.

Thành lập ngay các tổ công tác xử lý các lô hàng hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm

Thứ Bảy, 10/12/2016, 12:28 [GMT+7]
(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương để bàn các giải pháp xử lý tiêu hủy và hỗ trợ tiêu thụ đối với số lượng hải sản thu mua, tạm trữ hiện tồn đọng trên địa bàn vào chiều 9-12.
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Theo thống kê, tổng giá trị thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra cho tỉnh ta, tính đến ngày 30-11 là hơn 2.500 tỷ đồng. Thực hiện việc kê khai, bồi thường theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, tỉnh ta đã có 50/64 xã có quyết định phê duyệt đối tượng, kinh phí bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 900 tỷ đồng (đạt 38,7%). Tổng số tiền phê duyệt chi trả là hơn 423 tỷ đồng, trong đó đã chi trả hơn 307 tỷ đồng.
 
Qua thực tế áp dụng việc chi trả bồi thường, một số đối tượng bị thiệt hại sau sự cố môi trường biển nhưng vẫn chưa được bồi thường như: chủ cơ sở chế biến, cơ sở nuôi trồng hải sản bị chết dưới 70%, các cơ sở lưu trú ven biển, định mức bồi thường cho tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên còn thấp...
 
Qua 3 đợt thống kê, lấy mẫu tại 48 cơ sở hải sản lưu kho trong tỉnh có hơn 606 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm chờ xử lý tiêu hủy. Về số hải sản tồn kho, theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh ta phải xử lý hàng hải sản tồn kho là 3.265 tấn, trong khi số lượng hải sản tồn kho trên địa bàn lên đến 6.918 tấn. Và, hiện vẫn chưa có quy định bồi thường đối với hải sản thu mua trong tỉnh nhưng lưu kho ngoại tỉnh.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Ngân yêu cầu, giao Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Công Thương và các địa phương thành lập ngay các tổ công tác tiêu hủy hơn 606 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tiến hành khôi phục sản xuất kinh doanh trở lại. Cụ thể, trong đợt 1 này, TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch, mỗi địa phương thành lập 4 tổ công tác. Việc tiêu hủy, phân loại danh mục, đơn hàng phải được tiến hành thực hiện nghiêm túc, nhằm bảo đảm cho việc chi trả bồi thường sau này.
 
Về việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương phải thực hiện hoàn thành trong tháng 12-2016.
 
Dương Công Hợp