và hai người đỗ cử nhân. Rứa nên cụ được vua phong là “nhất sơn ngũ quế hương”. Mà cũng không chỉ riêng dòng họ Nguyễn Duy mô, phát huy truyền thống của làng học, làng khoa bảng, các thế hệ người Lý Hòa dù khó khăn đến mấy thì vẫn chắt bóp lo học hành để bằng anh, bằng chị. Vì rứa, nhiều người con Lý Hòa đã đỗ đạt cao, trở thành tướng lĩnh trong quân đội, tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ và những nhà kinh tế giỏi...”

Chung một cội nguồn

Lý Hòa – phố nhỏ ven sông
Lý Hòa – phố nhỏ ven sông

Ông Nguyễn Sỹ Hùng nhớ lắm một ngày đầu năm 1990, khi đó, ông và đoàn cán bộ Ủy ban, Mặt trận xã cùng trưởng các dòng họ ở Lý Hòa đã có một chuyến hồi hương nhiều xúc cảm về với vùng quê Cương Gián. Có một điều thú vị là chất giọng của người Cương Gián cũng rặt phương ngữ như người Lý Hòa, cũng mặn mòi vị biển. Ông Hùng cho biết, giọng nói giống nhau đến nỗi mà những người dân ở đó cứ nghĩ đoàn của ông là những người con quê hương Cương Gián đi làm ăn xa mới về. Khi biết được họ là thế hệ hậu sinh của những người Cương Gián 400 năm trước về thăm lại quê hương, tìm về nguồn cội thì người dân Cương Gián ôm chặt lấy họ, mừng mừng, tủi tủi. Có một thứ tình cảm máu mủ thiêng liêng đang rào rạt chảy trong từng thớ thịt, rộn rã trong từng hơi thở.

“Có nhiều điểm tương đồng trong truyền thống văn hóa, khoa bảng, kể cả trong địa thế của làng, kiến trúc đình làng, giếng làng và thậm chí là tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Và có lẽ, vì một sự níu giữ thiêng liêng hoặc vì nhung nhớ quê cũ mà người Lý Hòa xưa khi dựng làng đều mang những nét văn hóa, cốt cách giống với người Cương Gián”, ông Hùng khẳng định. Cũng như ở Lý Hòa, tại Cương Gián có đền Núi Trúc thờ Đức thánh Cao Sơn, được xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh. Tại Lý Hòa, hiện còn lưu lại ba giếng nước cổ (giếng Chùa, giếng Đình, giếng Eo) thì tại Cương Gián, cũng còn giữ nguyên một giếng vuông và hai giếng tròn.

Làng Cương Gián xưa (nay là xã Cương Gián) là một vùng quê nổi tiếng của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đã từng có một thời, Cương Gián nổi danh với nghề giao thương, buôn bán. Tổ tiên người Lý Hòa cũng mang trong mình tư duy kinh doanh thương mại của người xưa để xây dựng nên một làng Lý Hòa trù phú như hôm nay. Cả hai địa phương đều là những vùng quê đặc biệt coi trọng việc đưa con em đi xuất khẩu lao động, nhất là những thị trường ổn định như Đài Loan, Hàn Quốc...

Đã 25 năm trôi qua kể từ chuyến hồi hương đầu tiên của những người con Lý Hòa, cũng chừng ấy thời gian hai mảnh đất Cương Gián – Lý Hòa gắn bó thiết thân. Hằng năm, có không ít chuyến thăm hỏi, giao lưu giữa hai địa phương, để cùng giúp nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Minh Trung, quyền Chủ tịch UBND xã Hải Trạch hồ hởi cho chúng tôi biết, cách đây chừng nửa tháng, chính quyền, mặt trận và đại diện các họ tộc ở Lý Hòa đã có chuyến đi nhiều xúc cảm thăm lại vùng quê Cương Gián nặng nghĩa tình. Và ông còn hứa hẹn, chắc chắn sẽ còn nhiều chuyến trở về như thế, bởi nơi đó là quê hương, là gốc gác, là tình nghĩa thiêng liêng không thể tách rời.

Diệu Hương