.

Triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Bảy, 14/10/2017, 17:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 14-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. 

Tham dự có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về bảo vệ và phát triển rừng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Quảng Bình, có đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Thời gian qua, các tỉnh, thành trong cả nước đã có những nỗ lực, cố gắng nhằm duy trì, phát triển và nâng cao độ che phủ rừng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ khai thác rừng trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như làm giảm diện tích rừng. Vì thế, cần tăng cường các giải pháp nhằm QLBVR hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tiếp đó, đại diện Bộ Nông nghiệp-PTNT đã đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác QLBVR thời gian qua. Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, cả nước có hơn 14.377 ngàn ha rừng, tăng gần 316 ngàn ha so với năm 2015. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong gia đoạn từ 2013-2016; sản lượng gỗ rừng trồng tăng từ 5,6 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016.

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng giảm 3.170ha so với năm 2015; trong đó, rừng tự nhiên giảm hơn 11.400ha. Trong 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.257ha. Riêng khu vực Tây Nguyên phát hiện 3.877 vụ, 444ha diện tích rừng bị thiệt hại…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo khái quát kết quả QLBVR trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Theo đó, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ, phát triển rừng cho lực lượng chức năng.

Chi cục Kiểm lâm đã chủ động triển khai, phối hợp thực hiện công tác QLBVR và phòng cháy, chữa cháy rừng cơ bản có hiệu quả; đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản, quản lý động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện, tổng diện tích rừng giao khoán theo kế hoạch năm 2017 trên toàn tỉnh là hơn 243.000ha, trong đó: khoán BVR phòng hộ là hơn 61.800ha, khoán BVR theo chương trình 30a tại huyện Minh Hóa là hơn 34.600ha, BVR tự nhiên sản xuất theo đề án 2242 của các Công ty Long Đại và Bắc Quảng Bình là hơn 84.000ha.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề liên quan đến kinh phí sự nghiệp bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên theo kế hoạch năm 2017 và vốn còn thiếu của năm 2016; hỗ trợ cây giống cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình bị thiệt hại do bão; tiếp tục thực hiện cải tạo rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt không thể phục hồi phát triển…

Trên cơ sở nhiều ý kiến thảo luận được trình bày tại hội nghị, các đại biểu thống nhất thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường công tác QLBVR thời gian tới, đó là: nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng; tăng cường chống chặt phá rừng trái pháp luật…

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kế quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời lưu ý những giải pháp trọng tâm cần thực hiện, đó là: triển khai quyết liệt các giải pháp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng, nhất là ở những diện tích rừng trồng; phải coi việc QLBVR là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương; thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa rừng; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là diện tích rừng tự nhiên; không cải tạo rừng nghèo, rừng ven biển, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn khi chưa có đánh giá khoa học chính xác về hiện trạng rừng.

Đối với các tỉnh, thành phố có rừng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần chú trọng phát triển rừng trồng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng cũng như các đối tượng tiếp tay phá rừng; phân cấp quản lý rừng một cách cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa áp lực đối với rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền…

Nguyễn Hoàng