.

Văn học nghệ thuật và những nỗi lo... xa! - Kỳ 2: "Thấp thỏm" nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian

Thứ Tư, 02/04/2014, 09:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nếu những người hoạt động văn học nghệ thuật nói chung đã vất vả, khó khăn, thì đối với các nhà nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian, dường như nỗi gian truân đó cũng đầy đặn và gai góc hơn nhiều. Bởi đối với họ, để hoàn thành từng cuốn sách, công trình, đề tài nghiên cứu sẽ không chỉ cần nỗi đam mê, lòng nhiệt huyết, mà còn là cuộc chạy đua với thời gian, thử sức với tâm ý và là cả một quá trình dài lâu tích luỹ tri thức, vốn sống. Để rồi sau khi xuất bản, phát hành, nỗi “thấp thỏm” liệu những đứa con tinh thần đó có đến đúng với công chúng chân chính hay không hoặc lại nằm yên trong kho, nằm lỳ trên kệ, bỗng trở nên ám ảnh.

>> Kỳ 1: Thực thi quyền tác giả trong âm nhạc: Chuyện của muôn năm cũ!

Tác giả Phạm Ngọc Hiên bên cuốn sách vừa mới xuất bản Quảng Bình-Núi sông hùng vĩ
Tác giả Phạm Ngọc Hiên bên cuốn sách vừa mới xuất bản Quảng Bình-Núi sông hùng vĩ.

Nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên là hội viên của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình và Phân hội Văn hoá Văn nghệ dân gian (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). Sau nhiều năm làm công tác nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian, nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên đã có 2 cuốn sách giá trị về Quảng Bình, đó là: Địa chí làng Đức Phổ, Chợ quê Quảng Bình, sắp tới bà sẽ xuất bản cuốn Thuần phong mỹ tục phụ nữ Quảng Bình, cùng 1 bản thảo về nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc Bru-Vân Kiều trên đất Quảng Bình đang được thực hiện.

Dẫu say mê với công việc nghiên cứu, nhưng những khó khăn, vất vả không ít lần vẫn bủa vây trong tâm trí bà. Và, chính tình yêu tha thiết dành cho quê hương cùng tinh thần trách nhiệm mong muốn góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống đã trở thành động lực thúc đẩy bà trong suốt những năm qua. Theo nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề kinh phí.

Đơn cử như cuốn Địa chí làng Đức Phổ, bà bỏ bao công sức điền dã, sưu tầm ròng rã trong vòng 4 năm trời và dành trọn 2 năm để hoàn thành. Mặc dù có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, Chi hội, bà con nhân dân, nhưng vẫn còn đó nhiều bộn bề để có thể đảm bảo nguồn kinh phí cần thiết thực hiện cuốn sách. Trong vòng mấy năm trời, bà không quản ngại, cần mẫn đi đến từng dòng họ, từng địa điểm văn hoá lịch sử, tỉ mỉ trò chuyện với các bậc cao niên, dày công tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tài liệu...

Tuy nhiên, đến khâu xuất bản, phát hành mới là vấn đề lo lắng, bởi với đồng lương hưu, thật khó để có thể hoàn thiện khâu cuối cùng này. Nhờ sự hỗ trợ từ một số cơ quan, đoàn thể và vốn vay tín dụng, cuối cùng 600 cuốn sách Địa chí làng Đức Phổ đã được "trình làng". Một vài năm trở lại đây, với sự giúp đỡ của Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian Việt Nam (Dự án) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những cuốn sách tiếp theo của bà được in ấn và phát hành miễn phí, cũng như được hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu.

Thế nhưng, không phải tác phẩm, tác giả nào cũng được tham gia Dự án. Tác giả phải là Hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (tỉnh ta có 6 nhà nghiên cứu), đồng thời, quá trình thẩm định chất lượng tác phẩm phải thông qua Ban Chỉ đạo Dự án với nhiều khâu xét duyệt nghiêm túc, chặt chẽ từ đề cương, bản thảo cho đến mọi khía cạnh, tiêu chí liên quan khác. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiên bắt đầu tham gia "địa hạt" văn hoá văn nghệ dân gian từ năm 1989.

Trải qua gần 25 năm sưu tầm, nghiên cứu, tác giả Phạm Ngọc Hiên đã xuất bản một số cuốn sách có giá trị, như: Địa chí làng Trung Bính, Những ngôi chùa của tỉnh Quảng Bình và mới đây nhất là cuốn Quảng Bình-Núi sông hùng vĩ, chào mừng kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển tỉnh. Ngoài ra, phải kể đến hơn 200 bài nghiên cứu, bài báo.

Vì không phải là Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho nên, các tác phẩm của ông không nhận được sự hỗ trợ của Dự án trong quá trình hoàn thành, xuất bản, in ấn. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiên chia sẻ, mọi kinh phí đều do ông tự thân vận động, may mắn là ông vận động được nguồn hỗ trợ của tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật và một số nhà hảo tâm để hoàn thành. Khâu phát hành cũng rất vất vả, bởi sách in ra hầu hết mang đi biếu, tặng, thi thoảng một vài đơn vị đặt mua, dù khá hiếm hoi.

Nhà nghiên cứu Văn Tăng, Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình và Phân hội trưởng Phân hội Văn hoá Văn nghệ dân gian trầm ngâm, đó là nỗi gian truân của hầu hết các nhà nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian. Mặc dù tỉnh ta vẫn là một trong những tỉnh có sự quan tâm nhất định dành cho văn hóa văn nghệ dân gian, thường xuyên có sự hỗ trợ, dù ít dù nhiều, nhưng vẫn còn có những tác giả với không ít bản thảo nghiên cứu hoàn thành đành chất đống, để không cho mối mọt bởi không có tiền để xuất bản, phát hành.

Riêng bản thân nhà nghiên cứu Văn Tăng đã xuất bản được 5 cuốn sách, nhưng cũng phải đợi có Dự án tài trợ mới dám xuất bản. Mặt khác, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của cả hai Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình và Phân hội Văn hoá Văn nghệ dân gian đều rất khó khăn. Sau một thời gian dài im ắng, đến năm 2013, mới tổ chức được một buổi đi thực tế sáng tác cho các hội viên.

Tính liên kết, phối hợp giữa các hội viên hầu như khá lỏng lẻo, các diễn đàn để trao đổi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm lại càng ít ỏi hơn. Các hội viên cũng đã ở tuổi cao niên, trong khi việc tìm kiếm, đào tạo lớp kế cận cũng không hề đơn giản.

Cần có một chương trình, kế hoạch nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian dài hơi để bảo tồn những giá trị đang dần bị mất đi ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Cần có một chương trình, kế hoạch nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian dài hơi để bảo tồn những giá trị đang dần bị mất đi ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo nhà nghiên cứu Văn Tăng, khó khăn của hoạt động nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian cũng nằm trong cái chung, không phải là biệt lệ so với những lĩnh vực văn hoá nghệ thuật khác. Chỉ có điều đáng tiếc là trong khi kho tàng văn hoá dân gian của tỉnh ta vẫn còn rất phong phú, đa dạng, thì những nghiên cứu đã công bố mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ mà thôi, chưa kể chúng còn mang tính đơn lẻ, chưa có quy mô và tính hệ thống.

Mong muốn lớn nhất của những người làm công tác nghiên cứu là được hỗ trợ những đề án, chương trình nghiên cứu dài hơi, có kế hoạch để lưu giữ nhiều giá trị văn hoá nghệ thuật đang dần dần mai một theo quy luật của thời gian trước khi quá muộn. Dưới góc độ quản lý, ông Phan Đình Tiến, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định, Hội hiện có 5 Chi hội Trung ương, các Phân hội địa phương (như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc...) với nguồn kinh phí hoạt động do địa phương cấp hàng năm.

Hội phân bổ kinh phí theo kế hoạch hoạt động từng năm và không phân bổ riêng nguồn kinh phí cho Chi hội hay Phân hội nào. Do đó, Hội thấu hiểu nỗi khó khăn trong quá trình tổ chức hoạt động của các Chi hội, Phân hội, anh em chủ yếu tự thu tự chi trong quá trình hoàn thành tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh không có Hội cấp huyện mà chỉ có Chi hội cấp huyện, do đó, không tranh thủ được nguồn hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Trước mắt, Hội rất cần có một nguồn kinh phí ổn định để khuyến khích những tác phẩm chất lượng cao, tạo nguồn và làm căn cứ xét giải thưởng Lưu Trọng Lư (tổ chức 5 năm một lần) và sửa đổi điều lệ Hội để tổ chức thành lập các Hội Văn học Nghệ thuật cấp huyện nhằm chủ động kinh phí, tranh thủ sự hỗ trợ của huyện, thành phố. Đồng thời, Hội sẽ có những động thái tích cực hơn để tạo nguồn kế cận xứng đáng, như: tổ chức các Trại viết, bồi dưỡng tài năng trẻ, huy động nhân lực tiềm năng đang công tác ở các cơ quan, lĩnh vực khác...

Nỗi lo... gần trước mắt của đội ngũ những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian là sự lão hóa đang hiển hiện từng ngày, còn nỗi lo... xa, đó là số phận của từng công trình, đề tài, tác phẩm nghiên cứu đã, đang và sẽ thành hình, từ khâu thai nghén, triển khai, hoàn thành cho đến in ấn, phát hành. Nỗi lo... xa hơn nữa là về sự mai một của không ít giá trị văn hóa đặc sắc địa phương đang mất dần đất sống mà chưa có được sự bảo tồn phù hợp. Nỗi lo nào cũng là lo, nhưng tựu chung lại, đó vẫn là sự ám ảnh, day dứt và cả một niềm hy vọng về một cuộc giải thoát những nỗi lo trong tương lai.

Mai Nhân