.

Nhớ một thời "Tiếng hát át tiếng bom"

Thứ Bảy, 20/12/2014, 14:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ, không một quốc gia nào trên thế giới có một thứ vũ khí bảo vệ từng tấc đất, biển trời của Tổ quốc kỳ lạ và vô cùng đặc biệt như ở Việt Nam. Thứ vũ khí mỗi khi được cất lên đã góp phần tạo nên một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, lấn át mọi vũ khí hủy diệt của quân thù, hun đúc ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó chính là những lời ca, tiếng hát hào sảng vang xa của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Và Quảng Bình quê ta tự hào là cái nôi đầu tiên của phong trào, đưa tiếng hát bay xa đến từng mặt trận, đến từng chiến sĩ và đến với cả đồng bào ở hậu phương đang ngày đêm hăng say sản xuất.

Những năm đầu của thập niên sáu mươi thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, nhận thấy nhu cầu văn hóa, văn nghệ ở các mặt trận và ở hậu phương đang ngày càng cấp thiết, Tỉnh đội Quảng Bình đã thành lập Đội tuyên văn (năm 1966) nhằm tuyên truyền, phản ánh tinh thần chiến đấu, sản xuất của quân và dân ta bằng hình thức văn hóa văn nghệ.

Với nguồn nhân lực từ phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở và được sự giúp sức đào tạo từ Quân khu 4, Đội tuyên văn không ngừng được mở rộng về quy mô, tăng cường nhạc cụ và trở thành Đoàn văn công Tỉnh đội, biên chế có thời điểm hơn 40 người. Ông Đoàn Thị, thành viên của Đoàn ngày đó chia sẻ, chiến trường nơi nào ác liệt, khó khăn nhất đều có sự xuất hiện của Đoàn văn công Tỉnh đội. Họ-những người lính không mang súng-đã dũng cảm tiên phong, xung kích đưa lời ca, tiếng hát của mình đến với bộ đội ta ở Ngư Thủy, hồ Cẩm Ly, đèo Đá Đẽo, Cổng Trời... rồi chiến trường Quảng Trị với những “túi bom” ở Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, Lao Bảo... và đến cả nước bạn Lào anh em. Trong khói lửa chiến tranh, tiếng hát cất lên chứa chan, hào hùng, là sự thúc giục, động viên, khích lệ, đưa đến một nguồn sinh khí mới cho các chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt.

Đoàn văn công Quảng Bình biểu diễn tại chốt An Lộng, Quảng Trị năm 1974, giữa hai bên chiến tuyến ta và địch.
Đoàn văn công Quảng Bình biểu diễn tại chốt An Lộng, Quảng Trị năm 1974, giữa hai bên chiến tuyến ta và địch.

Đoàn văn công Tỉnh đội may mắn quy tụ nhiều giọng ca hay như Thanh Ngự, Minh Lý, Công Bằng, Thúy Liễu..., những nhạc sĩ tài năng như: Mạnh Đạt, Sĩ Nhiếp... Đáng chú ý là liên ca khúc “Tiếng hát Hòn La” ca ngợi sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các anh bộ đội nơi đây đã trở thành một điểm nhấn khó phai trong lòng quân dân. Nữ nghệ sĩ Thanh Ngự xúc động chia sẻ, 15 tuổi đã tham gia Đoàn văn công Tỉnh đội, bà cũng như các anh chị em khác đều gắn bó, yêu thương và xem đây như gia đình của mình, lấy việc phục vụ chiến sĩ, nhân dân là niềm tự hào, đam mê, lý tưởng sống. Ấn tượng sâu đậm nhất trong bà chính là những lần phục vụ cho các đơn vị chuẩn bị vào Nam chiến đấu với các chiến sĩ mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng luôn sục sôi tinh thần quyết hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Hay các buổi biểu diễn cho người dân ở hậu phương luôn bị gián đoạn bởi máy bay Mỹ, anh chị em nghệ sĩ và bà con phải vừa diễn, vừa chạy xuống hầm tránh bom liên tục, nhưng mong muốn được nghe hát, xem kịch vẫn thôi thúc bà con tiếp tục ở lại với Đoàn văn công.

Cùng với Đoàn văn công Tỉnh đội, được thành lập từ năm 1959, Đội tuyên truyền lưu động Quảng Bình thuộc Ty Văn hóa tỉnh (tiền thân của Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình ngày nay) hầu như có mặt ở những chiến trường khốc liệt nhất hay các vùng hậu phương đang quyết tâm thi đua sản xuất, kịp thời động viên tinh thần, tạo động lực trong chiến đấu, lao động cho bộ đội, nhân dân. Tiếp đó, Đội chính thức mang tên Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình và không ngừng nỗ lực hoàn thành sứ mạng được Đảng và nhân dân giao phó.

Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, Phó Đoàn phụ trách ca múa nhạc, tự hào nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên đó. Với các trang thiết bị, đạo cụ vô cùng đơn sơ, mộc mạc, các nghệ sĩ chủ yếu đi bộ với phong màn, ánh sáng, nhạc cụ trên vai đến hầu khắp các địa phương, trận địa trong tỉnh. Vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn, các diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn cùng hăng say biểu diễn trên mâm pháo, giao thông hào, sân kho, hầm trú ẩn,... với không chỉ niềm đam mê mà còn tình yêu thương và niềm tin chiến thắng. Đến bất cứ địa phương nào, anh chị em trong Đoàn đều tham gia tìm hiểu tình hình địa phương và đưa các điển hình vào trong chính tác phẩm của mình, được người dân rất yêu thích, phấn khởi. Cùng với đó, Đoàn cũng tranh thủ thời gian bồi dưỡng, tập luyện cho các đội văn nghệ cơ sở để hỗ trợ nâng cao trình độ, kỹ năng biểu diễn. Và chính thực tiễn cũng đã là mạch nguồn cho nhiều tác phẩm hình thành nên tên tuổi của Đoàn. Còn nhớ những năm 1960, khi biểu diễn ở bến phà Long Đại, bến phà Gianh, cảm phục trước ý chí chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ, dân quân nơi đây, nhạc sĩ Quách Mộng Lân đã cho ra đời ca khúc “Chuyến phà đêm” nổi tiếng.

Nhiều bài hát, vở kịch, tấu, vè xuất sắc khác ca ngợi những tấm gương trong chiến đấu, sản xuất của nhân dân Quảng Bình, như: “Mạ thằng cu”, “Lão dân quân”, “Nữ pháo thủ”, “Hạt gạo Quảng Bình”... cũng ra đời và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Với những đóng góp của mình, Đoàn vinh dự được ra Thủ đô biểu diễn cho Bác Hồ và đây là sự kiện đáng nhớ nhất của mỗi thành viên trong Đoàn.

Đội văn nghệ xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) biểu diễn phục vụ đồng bào K15 trong nhà hầm vào tháng 6 năm 1972.
Đội văn nghệ xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) biểu diễn phục vụ đồng bào K15 trong nhà hầm vào tháng 6 năm 1972.

Nghệ sĩ Nam Kỷ, ca sĩ của Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình thuở trước, khi nhắc lại những kỷ niệm rưng rưng của một thời để nhớ đó đã dành những tình cảm yêu thương, trân trọng nhất. Vào Đoàn từ năm 1959 khi mới 14 tuổi, ấn tượng đậm nét nhất trong bà là khi biểu diễn cho các thương binh ở Bệnh viện 41 vào những năm 1963-1964. Hôm đó, các chiến sĩ bị thương đến xem rất đông và luôn muốn nghệ sĩ hát nữa, hát mãi. Một chiến sĩ bị mất hai chân nhưng hai mắt sáng, được một chiến sĩ khác mất đôi mắt nhưng hai chân lành lặn cõng đi xem văn công, hay hai chiến sĩ mỗi người mất một cánh tay, cùng ngồi sát bên nhau vỗ tay cỗ vũ các tiết mục của Đoàn... Một chiến sĩ mới 17 tuổi đời đang đau đớn khôn cùng bởi vết thương quá nặng, nhưng chỉ nghe một vài câu đầu trong bài “Xa khơi” do bà biểu diễn đã lặng đi thổn thức, và khi bài hát kết thúc, người chiến sĩ chỉ kịp thốt lên “Mẹ ơi” và từ giã cõi đời.

Một kỷ niệm không quên khác về một buổi biểu diễn đặc biệt trên đường 12A của Đoàn. Chỉ một tấm phông màn căng giữa hai nhành cây, ngay tại một điểm bắn phá ác liệt, thương binh được cáng từ miền Nam ra miền Bắc và bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, rồi bộ đội từ Lào qua đã được nghe những ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”, “Xa khơi”, “Gánh gạo Trị Thiên”, “Tiếng đàn Talư”... Hết đơn vị bộ đội này đến đơn vị bộ đội khác vừa hành quân, vừa nghe hát. Chỉ trong buổi đó, các nghệ sĩ đã hát 14 lần mỗi một ca khúc và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các chiến sĩ trên mặt trận. Và tất cả kỷ niệm của một thời hoa lửa đã ùa về vẹn nguyên xúc động trong ký ức nghệ sĩ Nam Kỷ.

Trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, các đội văn nghệ xung kích của các địa phương cũng đóng một vai trò rất quan trọng ở hậu phương, như: đội văn nghệ xung kích các xã Phong Thủy, Thanh Thủy (Lệ Thủy); Trung Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch); Võ Ninh (Quảng Ninh)... Từ một đội văn nghệ của Hợp tác xã Phúc Lý, đội thông tin tuyên truyền văn hóa của xã Đại Trạch (Bố Trạch) được thành lập với chức năng chính tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời tình hình địa phương và góp phần cổ vũ phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở. Ông Nguyễn Văn Đoán, nguyên đội phó của Đội nhớ lại, dù là nghiệp dư, nhưng gần 20 thành viên của Đội rất tích cực tập luyện, đa dạng hóa các tiết mục, từ hát, múa đến kịch. Dân ca Bình Trị Thiên thường xuyên được soạn lời mới, bám sát thực tiễn chiến đấu, sản xuất của địa phương. Nhiều tiết mục được bà con, giới chuyên môn đánh giá cao và được chọn đi biểu diễn ở Quân khu, như: vở ca kịch “Làng đất đỏ”, hoạt cảnh “Bên bờ sông Dinh”, vở kịch “Cuốn sổ đen”...

Những năm tháng chiến tranh ác liệt đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng”, về những con người dũng cảm, can trường, bền bỉ truyền “ngọn lửa” sức mạnh đến với đồng bào, đồng chí vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Nhiều người trong các nghệ sĩ-chiến sĩ đó đã để lại xương máu, tuổi xuân, ước mơ của mình ở những cung đường bom đạn, nhưng lời ca, tiếng hát của họ còn vang vọng mãi đến tận mai sau với một thông điệp nhắn nhủ: “Sức mạnh của ý chí và tinh thần vượt lên tất cả mọi kẻ thù hung bạo nhất”. Giờ đây, các nghệ sĩ của Đoàn văn công Tỉnh đội, Đoàn văn công nhân dân Quảng Bình, các đội tuyên truyền cơ sở vẫn thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống và tiếp tục say mê đóng góp lời ca, tiếng hát của mình cho đời.

Mai Nhân