.

Thế hệ nhà văn thân thuộc nhất với tôi

Thứ Tư, 19/03/2014, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù ai nói ngược nói xuôi thì với tôi thế hệ nhà văn chống Mỹ vẫn để lại những ấn tượng khó phai nhòa. Cuộc chiến tranh Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào (thơ Hồ Chí Minh) đã qua lâu rồi, đủ độ lùi cần thiết để chúng ta đánh giá khách quan về thế hệ nhà văn này qua những sáng tác trước và sau năm 1975 của họ. Đóng góp của thế hệ cầm bút chống Mỹ vào nền văn học nước nhà được bao nhiêu về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có thành tựu gì và hạn chế ra sao là những câu hỏi cần được trả lời.

Phần việc ấy, theo tôi nghĩ, trước hết thuộc về các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, sau đó tới các nhà văn và bạn đọc. Riêng tôi, trong bài viết này chỉ đề cập tới dấu ấn và ảnh hưởng của thế hệ nhà văn chống Mỹ đối với mình trong cảm thức và sáng tác văn học như thế nào mà thôi.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Bình tuyến lửa, tuổi học trò của tôi gần như đi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tuổi thơ tôi tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh; rất nhiều bom rơi đạn nổ, rất nhiều đổ nát tan hoang, rất nhiều chết chóc thương vong. Làng tôi, vốn hiền hòa xinh đẹp nằm ở cuối sông Gianh chẳng còn nổi một ngôi nhà nguyên vẹn, ít có gia đình nào không có người thân ngã xuống vì bom đạn giặc.

Tôi cũng chứng kiến lòng dũng cảm đánh trả máy bay Mỹ của bộ đội hải quân, bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ. Tôi từng thấy những con thuyền gỗ bé nhỏ bất chấp bom đạn ra khơi đánh cá hay đến Hòn La chở lương thực thực phẩm từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) để tiếp tế cho chiến trường. Phà Gianh, đường 1A, cầu Khe Nước, đường Ba Trại...là những trọng điểm đánh phá của máy bay tàu chiến Mỹ. Xa hơn một chút là Trường Sơn xanh mờ mà dù lúc ấy đang tuổi học trò tôi cũng biết bộ đội ta hành quân qua đây để vào miền Nam đánh giặc.

Kỳ lạ, là lòng yêu văn chương của đám học trò chúng tôi lúc ấy thật mãnh liệt. Cơm độn áo vá, đầu trần chân đất, đi bộ ngủ hầm...thế mà, chúng tôi mê văn thơ đáo để. Nói không ngoa đâu, tôi mê văn thơ đến mức nghiện nó. Cảm giác rằng, nếu không có những bài thơ ấy, truyện ngắn, tiểu thuyết ấy và cả những bài hát ấy nữa...chắc chúng tôi sẽ khó tồn tại được trong hoàn cảnh khốc liệt như thế. Sách báo không có nhiều, nhưng với thơ thì đứa này đọc được cố học thuộc để còn đọc lại cho đứa khác nghe, với văn xuôi cố nhớ cốt truyện để kể cho nhau nghe.

Nói thật, trong thời chiến tranh, những bài thơ đánh giặc có sức truyền cảm vô cùng lớn, nó như là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thơ ca cộng hưởng vào xã hội, xã hội cộng hưởng vào thơ ca, hài hòa và mạnh mẽ lắm. Tâm hồn chúng tôi được nuôi dưỡng bằng những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết nồng nàn lòng yêu nước, yêu lý tưởng, yêu cuộc sống và sự lạc quan lãng mạn. Thời ấy, tôi thực sự mê thơ Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Đình Cánh, Trần Vàng Sao...

Long Đại-Di tích lịch sử hào hùng thời chống Mỹ. Ảnh: P.V
Long Đại-Di tích lịch sử hào hùng thời chống Mỹ. Ảnh: P.V

Sau này, yêu thêm thơ Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Văn Lê...Thời bom đạn, tôi đã đọc Hòn đất của Anh Đức, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Phù sa của Đỗ Chu...Tôi gần như thuộc lòng truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu và đã đọc lại cho bọn bạn trong xóm nghe...

Bây giờ, qua sàng lọc của thời gian có những tác phẩm thời chống Mỹ đọc không còn hay nữa nhưng cái vẫn đọng lại trong tôi là trách nhiệm của người cầm bút. Sự gắn bó giữa nhà văn với Tổ quốc và nhân dân là vô cùng thân thiết. Tính công dân, chất chiến sĩ luôn được đề cao trong thế hệ nhà văn chống Mỹ. Âm hưởng chủ đạo của dòng văn học chống Mỹ là anh hùng ca, tính chất xuyên suốt của nó là cổ vũ lòng yêu nước. Đấy là những vấn đề lớn của văn học mà bây giờ đôi khi người ta do tuyệt đối hóa cái tôi đã cố tình hay vô tình lãng quên, đánh mất. Thật là không nên, không phải chút nào khi người ta vin vào những cái đó để chê bai thơ văn chống Mỹ thiếu cá tính, thiếu bản sắc.

Viết cho cái chung, vì cái chung không hạ thấp văn chương. Tại sao bài thơ Thần thời Lý, Hịch tướng sĩ thời Trần, Bình Ngô đại cáo thời Lê, Truyện Kiều thời Nguyễn...vẫn còn được nhân dân ta yêu quý, trân trọng cho đến hôm nay? Những tác phẩm xuất sắc của thế hệ nhà văn chống Mỹ chắc chắn vẫn còn có giá trị lâu dài. Đọc kỹ ta vẫn thấy có những lấp lánh trong đó. Văn thơ hay không bao giờ cũ cả.  

Có thể nói rằng, với tôi, văn thơ chống Mỹ đã khơi lên tình yêu và cảm hứng sáng tác nghệ thuật. Khởi đầu con đường sáng tác của tôi bắt đầu từ đó. Tôi tiếp nhận từ thế hệ đàn anh ngọn lửa văn chương ấm áp.Tôi đã học được từ thế hệ nhà văn này những điều bổ ích. Đây là thế hệ nhà văn thân thuộc nhất đối với tôi, trong cuộc sống cũng như trong sáng tác.

Sau năm 1975, như để bù lại phần thiếu hụt của mình trong các tác phẩm, thế hệ nhà văn chống Mỹ đã có những “quẫy đạp” đáng quý. Họ viết về chiến tranh với biên độ rộng hơn và có chiều sâu. Cái nhìn về đồng đội và đối phương cũng khác. Trên mẫu số chung là con người, số phận những chiến binh (ta và địch) cùng với hậu phương của họ được miêu tả chân thật hơn, khách quan và nhân văn hơn. Không có cái xấu hoàn toàn dành cho đối phương và cũng không phải người nào của ta cũng tốt. Không phải trận chiến nào ta cũng thắng và không phải kẻ thù nào cũng khát máu, tàn bạo. Những mất mát đau thương không còn phải giấu kín nữa mà nó được miêu tả phơi bày đôi khi thật trần trụi.

Không khó lắm để chứng minh những điều tôi vừa nói trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Xuân Đức, Trần Văn Tuấn, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Minh Tường, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai...trường ca và thơ của Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Lê Thị Mây, Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu...Những trang viết đầm đìa máu và mồ hôi của con người, giúp bạn đọc nhìn đúng hơn, kỹ hơn, thật hơn một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Nhìn nhận, đánh giá thế hệ nhà văn chống Mỹ nên phải bao gồm cả hai giai đoạn: trước và sau năm 1975 để thấy hết những thành tựu và đóng góp của họ trong tiến tình phát triển của văn học Việt Nam.

Tôi là một người lính nhập ngũ năm 1974, trước cái mốc lịch sử đặc biệt Đại thắng mùa xuân một năm. Chùm thơ 3 bài đầu tiên của tôi được in báo là trên tờ Trường Sơn do anh Phạm Tiến Duật biên tập thuở tôi còn binh nhì. Bài thơ đầu tiên in Văn nghệ quân đội là năm 1976, in Văn nghệ năm 1985. Năm 1996, tôi được giải thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội và sau đó 1 năm trở thành biên tập viên của Nhà số 4.

Điều tôi thấy may mắn, là đã được quen biết, làm việc với nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ trong đó có những người đã thành bạn vong niên như Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Lê Đình Cánh...Thân quen, nhưng chưa bao giờ các anh chị trở thành những cái bóng che rợp tôi. Tôi quý trọng các anh chị nhưng vẫn chọn lựa lối đi của mình để sau ngần ấy năm đã tạo được giọng riêng không lẫn vào lớp nhà thơ đi trước dù viết về chiến tranh. Tuy vậy, tôi vẫn chưa bao giờ không thừa nhận, thế hệ nhà văn chống Mỹ đã có ảnh hưởng đến mình. Sự ảnh hưởng vào các giai đoạn có sâu nông khác nhau nhưng đều có.

Hiện nay, tôi biết, không phải không có người muốn hạ thấp thành tựu đóng góp của thế hệ nhà văn chống Mỹ vào nền văn học nước nhà. Theo tôi, thì dù còn có những hạn chế nhưng thế hệ nhà văn chống Mỹ đã có những đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử dữ dội. Mảng văn học viết về chiến tranh là thành tựu lớn nhất của họ. Trước và sau năm 1975, nhiều tác phẩm chiến tranh đã được bạn đọc đánh giá cao là của thế hệ này. Có những tên tuổi của thế hệ nhà văn chống Mỹ còn lưu lại rất lâu trong lòng bạn đọc. Đấy là niềm tin vững bền của tôi.

Nguyễn Hữu Quý