.

Văn học nghệ thuật và những nỗi lo... xa! - Kỳ 1: Thực thi quyền tác giả trong âm nhạc: Chuyện của muôn năm cũ!

Thứ Ba, 01/04/2014, 14:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm siết chặt hơn nữa công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát vấn đề bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan khác đối với hoạt động văn học nghệ thuật theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có công văn số 2514/BVHTTDL-NTBD ngày 9-7-2013 và công văn số 269/BVHTTDL-TTr ngày 6-2-2014 gửi đến Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước và các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bản thân Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kể từ khi thành lập năm 2002 đã có nhiều nỗ lực tích cực “bảo vệ” những đứa con tinh thần của các nhạc sĩ. Tuy vậy, đối với tỉnh ta, việc đảm bảo quyền tác giả trong âm nhạc vẫn đang trong tình trạng “dẫm chân tại chỗ”.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong những nhạc sĩ của tỉnh ta có nhiều tác phẩm phổ biến rộng khắp trong nước và nước ngoài. Không ít những ca khúc của ông, như: Tình ta biển bạc đồng xanh, Tiếng dạ tiếng thương, Nhớ Ngự Bình, Giọng hò quê hương, Tiếng hát đò đưa..., đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng yêu nhạc và thường xuyên xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ. Đó là chưa kể đến hàng loạt những ca khúc khác nằm trong các album của nhiều nghệ sĩ danh tiếng trong và ngoài nước, dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ hay các trang điện tử chia sẻ nhạc trực tuyến...

Từ 5 năm trở lại đây, sau khi ký hợp đồng ủy thác thu phí tác quyền với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương yên tâm hơn đối với bản quyền của những ca khúc “dứt ruột đẻ ra” của mình. Thế nhưng, hàng tháng, số tiền ông nhận được từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng không phải là nhiều và thiếu ổn định, dao động từ 2-8 triệu/tháng.

Nhạc sĩ chia sẻ, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ mới thu tiền tác quyền ở các tỉnh, thành phố lớn, có đời sống âm nhạc sôi động. Lĩnh vực thu tiền tác quyền tuy mở rộng hơn trước đây, kể cả: phát thanh, truyền hình, nhạc chuông, nhạc chờ, hàng không, xuất bản, karaoke, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, quảng cáo, nhạc phim..., nhưng số lượng các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh, bài bản vẫn còn khá hạn chế. Các ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương chủ yếu được trả tiền tác quyền từ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel...

Nhưng dù sao, với số tiền được chuyển khoản hàng tháng, đó cũng là một sự động viên tích cực, sự ghi nhận nhất định dành cho các nhạc sĩ cống hiến hết mình cho âm nhạc. Ở tỉnh ta, ngoài tác phẩm được in ấn trên mặt báo và được trả nhuận bút, những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương được sử dụng trong các chương trình văn hóa, văn nghệ quy mô lớn, nhỏ đều hầu như “miễn phí”. Chỉ một vài chương trình nghệ thuật lớn có hỏi ý kiến của tác giả, còn lại thì thoải mái sử dụng.

Bởi đa phần các chương trình văn hóa văn nghệ tại tỉnh ta là phục vụ cộng đồng và vì nhiệm vụ chính trị, cho nên vấn đề tác quyền âm nhạc trở nên rất khó khăn.
Bởi đa phần các chương trình văn hóa văn nghệ tại tỉnh ta là phục vụ cộng đồng và vì nhiệm vụ chính trị, cho nên vấn đề tác quyền âm nhạc trở nên rất khó khăn.

Theo nhạc sĩ Dương Viết Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Bình, Chi hội hiện có 10 thành viên (trong đó có 7 nhạc sĩ sáng tác), nhưng chỉ mới có 3 nhạc sĩ tham gia ký hợp đồng ủy thác với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đó là nhạc sĩ Dương Viết Chiến, nhạc sĩ Quách Mộng Lân và nhạc sĩ Hoàng Sông Hương. Bản thân nhạc sĩ Dương Viết Chiến, với khoảng từ 12-15 ca khúc khá phổ biến với bạn nghe nhạc, như: Tình sông Nhật Lệ, Kết ngàn đài hoa kính dâng lên Người, Về với động Thiên Đường..., cũng chỉ mới được nhận 2 triệu đồng tiền tác quyền từ năm 2011 đến nay. Và một trong những ca khúc mới nhất của ông, Vị tướng của nhân dân tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được trình diễn, thu âm khá nhiều, nhưng tác quyền vẫn chưa thấy đâu.

Tương tự như trường hợp nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, các ca khúc của nhạc sĩ Dương Viết Chiến khi được sử dụng trong các hoạt động văn hóa văn nghệ tỉnh nhà cũng hầu như không được quan tâm đến tác quyền. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng khá đau đầu đối với các nhạc sĩ ở tỉnh ta đó là việc đăng ký bản quyền cho ca khúc. Nhạc sĩ Dương Viết Chiến cho biết, thông thường đối với các nhạc sĩ, mỗi ca khúc sau khi được sáng tác, được một ca sĩ trình bày và phát hành hoặc được in ấn trên một ấn phẩm báo chí, là xem như đã được xác nhận quyền tác giả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đăng ký bản quyền tác giả âm nhạc không đơn giản như vậy, đòi hỏi thủ tục, trình tự cụ thể trong khi các nhạc sĩ lại chưa có được sự hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết để  bảo đảm quyền tác giả của mình.

Không chỉ riêng đối với lĩnh vực âm nhạc, mà ở nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học..., vấn đề tác quyền cũng chưa có được sự quan tâm thấu đáo. Còn nhớ, tại một sự kiện diễn ra hồi năm ngoái ở tỉnh ta, một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã vô cùng bức xúc khi tác phẩm của mình được sử dụng tràn lan mà không có sự xin phép và thậm chí trên ảnh cũng không ghi rõ tên tác giả. Ông Phan Đình Tiến, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho giới văn nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật, Hội cũng chưa triển khai hoạt động nào về quyền tác giả hay các quyền liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ trong suốt thời gian qua. Đó là phần việc của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, khẳng định, sở dĩ tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được việc thu tác quyền âm nhạc là bởi đời sống âm nhạc của tỉnh nhà chưa sôi động, quy mô nhỏ hẹp. Chẳng hạn, nếu trung bình mỗi năm Sở cấp phép cho từ 20 đến 30 chương trình văn hóa nghệ thuật, thì 2 năm trở lại đây, con số này thu hẹp lại rất nhiều. Mặt khác, các chương trình văn hóa nghệ thuật chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, hướng đến cộng đồng, ít thu phí, do đó, vấn đề tác quyền âm nhạc trở nên rất khó khăn.

Hiện tại, theo các công văn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân về những văn bản liên quan đến quyền tác giả và các quyền liên quan khác đối với hoạt động văn học nghệ thuật. Đồng thời, Sở tích cực hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi sử dụng tác phẩm để tổ chức biểu diễn. Việc xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn và tổ chức biểu diễn sẽ được chú trọng.

Rõ ràng, đây là vướng mắc chung của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như tỉnh ta, nhưng về lâu về dài, một khi đời sống văn hóa nghệ thuật có nhiều bước tiến, đổi mới hơn, Luật Sở hữu trí tuệ đi sâu vào cuộc sống, thì chắc chắn những “nỗi lo... xa” về tác quyền sẽ không còn xa xôi nữa, mà sẽ rất gần, rất thật. Do đó, dù sớm hay muộn, việc nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, để từ đó có những hướng quản lý chặt chẽ, khoa học và hệ thống hơn là rất cần thiết. Đồng thời, các cơ quan, đoàn thể liên quan cần có những động thái tích cực để tuyên truyền về quyền tác giả và các quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ đến các nhạc sĩ và đội ngũ người làm nghệ thuật, bởi hơn ai hết, chính họ mới có thể tiên phong trong việc bảo vệ những đứa con tinh thần của mình.                     

Mai Nhân

Kỳ 2: “Thấp thỏm” nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian