.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ Sáu, 21/03/2014, 16:40 [GMT+7]
(QBĐT) - Sáng 21-3, Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến hết năm 2013, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp là 6.763 tỷ đồng, chiếm 20,4% GDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2013 đạt 4,5%; cơ cấu nông nghiệp có bước chuyển dịch đáng kể, tỷ trọng trồng trọt giảm, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp tăng; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung…
 
Tuy nhiên quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, tốc độ chuyển dịch nội bộ ngành còn chậm; hoạt động của các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa cao, ngành nghề nông thôn chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu, chưa có sản phẩm mang tính cạnh tranh hàng hoá trên thị trường; chất lượng nông sản chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu...
 
Với thực tế đó, mục tiêu tái cơ cấu là duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3,5-4% giai đoạn 2014-2015 và 4,5-5% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2015, cơ cấu nông lâm ngư nghiệp chiếm 16,5%, năm 2020 chiếm 14-15 GDP toàn tỉnh. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 2-3 lần so với năm 2013, phấn đấu 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
 
Định hướng tái cơ cấu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh có quy mô phù hợp theo hình thức trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường của tỉnh như lúa, gạo, cao su, sắn, tôm nuôi, hải sản, đồ gỗ…; tăng thu nhập cho nông dân trên cơ sở tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế; giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường…
 
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến về nội dung tái cơ cấu trên các lĩnh vực.
 
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc xây dựng đề án. Đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hoàn thiện đề án trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đóng góp của các địa phương, lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong nội dung đề án, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển ngành nghề nông thôn, xác định cụ thể các loại cây trồng tiềm năng; trên cơ sở đề án của huyện, tỉnh, các phường xã cần xây dựng kế hoạch tái cơ cấu cụ thể…
 
Thanh Hải