.

Người Nghĩa Ninh yêu văn nghệ

Thứ Ba, 16/12/2014, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới) – miền quê còn nhiều khó nghèo nhưng có truyền thống văn hóa – văn nghệ từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mặc những khó khăn vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây, người Nghĩa Ninh vẫn đam mê với từng câu thơ, điệu hò. Và không có nơi đâu, CLB thơ ca lại có sức sống và sức hút mạnh mẽ đối với những tâm hồn yêu thơ, ca như ở vùng quê này.

Theo cuốn Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú, đất Nghĩa Ninh xưa là nơi có một nền dân ca, hò hát khá rầm rộ. Cứ sau mỗi vụ gặt hái, công việc đồng áng rảnh rỗi, trai gái trong khắp các thôn, xóm lại hội nhau hò hát. Những đêm trăng giã gạo trở thành những điểm sinh hoạt văn nghệ dân gian thú vị. Theo cụ Nguyễn Tú, mảnh đất này từng có nhiều nghệ nhân hát sắc bùa nổi tiếng. Từ những bài hát sắc bùa chúc tết, mừng xuân thiêng liêng, sau Cách mạng và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân nơi đây lại phỏng theo âm điệu của sắc bùa mà tạo nên một thể loại sắc bùa kháng chiến, chủ yếu ca ngợi những gương anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bên cạnh hát sắc bùa, Nghĩa Ninh xưa còn có một “nền” hò khoan khá phong phú và đến nay, truyền thống ấy vẫn còn được lưu giữ.

Một buổi sinh hoạt của CLB thơ ca Nghĩa Ninh.
Một buổi sinh hoạt của CLB thơ ca Nghĩa Ninh.

Tiền thân của CLB thơ ca Nghĩa Ninh là CLB thơ Nghĩa Ninh, được thành lập từ đầu những năm 2000. Đến năm 2004, xã Nghĩa Ninh cũ chia tách thành phường Bắc Nghĩa và xã Nghĩa Ninh, các hội viên chủ yếu ở phường Bắc Nghĩa, xã Nghĩa Ninh lúc bấy giờ chỉ còn lại 3 thành viên. Nhưng từ quân số ít ỏi đó, họ đã vực dậy phong trào văn nghệ từ trong những chật vật, vất vả. 9/2009, CLB thơ ca Nghĩa Ninh ra đời, có hẳn quy chế hoạt động và đặc biệt, được HĐND xã phân bổ ngân sách hoạt động mỗi năm. Và cũng chưa có nơi đâu, một CLB thơ ca được Mặt trận xã kết nạp thành thành viên trong liên hiệp các hội của Mặt trận như ở Nghĩa Ninh. CLB duy trì sinh hoạt 1 lần/ tháng.

Theo ông Phan Văn Hường, chủ nhiệm CLB thơ ca Nghĩa Ninh thì trong những dịp sinh hoạt, ngoài việc những hội viên giới thiệu những bài thơ mới, thì họ còn tổ chức những buổi nói chuyện về thơ, bình thơ cho nhau nghe, tập những bài dân ca mới. “Có như vậy mới tạo cảm hứng sáng tác và hứng thú đợi những buổi sinh hoạt tiếp theo”, ông chủ nhiệm CLB hào hứng chia sẻ.

Và thành quả của những ngày say mê sáng tác là 3 tập thơ “Đất nghĩa tình” ra đời, dự kiến đầu năm 2015 sẽ cho ra đời tập thứ 4. Tên tập thơ được lấy từ cảm hứng tên gọi trước đây của xã Nghĩa Ninh, vốn là làng Trung Nghĩa, mảnh đất từng một thời là nơi chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam, cộng khổ, một lòng một dạ đi theo cách mạng, nơi đã dang rộng vòng tay đón nhận những người dân nội thị Đồng Hới lên sơ tán trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nếu có dịp tham gia một buổi sinh hoạt, cùng nghe họ hát hò, ngâm thơ, mới thấy hết sự thú vị của mô hình thơ – ca, mới cảm nhận được sự hòa quyện giữa thơ và nhạc. CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh có 19 thành viên, người cao tuổi nhất đã 83 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã bước vào tuổi 63. Nhìn những người ông, người bà, mái tóc đã bạc màu quá nửa cùng nhau ngâm thơ, ngân nga những điệu hát, câu hò mới thấy họ yêu văn nghệ đến chừng nào. Tình yêu ấy đã vượt lên trên những rào cản về sức khỏe, tuổi tác.

Ông Văn Tăng, Chủ nhiệm CLB thơ của Trung tâm Văn hóa tỉnh từng khẳng định: Có thể nơi đây, người ta bắt gặp những bài thơ nhịp chưa thật chuẩn, những giọng hò còn mang hơi hướng “cây nhà lá vườn” song đọng lại ở người nghe là những tấm lòng gắn bó thiết tha với quê hương, đồng ruộng, đậm tình làng, nghĩa xóm, là những tấm lòng son sắt với quê hương, đất nước như mảnh đất Trung Nghĩa nặng tình trong những năm kháng chiến. Nhiều người cao tuổi, hoàn cảnh neo đơn đã coi việc tham gia sinh hoạt CLB như một món ăn tinh thần bổ ích, để cuộc sống bớt đi những hiu quạnh, giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Ngoài sáng tác văn thơ, CLB còn là nơi để những người đam mê ca hát cùng nhau tập luyện những làn điệu dân ca truyền thống. Ngoài dân ca Bình Trị Thiên, CLB chú trọng tập luyện thể loại hát ru, hát sắc bùa. Họ chính là những hạt nhân trong những sự kiện văn hóa, văn nghệ của xã. Cuộc thi Giai điệu thành phố Hoa Hồng năm 2009, nội dung thi dân ca, CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh đã giành được giải đặc biệt. Thế nhưng, ông Phan Văn Hường, chủ nhiệm CLB trăn trở: “Điều chúng tôi lo lắng nhất là tương lai không xa nữa, thế hệ trẻ sẽ không còn biết đến những làn điệu dân ca, nhất là hát ru. Trong khi đó, theo tôi, hát ru là cội nguồn di sản văn hóa dân gian, nhưng được mấy bà mẹ trẻ ngày nay còn biết đến hát ru con? Đã nhiều lần CLB ấp ủ tổ chức một cuộc thi hát ru trong địa bàn xã nhưng vì điều kiện kinh phí, địa phương còn nghèo nên cứ “gác” lại mãi”.

Dù còn lắm những khó khăn, nhưng CLB thơ ca xã Nghĩa Ninh đã mang lại những nét mới cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, khơi dậy, khẳng định và phát huy những tiềm năng văn hóa vốn có của một mảnh đất giàu truyền thống. Và hôm nay, hình ảnh một Nghĩa Ninh chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới đã hiện lên sinh động qua những trang thơ và những lời ca, tiếng hát.

Ngọc Minh